Điều mà người ta nhắc đến nhiều nhất, cũng làm nên danh xưng của Tản Đà chính là thơ. Khối tình con I, II, Giấc mộng con I, II... đã làm khuynh đảo đời sống thi ca giữa buổi giao thời, khi Nho học đang chìm dần để nhường chỗ cho Tây học.
Tản Đà thuộc dòng dõi khoa bảng, tuy nhiên ông không có duyên với con đường thi cử, hơn nữa vào thời bấy giờ khoa cử đang lụi tàn, nhà Nguyễn tổ chức kỳ thi cuối cùng vào năm 1919. Sau những thành công đầu tiên, ông làm báo, viết cho Nam phong tạp chí của Phạm Quỳnh. Rồi dành nhiều tâm huyết cho tờ An nam tạp chí, tuy nhiên tờ tạp chí này có số phận rất yểu, để từ đấy Tản Đà bắt đầu một cuộc đời đầy sóng gió.
Tản Đà là người thấm hơn ai hết cái sự cơ hàn của người cầm bút. |
Sau khi vào nam viết báo với Phạm Quỳnh, gặp Sao Nam, ra Bình Định, Tản Đà lại quay về Hà Nội sống ở ấp Thái Hà, với biết bao nhiêu chật vật. Điều ấy đã được nhà thơ Nguyễn Vỹ thuật lại phần nào trong cuốn Văn thi sĩ tiền chiến. Cuộc sống của những kẻ làm báo, say mê văn chương thời nào chẳng khốn khó, nói chi tới một người như ông, đã đủ say mê, lại nhiều phóng đãng.
Tản Đà thuộc tuýp “nhà nho tài tử”, một kiểu người ít thấy khi xã hội đã chuyển sang thế kỷ 20. Đấy là những người học theo nho học, nhưng không mang cái đạo nho ấy vào thực hành, dưới dáng vẻ của cân đai mũ áo, đề cao sự khuôn khổ của lễ giáo chỉn chu. Ở họ, có phần thiên hẳn về cái tài, cái tình trong thế gian, nhất là cái tài của mình, với cái chí tang bồng xê dịch, lại quan trọng hơn cái chí làm quan, hay sự “kinh bang tế thế”.
Lối tung hoành, “đầu đội trời chân đạp đất” đã làm cho các nhà nho như Tản Đà trở nên tự do, phóng túng hơn nhiều. Dù rằng cuộc sống của họ phải bao phen rơi vào cảnh khốn cùng, quẫn bách. Nhưng những cái “thú” riêng thì không thể mai một, họ giữ nó không đơn thuần là thói quen, mà nó là cốt cách của chính mình. Đấy là cái tao nhã của những kẻ trí đích thực.
Có lẽ Tản Đà là người thấm hơn ai hết cái sự cơ hàn của người cầm bút, nên khi đọc bài thơ Gửi Trương Tửu của Nguyễn Vỹ trên tuần báo Phụ nữ. Tản Đà tìm bằng được và mời tác giả về nhà mình ở ấp Thái Hà để uống rượu với ông. Như lời nhà thơ Nguyễn Vỹ kể lại.
Rượu được vài tuần Tản Đà lên tiếng:
- Tôi thích bài thơ "Gửi Trương Tửu" của ông, nên mới mời ông đến uống rượu. Trương Tửu là ai?
- Thưa cụ bạn của cháu. Nguyễn Vỹ đáp.
- Ông ấy biết uống rượu không?
- Dạ, tên anh ấy là Trương Tửu, thì cụ khỏi hỏi! Vả lại dòng dõi Trương Phi đấy ạ.
- Hôm nào ông rủ ông ấy đến uống rượu với tôi.
- Dạ.
- Nhưng tôi giận ông lắm vì một câu thơ trong bài thơ của ông. Tôi định gặp ông, tôi sẽ bảo.
- Thưa cụ, câu nào ạ?
- Sao ông lại bảo: “Nhà văn An nam khổ như chó”. Ông so nhà văn chúng ta với kiếp chó mà ông không hổ thẹn sao.
Nguyễn Vỹ bình thản mà đáp lại nhà Thi sĩ rằng:
- Thưa cụ, nếu cháu so sánh nhà văn với chó, thì chó nó thẹn chứ sao nhà văn lại thẹn ạ.
Nghe vậy Tản Đà ngửa cổ nốc hết cốc rượu, rồi cười to. Tiếng cười như một tiếng nổ, mắt ông đỏ hoe lên. Có lẽ hơn ai hết ông hiểu rõ cái khốn cùng của những kẻ “bày văn ra bán”.
Sự cao hứng, cái lối “vung tay đốt nhà táng” là tính khí, hay đặc điểm riêng của những nhà nho tài tử, nó như nết trời vừa cho họ cái ngạo nghễ, bất cần, vừa buộc họ vào những nỗi khốn cùng.
Và để sống, đã có lúc Tản Đà phải lên phố Bạch Mai thuê nhà, mở hiệu “hành nghề” xem tướng quẻ dịch. Nhưng đấy đâu phải chuyên môn chính của Thi sĩ, nên cũng ế ẩm lắm. Hơn nữa ông say rượu suốt ngày, thì giờ đâu mà xem. Ông dịch thêm Đường thi cho báo Phong Hóa, nhưng nhuận cũng chẳng đủ cho ông uống rượu (theo Nguyễn Vỹ).
Như đã nói, thói phong lưu, hay chơi ngông có sẵn trong con người của những bậc tài tử. Nó cứ thể hiện ra một cách tự nhiên như đã là thế, mà chẳng phải tốn chút công sức nào để "tạo dáng”. Hoàn cảnh, hay đời sống vật chất, có thế nào đi nữa thì cũng chẳng mấy ảnh hưởng tới cái máu tang bồng, cái sự chẳng giống ai của họ. Họ sống ngoài tất cả những khuôn khổ thông thường, khi dường như bao nhiêu sinh khí đã trút cả lên ngòi bút, lên trang giấy mà dâng hiến cho đời những kiệt tác.