Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tấn bi kịch của đại văn hào Anh

Theo sách "Ba bậc thầy" của Stefan Zweig, tài nghệ của Charles Dickens được nuôi dưỡng trên nền đạo đức của nước Anh: no đủ chẳng thiết tha gì ngoài sự thảnh thơi.

Chân dung Charles Dickens do Daniel Maclise vẽ. Ảnh: Salon.

Chuyến phiêu du lên thiên cung của Dickens bị níu giữ bởi sức nặng như chì của thời đại thiếu vắng khát khao, chỉ mong hưởng thụ. Làn gió nhẹ mơn trớn cánh buồm chẳng thể đưa con thuyền ông rời xa bờ biển Anh để tìm đến những thắng cảnh chưa từng biết đến và miền đất xa xôi không dấu chân người. Ông cẩn trọng, luôn giữ lấy những gì thân thuộc và thuận theo tập tục lâu đời.

Cũng giống như Shakespeare là hiện thân cho nét can trường của một nước Anh đam mê quyền lực và bành trướng, thì Dickens tiêu biểu cho bản tính cẩn trọng của một đất nước đã có được những gì nó muốn có. Chính thời điểm Dickens chào đời năm 1812, bóng tối bắt đầu bao trùm khắp thế gian; ngọn lửa khủng khiếp, ngọn lửa từng đe dọa thiêu rụi bộ khung thiếu định hình của các quốc gia châu Âu, đã bị dập tắt. Đám cận vệ trong đoàn quân Napoleon đã bị đập tan khi đối đầu với lính bộ binh Anh tại Waterloo; nước Anh được cứu rỗi, hộ tống kẻ thù bại trận ra hòn đảo xa xăm ngoài biển khơi hoang vắng, kéo dài thêm những tháng ngày bị tước đoạt hết vương miện và quyền lực của ông ta.

Dickens không có mặt vào thời điểm đó để chứng kiến sự trỗi dậy của ngôi sao chổi rực cháy ấy, ông chẳng thể thấy được ánh sáng soi tỏa khắp nền trời, cũng chẳng thể thấy ánh lửa chập chờn từ miền tận cùng Âu châu để chứng kiến màn hợp sức tiêu diệt kẻ chinh phục ấy. Đôi mắt ông khi mở ra chỉ thấy làn sương mù phủ quanh hòn đảo quê hương.

Thế hệ trẻ ấy vào đời khi những đấng anh hùng kia đều khuất bóng. Nhưng ngay tại nước Anh, vẫn có vài kẻ không tin vào điều này. Mang theo bầu nhiệt huyết, bọn họ muốn hào hứng chọc gậy vào cỗ xe thời đại, muốn hân hoan tận hưởng lại niềm hứng khởi của tháng ngày đã qua; nhưng nước Anh, khao khát thái bình và yên ổn, đã xua đuổi những đứa con nổi loạn ấy rời xa người.

Bọn họ bỏ lại bến bờ sau lưng, gắng kiếm tìm chốn dung thân cho những câu chuyện anh hùng hiệp sĩ; họ gắng nhen nhóm lên ngọn lửa; mà số phận lại quá nghiệt ngã với họ. Shelley chết đuối tại vùng sông nước Tyrrhenia; Byron bị trận sốt hạ gục tại Missolonghi: thời đại dành cho chuyến phiêu lưu anh hùng đã trôi xa rồi. Thế gian khoác lên mình bộ y phục nghiêm trang.

Nước Anh đương ăn mừng chiến lợi phẩm vấy máu ấy: dân thành thị, kẻ lái buôn, đám môi giới, ngự trị trên đỉnh cao, ung dung tự tại trên ngai tòa cứ như thể là ghế bành vậy. Nước Anh đang tận hưởng bữa tiệc dành cho mình.

Vào thời đó, nghệ thuật muốn đi vào lòng người thì phải dễ hấp thụ. Nó không được phép làm nhiễu loạn hay kích động cảm xúc; người ta kỳ vọng nó phải âu yếm vuốt ve hay chọc cười họ; nó có thể ủy mị nhưng đừng bi kịch hóa. Không ai muốn run lẩy bẩy hay rùng mình như thể có tia chớp xuyên thấu qua tim, khiến hơi thở tắc lại tại cổ họng và dòng máu trở nên đông cứng.

Những nỗi kinh hoàng là điều vốn dĩ quá quen thuộc trong đời sống thường nhật vừa qua, khi báo chí toàn mang đến tin tức về tình hình xảy đến tại Pháp, Nga, hay đây đó. Tạo cảm giác hơi rờn rợn thì không sao. Chuyện kể về cuộc đời thăng trầm của những con người bình dị thì chấp nhận được.

Cái người ta mong muốn lúc ấy là thứ nghệ thuật bên lò sưởi; những cuốn sách có thể thư thái mà đọc mặc cho mưa gió thét gào ngoài ô cửa; những câu chuyện có thể sẻ chia vui vầy trong chính tổ ấm gia đình, bên cạnh ngọn lửa bập bùng tí tách thật yên ả; thứ nghệ thuật mang lại cảm giác ấm êm khắp mình mẩy như thể tách trà thơm ngào ngạt, chẳng kẻ nào muốn làm con tim rúng động bằng men say dữ dội. Kẻ chinh phục ngày hôm qua nay thành ra mềm yếu đến mức họ thậm chí e sợ lỡ đâu những cảm xúc mãnh liệt lại trỗi dậy trong lòng.

Tất cả những gì họ muốn lúc này là duy trì và giữ vững; thời đại của các Odyssey cùng những chiến công hiển hách đã qua rồi. Sách vở họ đọc, hệt như đời sống thường nhật, họ mong có được cái say đắm nhẹ nhàng; họ chẳng hề khao khát cơn ngây ngất, chỉ đơn thuần muốn nếm trải xúc cảm bình dị trôi theo dòng chảy lững lờ.

Bởi người Anh thời đó, nét thâm trầm hiền hòa và hạnh phúc chính là báu vật; óc thẩm mỹ phải theo giá trị đạo đức, còn đạo đức thì mang nét đoan trang, e dè; ý thức dân tộc biểu thị tính trung thành với hiến pháp và quyền lực tối cao Vương quốc Anh; tình yêu được coi như đồng nhất với hôn nhân. Hết thảy những giá trị của đời sống trở nên nhợt nhạt. Nước Anh thỏa nguyện và chẳng hề muốn đổi thay.

Giả như có thứ nghệ thuật nào muốn được chấp thuận tại một quốc gia tự hài lòng với bản thân như nước Anh, nó cũng nhất định phải thể hiện sự toại nguyện và thỏa mãn; nó phải cất lời ca tụng về trật tự xã hội hiện nay, đừng có cố bay cao vươn xa. Thiên tài trỗi dậy là để biểu thị niềm thôi thúc hướng đến thứ nghệ thuật thoải mái, thân tình, hân hoan, và dễ hấp thụ; hệt như trước đây, vào thời Elizabeth, một Shakespeare đã ra đời để bày tỏ hằng bao nguyện vọng khác biệt.

Dickens là mối hợp nhất cho những nhu cầu nghệ thuật của nước Anh trong thời đại của ông. Và chính vì ông sinh ra đúng thời điểm đó, đáp ứng đúng đòi hỏi của dân tộc, bởi thế leo cao trên nấc thang danh vọng. Dẫu vậy đó lại là tấn bi kịch đối với ông, bởi nhu cầu của dân tộc trong thời đại đó đáng lẽ phải là những gì họ đang có.

Tài nghệ của ông được nuôi dưỡng trên nền đạo đức giả tạo của nước Anh no đủ chẳng thiết tha gì ngoài sự thảnh thơi. Nếu như tác giả không có khả năng sáng tạo nổi trội, không phải vì óc hài hước thú vị của ông lan tỏa và làm tôn thêm phần nội dung thiếu xúc cảm, thì thành quả ông đạt được cũng chỉ có giá trị đối với thế giới của riêng nước Anh thời đó mà thôi.

Đối với chúng ta, tiểu thuyết của ông cũng sẽ chỉ như hàng nghìn tác phẩm khác trên quê hương ông thế kỷ ấy. Phải là người nào ghét cay ghét đắng tính giả dối và tư duy hẹp hòi của thời đại Victoria thì mới trân trọng tài năng đáng kinh ngạc của con người biến thế giới tự mãn đáng căm ghét ấy trở nên thú vị đến thế được, khiến cho nó không chỉ thú vị mà thậm chí còn đáng yêu, biến hiện trạng xã hội tẻ nhạt và buồn chán cùng cực trở nên nên thơ sống động.

Bản thân Dickens chẳng bao giờ chiến đấu chống lại nước Anh. Nhưng trong sâu thẳm tiềm thức, người nghệ sĩ ấy đương trong cuộc chiến chống lại chất Anh trong con người mình.

Thoạt tiên ông tiến bước vững chãi và mạnh mẽ; rồi từng chút từng chút một lún sâu vào tầng cát chảy mềm mại của thời đại, trở nên yếu ớt, rốt cuộc thấy hài lòng khi sải bước dễ dàng trên con đường mòn, trên xa lộ thênh thang mà truyền thống xưa cũ của đất nước mình để lại. Khuất phục trước tinh thần thời đại, Dickens lúc nào cũng khiến tôi nhớ về Gulliver ở xứ sở của người Lilliput. Trong khi người khổng lồ đương thiếp đi, đám người tí hon trói chặt ông ta xuống mặt đất bằng cả nghìn “sợi chỉ mỏng manh”, mà chẳng chịu nới lỏng ra đến khi nào ông ta hứa hẹn tuân thủ mọi điều trong luật pháp xứ sở đó.

Theo cách tương tự, trong khi say giấc nồng thủa còn chưa ai biết đến, truyền thống Anh đã ghì chặt Dickens xuống và giam cầm ông; và thành công càng trói chặt ông vào mảnh đất Anh, bởi thành công đi cùng với danh vọng, rồi khi đã có tên tuổi, bàn tay ông chẳng thể thoát ra.

...

Thời đó, Vương quốc Anh là quốc gia duy nhất không phải trải qua những chuyển biến dữ dội của phong trào cách mạng năm 1848. Do vậy tư tưởng muốn lật đổ thể chế và lập lại từ đầu tất nhiên chẳng thể xâm nhập vào đầu óc Dickens; điều ông mong ước thực hiện là chỉnh lý và cải tạo trật tự hiện hữu, để xoa dịu và cải thiện tình trạng bất công trong xã hội khi chúng trở nên quá gay gắt và đau đớn: nhưng ông không có ý định đào sâu và diệt trừ chúng như diệt thứ cỏ dại. Đúng với tính cách dân tộc Anh, ông chẳng dám xáo trộn nền móng đạo đức ấy; những điều đó bất khả xâm phạm như Kinh Thánh vậy.

Thái độ bằng lòng, mãn nguyện, sản phẩm chưng cất từ chất liệu cảm xúc nhợt nhạt của thời đại, là đặc trưng căn bản của Dickens. Ông chẳng hề đòi hỏi quá nhiều ở cuộc đời; các nhân vật của ông cũng vậy.

Khoang cach tu tham lam den tham vong hinh anh

Khoảng cách từ tham lam đến tham vọng

0

Tham vọng bắt nguồn từ tâm tham cầu - một trong những phiền não lớn nhất của con người. Gọi nó là phiền não vì nó luôn khiến cho ta khổ, nắm bắt được cũng khổ mà không được cũng khổ. Tâm tham cầu cũng chính là mặt khác của tâm sân hận, cả hai đều xuất phát từ tâm si mê. - Tải ngay ứng dụng Voiz FM tại: voiz.vn/download để nghe trọn vẹn nội dung sách!

Stefan Zweig / NXB Tri Thức

SÁCH HAY