Theo CNBC, thủ tướng tiếp theo của Anh - bà Liz Truss - sẽ phải đối mặt với những thách thức và khủng hoảng về kinh tế - chính trị lớn nhất kể từ năm 1979.
Mới đây, trong bài phát biểu chiến thắng, tân thủ tướng tuyên bố sẽ đưa ra "kế hoạch táo bạo" để cắt giảm thuế và củng cố nền kinh tế Anh sau đại dịch, đồng thời giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng.
Tuy nhiên, tân thủ tướng cũng sẽ phải đối mặt với tình trạng sụt giảm thu nhập thực tế lớn nhất ở Anh kể từ những năm 1950, cùng với dự báo lạm phát chạm ngưỡng 11% vào cuối năm nay.
Tân thủ tướng Anh - bà Liz Truss phát biểu hôm 5/9. Ảnh: Reuters. |
Deutsche Bank - tập đoàn ngân hàng tư nhân lớn nhất nước Đức - nhấn mạnh rằng trong một vài tuần tới, các chính sách được công bố sẽ rất quan trọng trong việc tránh những sự kiện kinh tế vĩ mô cực đoan, nhất là khủng hoảng cán cân thanh toán.
Được biết, đồng bảng Anh hiện vẫn ở mức cao hơn đồng USD, tuy nhiên tỷ giá GBP/USD chỉ loanh quanh mức 1,15. Do đó, ông Shreyas Gopal - nhà chiến lược ngoại hối của Deutsche Bank - cảnh báo rằng, không nên đánh giá thấp khả năng xảy ra một cuộc “khủng hoảng đồng bảng Anh”.
Trước đó, đồng bảng Anh đã bị kéo xuống thấp do USD tăng mạnh trong tháng 8. Nguyên nhân là nhiều nhà đầu tư mong đợi vào việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tăng lãi suất mạnh hơn trong tương lai.
“Giá trị thâm hụt cán cân vãng lai của Anh đã ở mức kỷ lục, nếu muốn đồng bảng hồi phục thì sẽ cần nguồn vốn rất lớn. Chính phủ chỉ có thể làm được điều này khi cải thiện niềm tin của nhà đầu tư và kiểm soát chặt dòng tiền, giảm lạm phát", Deutsche Bank cho biết. Tuy nhiên, tập đoàn này cho rằng nước Anh đang làm điều ngược lại.
Deutsche Bank cũng cho biết thêm rằng lạm phát ở Anh đang cao nhất trong nhóm G10, và đi kèm với nó là triển vọng tăng trưởng suy yếu. Nếu những chính sách tiếp theo liên quan đến việc mở rộng tài khóa mà không có sự kiểm soát chặt chẽ từ ngân hàng trung ương, nước này sẽ phải đối mặt với mức tăng lạm phát cực điểm.
Deutsche Bank cảnh báo về một cuộc "khủng hoảng đồng bảng Anh". Ảnh: Reuters. |
Theo CNBC, Ngân hàng Trung ương Anh hiện cũng không thoải mái khi bà Truss đã đổ lỗi cho cơ quan này về việc để cho lạm phát tăng lên mức cao nhất trong 40 năm qua. Thậm chí còn có tin rằng bà Truss và các cộng sự đang xem xét lại nhiệm vụ của ngân hàng trung ương.
Về lĩnh vực thuế và chi tiêu, tân thủ tướng đề ra khoản cắt giảm thuế 30 tỷ bảng, bao gồm loại bỏ đề xuất tăng thuế doanh nghiệp và đảo ngược quyết định tăng mức bảo hiểm quốc gia, theo Sky News.
Bà cũng muốn loại bỏ “thuế xanh” nhằm giảm bớt chi phí sinh hoạt hộ gia đình. Ngoài ra, tân thủ tướng kiến nghị xem xét lại toàn bộ hệ thống thuế, cam kết cải cách nhằm ngăn tình trạng người dân bị phạt khi nghỉ làm để chăm sóc các thành viên gia đình.
Tuy nhiên, ông Gopal cho rằng bà Truss nên tập trung vào từng vấn đề một thay vì quan tâm quá nhiều thứ cùng lúc.
Theo ông, chỉ cần một chính sách không phù hợp được đưa ra, niềm tin của nhà đầu tư sẽ giảm không giới hạn. "Nếu niềm tin của nhà đầu tư tiếp tục bị bào mòn, chắc chắn một cuộc khủng hoảng cán cân thanh toán sẽ xảy ra", vị chuyên gia nhấn mạnh.