Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tân sinh viên cần cảnh giác trước những chiêu lừa tinh vi

Ngày nhập học của các tân sinh viên đang cận kề, nhiều người đối mặt với những chiêu lừa tinh vi của các đối tượng xấu nhằm xâm hại hoặc cướp tài sản.

Ít ngày nữa con gái anh Nguyễn Thanh Hải sẽ rời Nghệ An ra Hà Nội để nhập học, sau niềm vui khi con đỗ đạt, điều ông bố này lo lắng nhất là con gái sẽ bước vào cuộc sống mới, tự lập, ở đó có nhiều cám dỗ.

"Tôi rất yên tâm về việc cháu tự giác học tập, nhưng các yếu tố ngoại cảnh và các đối tượng có động cơ xấu luôn sẵn sàng tiếp cận những người trẻ, thiếu kinh nghiệm và kỹ năng. Tôi có trao đổi với con gái là thời gian đầu, trước khi quyết định làm gì, thì nên gọi điện thoại về để lắng nghe ý kiến bố mẹ", ông Hải chia sẻ.

Nỗi lo của ông Hải là có căn cứ khi thời gian qua nhiều trường hợp tân sinh viên bị sập bẫy lừa đảo là câu chuyện không còn hiếm gặp. Nhiều nạn nhân là tân sinh viên từng bị lừa tiền, xâm hại, thậm chí là bị các đối tượng uy hiếp đến tính mạng hoặc trở thành nạn nhân của tội phạm buôn người.

Vì vừa bước ra khỏi vòng tay gia đình, nên tân sinh viên vào tầm ngắm của các đối tượng lừa đảo. Không ít những vụ việc đáng tiếc xảy ra do các tân sinh viên chưa kịp trang bị cho bản thân những kỹ năng hay thông tin cần thiết về các thủ đoạn đã bị nhận diện của các đối tượng xấu. Dưới đây là một số thủ đoạn tinh vi của các đối tượng nhắm đến "con mồi" là tân sinh viên.

Câu lạc bộ làm giàu siêu tốc

Em Nguyễn Thu Thảo (20 tuổi, sinh viên một trường ĐH đóng tại đường Xuân Thủy, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, thời gian mới nhập học em từng nhận được lời hỏi thăm của những "người lạ" rất thân thiện, nhiệt tình.

"Tôi có sở thích chơi đàn ghita nên được một chị mời tham gia buổi uống nước tại phòng trà. Với việc tạo dựng vỏ bọc thân thiện, uy tín tôi được người này mở lời tham gia một câu lạc bộ kỹ năng mềm", Thảo kể lại.

Gọi là kỹ năng mềm nhưng khi tham gia, Thảo từng bước tham gia các khóa đào tạo làm giàu, được nhồi nhét vào đầu tư tưởng làm thủ lĩnh và sẽ trở thành triệu phú sau vài tháng. Các đối tượng đánh vào tâm lý muốn khẳng định bản thân ở lứa tuổi đang trưởng thành nên nhiều người tin theo.

PL8 anh 1

Tân sinh viên cần cảnh giác trước những bẫy rất tinh vi.

"Một thời gian sau các khóa học, tôi nhận các nhiệm vụ về việc nhập về các món hàng để khởi nghiệp. Tuy nhiên, vì được biết các mô hình tương tự khi đọc báo, nên tôi nghi ngờ và từng bước rút lui khỏi câu lạc bộ nêu trên", Thảo nói.

Sau khi rút chân ra khỏi cái bẫy trên, Thảo giật mình khi chứng kiến một số bạn bè cùng khóa trở thành nạn nhân của câu lạc bộ trên hoặc có mô hình tương tự. Các bạn bắt đầu có vấn đề khó khăn tài chính khi không bán được hàng, khi khó khăn tài chính các đối tượng tiếp cận để cho vay với lãi cao. Theo Thảo, đây như "ma trận" mà ai lạc vào đều rất khổ sở.

Đóng tiền học vào tài khoản giả

Một số trường ĐH vừa qua phát đi cảnh báo về việc nhiều đối tượng làm giả thông báo đóng học phí. Các thông báo giả mạo này có con dấu được làm tinh vi, trên thông báo kèm theo số tài khoản giả để chiếm đoạt tiền của các sinh viên.

Luật sư Nguyễn Tiến Thi (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) hướng dẫn, việc đóng học phí thời gian đầu nhập học các sinh viên sẽ có đầu mối là các giáo viên chủ nhiệm hoặc số điện thoại của phòng liên quan. Các sinh viên thay vì đọc thông báo trôi nổi trên mạng xã hội, thì hãy đến gặp trực tiếp và hỏi trực tiếp về cách thức đóng học phí.

"Nếu đọc học phí theo học kỳ, các sinh viên hoàn toàn có thể nhờ phụ huynh hỗ trợ để đảm bảo an toàn", ông Thi nói.

Cảnh giác tội phạm buôn người

Thời gian qua, thực tế cho thấy có nhiều nạn nhân của tội phạm buôn người là các sinh viên, học sinh. Các nạn nhân bị che mắt bởi những lời dụ dỗ về cuộc sống giàu có, việc nhẹ, lương cao. Bộ Công an trong năm nay cũng phát đi cảnh báo và cho biết tội phạm buôn người có rất nhiều thủ đoạn tinh vi nhằm đưa "con mồi" sập bẫy.

Cụ thể, theo Bộ Công an, các sinh viên, học sinh cần cảnh giác trước những lời hứa hẹn của những người xung quanh về lời hứa tìm việc làm có thu nhập cao trong các nhà máy, cửa hàng, quán bar, giúp việc trong nước, nước ngoài hoặc lấy chồng nước ngoài giàu có.

"Cần cảnh giác và từ chối sự giúp đỡ về tiền bạc, lợi ích vật chất của người khác, nhất là từ người lạ mới quen biết. Trước khi quyết định các công việc hãy tham khảo ý kiến mọi người và thông báo, nhắn gửi cho gia đình, người thân biết bạn sẽ đi đâu, đi với ai trước khi quyết định đi xa", thông tin cảnh báo của Bộ Công an.

Ngoài ra, nhiều nạn nhân của các kẻ gian cho biết, một số thủ đoạn tinh vi mà tân sinh viên cần tránh như: Hạn chế tham gia các câu lạc bộ ngoại ngữ giá rẻ hoặc miễn phí (vì khi tham gia sẽ đóng các khoản tiền phòng, giáo trình...); người lạ nhận quen biết trên phương tiện công cộng (đánh ghen hoặc vu khống các hành vi khác); cảnh giác với việc tìm nhà trọ thông qua "cò" (các đối tượng cò thường đưa đi lòng vòng, không rõ địa điểm rồi yêu cầu trả tiền công từ 100.000-200.000 đồng, nếu không hợp tác sẽ bị uy hiếp).

Lĩnh án tử hình vì mua bán 5 bánh heroin

Tòa án Nhân dân tỉnh Lào Cai đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án “Mua bán trái phép chất ma túy” đối với bị cáo Phàng A Bay (SN 2001) trú tại bản Huổi Thủng 3, xã Na Cô Sa, huyện Nậm Pồ.

https://vietnamnet.vn/chieu-lua-tinh-vi-cac-tan-sinh-vien-can-canh-giac-2060870.html

Đoàn Bổng/Vietnamnet

Bạn có thể quan tâm