Tổng thống mới của Sri Lanka cho biết đất nước đã trải qua giai đoạn tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng kinh tế, và việc khôi phục ổn định chính trị sẽ cho phép nước này bắt đầu vực dậy. Ông cho biết sẽ sớm nối lại các cuộc đàm phán về gói cứu trợ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) - đã bị đình trệ do tình hình hỗn loạn gần đây.
“Tôi nghĩ rằng chúng tôi đã chạm đáy”, ông Ranil Wickremesinghe nói trong một cuộc phỏng vấn hôm 31/7 với Wall Street Journal. “Tôi có thể nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm".
Ông cũng thừa nhận có thể sẽ mất vài tháng trước khi hầu hết người dân Sri Lanka - những người đang phải đối mặt với lạm phát leo dốc và phải xếp hàng dài để mua nhiên liệu và khí đốt - bắt đầu thấy tình trạng kinh tế của họ tốt lên.
Người dân chờ đợi tại một nhà ga đông đúc ở Colombo, Sri Lanka, nơi tình trạng thiếu nhiên liệu khiến phương tiện giao thông công cộng bị hạn chế, ngày 30/7. Ảnh: Reuters. |
Thiếu sự ủng hộ của công chúng
Ông Wickremesinghe, 73 tuổi, lên làm tổng thống thay thế ông Rajapaksa vào ngày 20/7 sau khi giành được đa số phiếu trong quốc hội, nhưng vẫn không nhận được sự công nhận rộng rãi từ công chúng, những người coi ông có mối liên hệ chặt chẽ với cựu tổng thống và gia đình ông.
Hôm 9/7, cùng ngày người biểu tình xông vào khu dinh thự tổng thống nhằm gây sức ép để ông Rajapaksa từ chức, một đám đông cũng kéo tới cả dinh thự chính thức và tư dinh của ông Wickremesinghe, phóng hỏa nhà riêng của ông.
Việc ông Wickremesinghe được bầu là điều đáng chú ý hơn cả, vì trước đó ông đã cam kết từ chức thủ tướng cùng với ông Rajapaksa để nhường chỗ cho một chính phủ đoàn kết mới, và vì đảng của ông chỉ giành được một ghế quốc hội trong cuộc bầu cử vừa qua.
“Về cơ bản, tổng thống đã từ chức. Đất nước đang dầu sôi lửa bỏng. Họ (người biểu tình) đang chiếm dụng các tòa nhà. Tôi đã được bầu theo hiến pháp… Bây giờ chúng tôi thực hiện nhiệm vụ của mình”, ông Wickremesinghe nói, bảo vệ tính hợp pháp của chiếc ghế tổng thống mà ông đạt được.
Ông Wickremesinghe cũng nói đây không phải là thời điểm thích hợp để cựu tổng thống Gotabaya Rajapaksa quay trở lại Sri Lanka, cho rằng điều này có thể làm bùng phát căng thẳng chính trị.
Ông Wickremesinghe được ông Rajapaksa bổ nhiệm làm thủ tướng sau khi anh trai Mahinda Rajapaksa từ chức vào tháng 5, tháng Sri Lanka vỡ nợ.
Tân Tổng thống Sri Lanka Ranil Wickremesinghe. Ảnh: AP. |
Cần tái cơ cấu nợ
Phát biểu từ văn phòng trong dinh tổng thống, nơi ông Wickremesinghe mới chuyển đến hôm 27/7 sau khi nơi này bị những người biểu tình chiếm đóng hồi đầu tháng 7, tổng thống cho biết ông mong đợi sẽ đạt được thỏa thuận sơ bộ với IMF vào cuối tháng 8, trước khi có thể đàm phán thêm với các nhà tài trợ và chủ cho vay.
Bất kỳ thỏa thuận sơ bộ nào vẫn sẽ yêu cầu sự chấp thuận của hội đồng quản trị IMF đối với việc giải ngân vốn, một quá trình có thể mất hàng tháng.
“Chúng tôi đang tuột dốc nghiêm trọng. Chúng tôi có thể đã đạt được thỏa thuận trong tháng 7 nếu không có bất ổn chính trị”, ông Wickremesinghe nói.
Sri Lanka đã ở trong tình trạng tài chính bấp bênh ngay cả trước khi đại dịch Covid-19 tấn công, vì nước này đã vay khoản lớn để xây dựng cơ sở hạ tầng và cắt giảm thuế vào năm 2019.
Đại dịch sau đó đã tàn phá ngành du lịch của đất nước, làm mất đi một nguồn thu ngoại tệ quan trọng. Năm nay giá tiêu dùng tăng do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng ở châu Âu, cùng với lãi suất của Mỹ cao hơn, đã gây áp lực lên đồng rupee của Sri Lanka và làm cạn kiệt nguồn tiền dự trữ, khiến nước này không thể nhập khẩu nhiên liệu và phân bón mà họ cần.
Tổng thống cho biết một khi đạt được thỏa thuận với IMF, quốc gia này sẽ phải tái cơ cấu nợ với chủ nợ bằng các cách tiếp cận khác nhau.
Người dân Sri Lanka phải đối mặt với giá hàng hóa tăng vọt khi quốc gia này chìm trong cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ. Ảnh: Reuters. |
“Vấn đề là phải có cách tiếp cận khác nhau để xóa nợ hoặc giảm nợ với các bên khác nhau, một bên là Ấn Độ và Nhật Bản do Mỹ hỗ trợ, và một bên là Trung Quốc”, ông nói.
Nhập khẩu giảm mạnh và xuất khẩu tăng - do giá nội tệ giảm - đã giúp Sri Lanka đạt thặng dư thương mại khiêm tốn trong tháng 6.
Trước mắt, ông Wickremesinghe cho biết ngân hàng trung ương tự tin tìm được tiền để trang trải đủ lượng nhiên liệu nhập khẩu nhằm giảm bớt tình trạng thiếu hụt trầm trọng. Tuy nhiên, ngay cả khi đạt được thỏa thuận với IMF, ông Wickremesinghe cho biết Sri Lanka cần phải có thêm 3 tỷ USD từ các nguồn khác trong năm tới để giúp thanh toán các mặt hàng nhập khẩu chính như nhiên liệu, thực phẩm và phân bón.