Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lãnh đạo và cán bộ một số nơi né tránh tiếp công dân

Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết lãnh đạo và cán bộ có thẩm quyền ở một số cơ quan còn né tránh trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo.

Chiều 7/11, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã trình bình báo cáo thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2017.

Theo đó, đa số ý kiến Ủy ban Pháp luật cho rằng báo cáo của Chính phủ đã thể hiện những cố gắng, nỗ lực của Chính phủ, của các bộ, ngành, địa phương trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng báo cáo vẫn chưa phân tích kỹ các vấn đề nổi lên trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2017. Một số thông tin, số liệu về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn chưa đầy đủ. Một số đánh giá, nhận định về tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và giải pháp còn chung chung...

Báo cáo cho rằng tình hình khiếu nại, tố cáo trong năm 2017 giảm nhiều trên hầu hết các tiêu chí như về số lượt công dân đến trụ sở tiếp công dân của cơ quan hành chính (giảm 8,5%), số đơn khiếu nại, tố cáo (giảm 8,9%), số vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính nhà nước (giảm 14,8%); tỷ lệ vụ việc được giải quyết và thực hiện kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo cũng tăng so với năm 2016.

Can bo ne tranh trong viec tiep cong dan anh 1
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định. Ảnh: Quochoi.vn

Nhưng, diễn biến khiếu nại, tố cáo vẫn phức tạp, gay gắt và khó lường; số đơn khiếu nại, tố cáo vẫn tập trung nhiều ở lĩnh vực đất đai, nhà ở; số vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, đông người, bức xúc cũng chủ yếu liên quan đến quản lý đất đai; tình trạng khiếu nại, tố cáo kéo dài, vượt cấp vẫn còn nhiều; một số vụ khiếu nại tập trung đông người gây mất trật tự công cộng.

Năng lực, trình độ của cán bộ và công chức còn hạn chế

Về nguyên nhân, Ủy ban Pháp luật nhất trí với việc xác định nguyên nhân chủ yếu làm phát sinh khiếu nại, tố cáo là do còn thiếu tính nhất quán trong chính sách bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội.

Những tồn tại, yếu kém trong công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực; năng lực, trình độ, ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ còn hạn chế...

Ủy ban Pháp luật nhận thấy, nguyên nhân chủ yếu của tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn là những bất cập của công tác quản lý nhà nước. Một số chính sách, pháp luật chưa phù hợp với thực tiễn, thiếu tính ổn định; chưa bảo đảm hài hòa lợi ích trong thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai, môi trường, khoáng sản, bảo vệ và phát triển rừng, đầu tư các dự án trong lĩnh vực giao thông theo hình thức BOT, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước...

Can bo ne tranh trong viec tiep cong dan anh 2
Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong vụ việc ở Đồng Tâm (Mỹ Đức, Hà Nội còn nhiều bất cập. Ảnh: Công Khanh.

"Lãnh đạo và cán bộ có thẩm quyền ở một số cơ quan còn né tránh, chưa làm hết trách nhiệm trong công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là từ cơ sở. Việc xử lý vi phạm trong lĩnh vực khiếu nại, tố cáo cũng chưa nghiêm, chưa kịp thời", ông Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh.

Ủy ban Pháp luật cũng cơ bản tán thành với các nhóm giải pháp được nêu trong cáo cáo của Chính phủ.

Trên cơ sở đó, Ủy ban Pháp luật kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành hữu quan tập trung rà soát những tồn tại, bất cập của chính sách pháp luật, nhất là pháp luật về đất đai, tài nguyên, môi trường, quản lý tài sản của Nhà nước và một số lĩnh vực khác có phát sinh nhiều khiếu nại, tố cáo để kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung...

"Chính phủ cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, chỉ đạo cơ quan, đơn vị, người có thẩm quyền, xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật những cán bộ, công chức có vi phạm trong việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo", báo cáo thẩm tra nêu.



Thắng Quang

Bạn có thể quan tâm