"Văn phòng đã sẵn sàng mở cửa trở lại từ ngày 25/7", một đại diện cảnh sát cho biết hôm 24/7, theo CNA.
Trong khi đó, phát ngôn viên cảnh sát Nihal Talduwa cho biết người dân có thể tự do tiếp tục biểu tình tại một địa điểm được chỉ định gần Văn phòng Tổng thống.
"Họ có thể ở lại địa điểm biểu tình chính thức. Chính phủ thậm chí có thể mở thêm một vài địa điểm cho những người biểu tình trong thành phố", ông Talduwa cho biết hôm 24/7.
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Sri Lanka thực hiện chiến dịch trấn áp, buộc đám đông biểu tình rời khỏi văn phòng tổng thống. Chiến dịch quân sự diễn ra chưa đầy 24 giờ sau khi ông Ranil Wickremesinghe tuyên thệ nhậm chức và ngay trước khi bổ nhiệm nội các mới.
Lực lượng an ninh đứng gác trong cuộc đàn áp vào đầu ngày 22/7, ở Sri Lanka. Ảnh: Reuters. |
Lực lượng cảnh sát được trang bị dùi cui và vũ khí tự động đã giải tán đám đông biểu tình theo lệnh của ông Wickremesinghe. Ít nhất 48 người bị thương và 9 người bị bắt giữ trong chiến dịch này, lực lượng an ninh cũng đã phá lều do những người biểu tình dựng bên ngoài khu phức hợp kể từ tháng 4.
Cảnh sát cho biết các chuyên gia đã kiểm tra thiệt hại đối với Văn phòng Tổng thống và thu thập bằng chứng.
Các chính phủ phương Tây, Liên Hợp Quốc và các nhóm hoạt động đã lên án ông Wickremesinghe vì sử dụng bạo lực đối với những người biểu tình không vũ trang.
Song ông Wickremesinghe bảo vệ quyế định của mình, và nói với các nhà ngoại giao ở Colombo rằng việc phong tỏa tòa nhà chính phủ là không thể chấp nhận được.
Sự tức giận của công chúng Sri Lanka đã lan rộng vì cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có trên hòn đảo, khiến những người biểu tình xông vào và chiếm tòa nhà chính phủ.
Cựu Tổng thống Gotabaya Rajapaksa lúc bấy giờ phải tháo chạy khỏi dinh thự đến Singapore và từ chức vài ngày sau đó.