Trong cuộc gặp phóng viên hôm 29/10, bà Damour, người được bổ nhiệm vào vị trí hồi tháng 8, cũng ca ngợi việc Việt Nam trở thành ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, chia sẻ về các ưu tiên của bà trong nhiệm kỳ cũng như tình hình Biển Đông trước thách thức từ Trung Quốc.
Duy trì luật quốc tế ở Biển Đông
"Mỹ đã có cái mà chúng tôi gọi là sáng kiến an ninh hàng hải để giúp các nước trong khu vực tăng cường năng lực, bảo vệ các lợi ích của chính họ, nhận thức rõ hơn về điều gì đang xảy ra trong Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của họ", bà Damour nói, khi được hỏi về những hành động gây căng thẳng gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông.
Tình hình Biển Đông trở nên căng thẳng từ tháng 7 sau khi Trung Quốc đưa tàu xâm phạm EEZ Việt Nam. Mỹ đã công khai chỉ trích "hành vi cưỡng ép", "bắt nạt", bất chấp luật quốc tế của Trung Quốc tại vùng biển chiến lược.
Tân tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM Marie Damour trong cuộc gặp gỡ phóng viên hôm 29/10. Ảnh: ĐP. |
"Lợi ích của Mỹ là nhìn thấy Trung Quốc hành xử một cách có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Chúng tôi hợp tác với họ trong nhiều lĩnh vực nhưng sẽ luôn phải đưa ra quyết định đáp trả thế nào", bà nói.
"Các bạn cũng thấy rồi đấy. Chúng tôi đã rất công khai lên án hành vi bắt nạt, lên án hành động ngăn cản các nước trong khu vực khai thác tài nguyên trong lãnh thổ của họ".
Bà cho biết Washington "tập trung vào việc đảm bảo rằng các nguyên tắc của luật quốc tế và quyền được bảo vệ của tất cả quốc gia được áp dụng tại Biển Đông", đề cập đến các hoạt động tự do hàng hải của Mỹ (FONOP) tại vùng biển thời gian qua.
"Việt Nam là đối tác quan trọng (của Mỹ) trong việc củng cố các nguyên tắc đó", bà khẳng định.
Bà nói Mỹ, với tư cách là ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an, "tuyệt đối" ủng hộ tinh thần thượng tôn pháp luật và luật pháp quốc tế. Các nước đã ký vào Công ước LHQ về Luật Biển, như Trung Quốc, cần tuân thủ công ước này, "hành xử theo cách mà công ước quy định".
Bà cũng cho rằng việc Việt Nam tham gia Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021 là "vô cùng quan trọng".
"Tôi ca ngợi chính phủ Việt Nam vì sẵn lòng bước ra và đảm nhận vai trò đó. Bởi vì là một cộng đồng, chúng ta cần hợp tác với nhau để đảm bảo rằng mỗi một thành viên của cộng đồng sẽ tuân thủ những quy định như nhau", bà nói.
Ưu tiên nhiệm kỳ
Từng công tác tại Tổng lãnh sự quán Mỹ ở TP.HCM cách đây 15 năm, bà Damour trở lại Việt Nam trong bối cảnh quan trọng: bầu cử tổng thống Mỹ và kỷ niệm 25 năm ngày Việt Nam và Mỹ thiết lập quan hệ vào năm 2020.
Với 3 năm nhiệm kỳ, bà sẽ dành ưu tiên cho việc đẩy mạnh hợp tác kinh tế, trong đó các lĩnh vực như thành phố thông minh, công nghệ, năng lượng sạch, hàng không và hạ tầng sẽ là những trọng tâm. Bà cũng sẽ nỗ lực thúc đẩy ngoại giao nhân dân trong bối cảnh ngày càng nhiều người Mỹ đến Việt Nam, và cộng đồng người Việt ngày càng lớn mạnh tại Mỹ.
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink (trái) và thượng nghị sĩ Mỹ Patrick Leahy trong lễ khởi động dự án tẩy độc sân bay Biên Hòa hồi tháng 4/2019. Ảnh: USAID Việt Nam. |
Bà cho biết lãnh đạo của cả hai chính đảng lớn của Mỹ đều lưu tâm đến vai trò "quan trọng nổi trội" của Việt Nam không chỉ trong quan hệ song phương mà còn trong tổng thể chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ, bất kể chính quyền Mỹ có thay đổi hay không sau cuộc bầu cử 2020.
"Việt Nam đã trở thành lãnh đạo của khu vực, với kích cỡ và sức mạnh của nền kinh tế đang phát triển trong ASEAN", bà nói. "Tôi không nghĩ sẽ có bất cứ thay đổi thực chất nào trong quan hệ giữa Mỹ với Việt Nam hay với khu vực, bất kể ai đứng đầu Nhà Trắng".
Trong bối cảnh hợp tác quốc phòng giữa hai bên rất "mạnh mẽ" và "sôi nổi", các quan chức Lầu Năm Góc đang rất trông chờ chuyến thăm sắp tới của Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper tại Việt Nam, theo bà Damour. Bộ Ngoại giao hôm 17/10 xác nhận ông Esper, người đảm nhận cương vị lãnh đạo Lầu Năm Góc từ tháng 7, sẽ thăm Việt Nam "vào thời điểm thích hợp".
"Bản thân Bộ trưởng Esper cũng rất trông chờ chuyến thăm. Tôi nghĩ vấn đề chỉ là tìm ra thời gian mà cả hai bên đều nhất trí", bà nói.
Theo nhà ngoại giao, tháng 12 là dịp nghỉ lễ Giáng Sinh, năm mới của người Mỹ, trong khi tháng 1 sẽ có Tết Nguyên Đán tại Việt Nam, nên "chúng ta phải tìm một thời điểm phù hợp cho cả hai nước".