New York Times nhận định ông Morrison là một trong những thành viên ôn hòa của đảng cầm quyền theo khuynh hướng bảo thủ ở Australia. Ông giành chiến thắng với 45/85 phiếu bầu trước cựu bộ trưởng Nội vụ Peter Dutton trong cuộc bỏ phiếu nội bộ đảng hôm 24/8, sự kiện đánh dấu tình trạng hỗn loạn trong chính trường Australia thời gian qua.
Đây là cuộc bỏ phiếu thứ 2 trong tuần qua nhằm chọn lãnh đạo mới sau khi ông Turnbull mất đa số tín nhiệm trong nội bộ đảng Tự do. Bản thân ông Turnbull cũng nắm quyền sau cuộc "đảo chính" nội bộ năm 2015, lật đổ người tiền nhiệm Tony Abbott.
Tân thủ tướng Australia Scott Morrison giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu nội bộ của đảng cầm quyền Tự do hôm 24/8. Ảnh: AFP. |
Là đồng minh của cựu thủ tướng, ông Morrison từng đứng lên bảo vệ ông Turnbull trước sự tấn công của cựu bộ trưởng Nội vụ Dutton. "Tôi hoàn toàn ủng hộ thủ tướng (Turnbull)", ông khẳng định.
Tuy vậy, trong lúc Turnbull và Dutton tranh giành vị trí lãnh đạo đảng cầm quyền, ông Morrison cũng lặng lẽ vận động sự ủng hộ của các thành viên, theo AFP. Guardian nhận định ông là một người tham vọng và chưa bao giờ đứng ngoài bất kỳ cuộc cạnh tranh giành quyền lực nào.
Ông Morrison cho thấy mình là "người đàn ông của đức tin và gia đình có thể hoàn thành nhiệm vụ", nhưng Guardian đánh giá sự tham vọng và thiện chiến của ông có thể trở thành điểm yếu.
Người mộ đạo có lập trường cứng rắn về nhập cư
Scott Morrison, hay còn được biết với biệt danh ScoMo, sinh ngày 13/5/1968 tại Bronte, quận ngoại ô vùng biển phía nam Sydney, nơi nổi tiếng với nhà thờ và sự thiếu đa dạng văn hóa. Cha ông từng là cảnh sát và sau đó trở thành trưởng thị trấn Waverley, vùng ngoại ô phía đông Sydney.
Thời thơ ấu, ông Morrison từng đóng quảng cáo. Sau khi hoàn thành chương trình phổ thông, ông theo chuyên ngành địa kinh tế học ứng dụng tại Đại học New South Wales.
Tân thủ tướng Australia là người mộ đạo. Ông gặp bạn đời của mình tại một nhà thờ khi còn trẻ và cặp đôi tiến đến hôn nhân năm ông 21 tuổi. Ông cho biết chiến thắng vừa qua của ông đến từ "những nguồn cảm hứng lớn của cuộc đời tôi: Gia đình và đức tin".
Ông Morrison giữ chức bộ trưởng Bộ Ngân khố Australia cho đến khi giành vị trí lãnh đạo đảng cầm quyền, đồng nghĩa với việc trở thành thủ tướng thứ 30 của Australia. Ông sẽ lãnh đạo đảng Tự do hướng đến cuộc tổng tuyển cử dự kiến sẽ diễn ra trong năm tới.
Ông Morrison cùng vợ và 2 con gái. Ảnh: John Veage. |
Bà Jill Sheppard, giảng viên chính trị học tại Đại học Quốc gia Australia, đánh giá ông Morrison là một trong những thành viên "bảo thủ nhất của cánh ôn hòa" trong đảng cầm quyền Australia. "Ông ấy xuất sắc trong việc đứng giữa các phe phái trong nhiều thập kỷ", New York Times dẫn nhận xét của bà Sheppard.
Nhiều chuyên gia khác cho rằng việc ông Morrison được đánh giá là "ôn hòa" cho thấy khuynh hướng bảo thủ ở Australia ngày càng thiên về cánh hữu.
"Thật lạ lùng khi ông Scott Morrison được đánh giá là ứng cử viên ôn hòa", giáo sư luật Susan Harris-Rimmer thuộc Đại học Griffith, Australia, nói. "Ông ấy là chính trị gia bảo thủ vô cùng coi trọng luật pháp và trật tự".
Tương tự đối thủ trong cuộc bỏ phiếu nội bộ vừa qua, ông Peter Dutton, tân thủ tướng cũng gây chú ý vì lập trường cứng rắn với dân nhập cư. Sau vụ chìm tàu chở người tị nạn trên đường đến Australia năm 2012, ông Morrison gây làn sóng phẫn nộ khi cho rằng chính phủ Australia đang tốn tiền thuế của người dân trong việc trợ giúp thân nhân những người thiệt mạng.
Năm 2013, ông trở thành bộ trưởng Bộ Nhập cư và Bảo vệ biên giới Australia dưới thời cựu thủ tướng Tony Abbott. Ở vị trí này, ông hoạt động tích cực nhằm ngăn chặn người tị nạn đến Australia bằng đường biển, thi hành chính sách "không khoan nhượng" đối với người nhập cư theo phương pháp này.
Liên Hợp Quốc và nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền từng nhiều lần lên án chính sách giam giữ người tị nạn ở ngoài khơi của Australia.
Lãnh đạo không có tầm nhìn?
Ông Morrison trở thành bộ trưởng Bộ Ngân khố năm 2015. Trong thời gian này, ông đối phó với tình trạng thâm hụt ngân sách bằng cách cắt giảm chi tiêu của chính phủ, đồng thời thúc đẩy tăng thu nhập của người dân thay vì tăng thuế.
"Đây hoàn toàn là cách tiếp cận của người theo khuynh hướng bảo thủ", giáo sư kinh tế Richard Holden thuộc Đại học New South Wales, đánh giá. "Ông ấy giải quyết khá ổn thỏa các tình huống khó khăn, nhưng chưa cho thấy tầm nhìn thực sự".
Giáo sư Sheppard cũng không đánh giá cao tầm nhìn xa trông rộng của ông Morrison. "Ông ấy sẽ không đưa ra bất kỳ đường lối phát triển đáng chú ý nào cho Australia", bà nhận xét.
Tuy vậy, chính sách của ông Morrison vẫn được đánh giá là đã góp phần giúp nền kinh tế Australia vượt qua khủng hoảng kéo dài nhiều năm.
Với tình hình chính trị đầy biến động của Australia trong thời gian qua, ông Morrison (trái) có thể sẽ đối mặt nhiều thử thách ở vị trí thủ tướng Australia. Ảnh: Getty. |
Hơn 10 năm qua, chưa một thủ tướng nào của Australia đảm nhiệm chức vụ được hết nhiệm kỳ. Sự biến động liên tục của chính trường Australia khiến các quốc gia đồng minh luôn phải giữ thái độ dè chừng và làm các cử tri giận dữ khi nhà lãnh đạo họ bầu ra liên tục bị lật đổ trong những cuộc họp nội bộ.
So với những cuộc "đảo chính" trước đây, diễn biến tuần qua được đánh giá là "đặc biệt lộn xộn và khó lường", theo New York Times.
"Sự kiện này thực sự chưa từng có tiền lệ. Chưa một thủ tướng nào từ thời ông John Howard, người mất chức năm 2007, đảm nhiệm vị trí lãnh đạo đến hết nhiệm kỳ", ông Michael Fullilove, giám đốc Viện nghiên cứu Lowy, trụ sở Australia, cho biết. "Chính quyền của các thủ tướng dường như không biết cách sử dụng quyền lực. Họ dành phần lớn thời gian trong trạng thái đấu tranh để tồn tại".
Câu hỏi mà giới quan sát đặt ra đó là liệu ông Scott Morrison sẽ giữ chức thủ tướng Australia được bao lâu?