Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tân Tổng Thanh tra liên tục nhận được tin nhắn tố cáo tiêu cực

Ông Lê Minh Khái cho rằng với thực trạng hiện nay, nếu quy định vào luật các hình thức tố cáo như thư điện tử, fax, điện thoại thì rất khó cho cơ quan có thẩm quyền.

Sáng 8/11, sau khi nghe tờ trình, thẩm tra tại hội trường, Quốc hội đã thảo luận ở tổ về dự án Luật Tố cáo (sửa đổi).

Tại tổ, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết dự án luật này còn có nội dung nhiều ý kiến khác nhau cần phải có sự phân tích đánh giá thật kỹ để quyết định trên cơ sở bảo đảm tính thống nhất với hệ thống pháp luật và phải có tính khả thi.

Mở rộng hình thức tố cáo làm khó cho các cơ quan có thẩm quyền

Thanh tra Chính phủ phải lưu ý vấn đề khả thi, nếu đưa ra khung, quy định mà sau này làm không đầy đủ hết trách nhiệm thì dễ bị Quốc hội phê bình.

Trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, một số ý kiến đề nghị cần quy định cả tổ chức cũng có quyền tố cáo. Hiện, Bộ luật Hình sự có quy định về trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thì việc quy định tổ chức có quyền tố cáo là một vấn đề cần được nghiên cứu, xem xét.

Tong Thanh tra noi viec nhan don to cao anh 1
Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái. Ảnh: Phạm Duy.

Tổng Thanh tra phân tích trách nhiệm hình sự pháp nhân là người bị vi phạm pháp luật, còn tố cáo lại là vấn đề khác. Pháp nhân có thể là một tập thể. Quy định trách nhiệm tố cáo của tập thể có khi rất khó. Hay, tập thể thống nhất tố cáo thì bao nhiêu % trong tập thể đó quyết định thì xem như tổ chức tố cao hành vi vi phạm pháp luật.

Dự thảo luật này cũng được chỉnh lý theo hướng vẫn giữ quy định 2 hình thức tố cáo là bằng đơn và trực tiếp. Ủy ban Pháp luật thì đề nghị xem xét bổ sung thêm hình thức khác như thư điện tử, fax, điện thoại mà các luật khác đã quy định.

Tổng Thanh tra cho rằng điều này cần khuyến khích, nhưng với tình trạng hiện nay, nguồn nhân lực hiện nay, quy định tiếp nhận, xử lý các hình thức tố cáo này thì không đáp ứng được.

"Khi tiếp nhận, phải đi xác minh ban đầu. Mà tố cáo qua điện thoại thì đâu có chữ ký, phải đi xác minh họ tên, địa chỉ, hành vi, lập hồ sơ… thì mới tiến hành thụ lý được. Tôi lo, nếu thụ lý giải quyết với các hình thức này sẽ rất khó cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo", ông Khái nói.

Việc người tố cáo có trách nhiệm gửi đơn đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Theo ông Khái, điều này vừa để tránh trường hợp tố cáo tràn lan, vừa giúp các cơ quan không có thẩm quyền giải quyết mất thời gian, vừa không làm ảnh hưởng đến uy tín của người bị tố cáo.

"Trong thực tế, có việc bức xúc thật, nhưng cứ gửi đơn khắp nơi từ trung ương đến địa phương. Tôi vừa nhận nhiệm vụ thôi đã nhận được tin nhắn tố cáo liên tục", Tổng Thanh tra Chính phủ chia sẻ.

Cán bộ nghỉ hưu bị tố cáo phải xử lý

Đại biểu Đào Thanh Hải, Phó giám đốc Công an Hà Nội góp ý, phạm vi điều chỉnh của luật này chưa đề cập đến việc xử lý đơn tố cáo với những cán bộ đã nghỉ hưu với lý do trong Luật Cán bộ công chức, viên chức chưa quy định việc xử lý đối với người đã nghỉ hưu.

Tong Thanh tra noi viec nhan don to cao anh 2
Đại tá Đào Thanh Hải, Phó giám đốc Công an Hà Nội phát biểu tại tổ. Ảnh: Thắng Quang.

Tuy nhiên, người dân và một số đại biểu mong muốn phải xử lý cả các trường hợp này nếu có vi phạm. Thực tế thời gian qua, một số trường hợp cán bộ đã nghỉ hưu có sai phạm đã bị xử lý.

Theo phân tích của đại tá Hải, cái khó là với những người nghỉ hưu, theo quy định, họ không còn là cán bộ ở cơ quan đó nữa. Do vậy, khi nhận được tố cáo trong quá trình công tác trước đây thì ai là người ký kết luận kỷ luật, có quyền ký kỷ luật hay không?

“Quan điểm của tôi, đối với người nghỉ hưu bị tố cáo về vi phạm hành chính, chúng ta cần có quy định cụ thể về xử lý trong luật này. Giao một cơ quan nhất định thụ lý, xử lý mới đảm bảo việc thực thi Luật Tố cáo đầy đủ, không để lọt sai phạm, không để những cán bộ có nhiều vi phạm khi nghỉ hưu thì hạ cánh an toàn", đại biểu Hải nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Phó giám đốc Hà Nội cũng đề nghị bổ sung, quy định rõ các hình thức tố cáo khác như qua hộp thư điện tử, điện thoại, fax nếu có đầy đủ ngày tháng năm tố cáo, họ tên, địa chỉ người tố cáo thì các cơ quan phải thụ lý, giải quyết.

Lãnh đạo và cán bộ một số nơi né tránh tiếp công dân

Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết lãnh đạo và cán bộ có thẩm quyền ở một số cơ quan còn né tránh trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo.



Thắng Quang

Bạn có thể quan tâm