Chiều 27/8, tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia (số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội) diễn ra lễ trao giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội. Tham dự chương trình có ông Nguyễn Đức Chung - Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, ông Nguyễn Đức Lợi - Ủy viên TƯ Đảng, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, nhà thơ Bằng Việt - Chủ tịch hội đồng giám khảo, ông Lê Xuân Thành - Tổng biên tập báo Thể thao và Văn hóa, Trưởng ban tổ chức, cùng nhiều nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ, đại diện gia đình danh họa Bùi Xuân Phái.
Nhà thơ Bằng Việt - Chủ tịch hội đồng giám khảo - cho biết có rất nhiều tên tuổi được đưa ra bình xét cho giải thưởng Lớn, nhưng hội đồng quyết định tôn vinh PGS Nguyễn Thừa Hỷ.
Ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP. Hà Nội - trao giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội cho PGS Nguyễn Thừa Hỷ. |
Cùng những tên tuổi lớn khác như Hữu Ngọc, Nguyễn Vinh Phúc, (PGS. TS. NGƯT) Nguyễn Thừa Hỷ là người có nhiều đóng góp cho ngành Hà Nội học. Các công trình nghiên cứu của ông trải theo chiều dài lịch sử: Thăng Long - Hà Nội thế kỷ 17, 18, 19 (1993), Kinh tế - xã hội đô thị Thăng Long - Hà Nội thế kỷ 17, 18, 19 (2010), Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội: Tuyển tập tư liệu phương Tây (2010), Văn hóa Việt Nam truyền thống, một góc nhìn (2011), Lịch sử và văn hóa Việt Nam từ góc nhìn đổi mới (2018), Thăng Long - Hà Nội trong mắt một người Hà Nội (2018)…
Trong những công trình của PGS Nguyễn Thừa Hỷ, Thăng Long - Hà Nội thế kỷ 17, 18, 19 được coi là một trong những cuốn sách công cụ quan trọng và hữu ích dành cho giới nghiên cứu cả trong và ngoài nước khi tìm hiểu về Thăng Long - Hà Nội thời kỳ trung đại.
Không chỉ là nhà nghiên cứu đào sâu vào thư tịch cổ, PGS Nguyễn Thừa Hỷ thông thạo hai ngoại ngữ nên tiếp cận các tư liệu viết bằng tiếng Anh, Pháp về Thăng Long - Hà Nội. “Nhờ thông thạo hai ngoại ngữ này, từ thời còn đi học, tôi dần tìm tòi, chắt lọc, tự dịch nghĩa, đối chiếu, trích dẫn vào luận án hàng trăm nguồn tư liệu gốc nước ngoài, trong đó có nhiều tư liệu chưa được ai khai thác trước đó”, PGS Nguyễn Thừa Hỷ nhớ lại.
Nhận giải thưởng Lớn, PGS Nguyễn Thừa Hỷ bày tỏ niềm vinh dự, cảm kích. Ông nói cụm từ "Vì tình yêu Hà Nội" trong giải thưởng có nhiều chiều kích, mở rộng ra là tình yêu đất nước, tình yêu con người. "Tình yêu ấy là tình yêu mà mỗi người nhận giải phải có dâng hiến, trăn trở, khắc khoải. Về Hà Nội, giờ đây chúng ta có nhà cao cửa rộng, đời sống sung túc, tôi rất vui mừng, nhưng hình như có gì đó vẫn chưa cân đối giữa chiều kích phát triển kỹ thuật với phát triển văn hóa. Chúng ta phải làm sao để tình yêu Hà Nội thấm nhuần trong mỗi người, để tình yêu đó ngày càng tăng lên", nhà nghiên cứu Nguyễn Thừa Hỷ nói.
Nhà văn Nguyễn Trương Quý (thứ hai từ phải qua) nhận giải hạng mục Tác phẩm - Vì tình yêu Hà Nội. |
(PGS. TS. NGƯT) Nguyễn Thừa Hỷ sinh năm 1937 tại phố Hàng Cót, Hà Nội. Ông là một trong những sinh viên ưu tú của khóa 1, khoa Lịch sử, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp năm 1959, ông có khoảng 30 năm đứng trên bục giảng, lần lượt công tác tại Sở giáo dục Hà Nam và Hà Nội.
Đầu những năm 80, ông quyết định làm nghiên cứu sinh ngành lịch sử. Ông lựa chọn đề tài về kết cấu kinh tế - xã hội của đô thị Thăng Long - mảnh đất mình sinh ra, lớn lên. Từ đó PGS. TS. NGƯT Nguyễn Thừa Hỷ gắn bó sâu sắc với ngành Hà Nội học trong suốt mấy thập kỷ qua.
Kết quả các hạng mục của giải thưởng (phần in đậm là đạt giải)
Giải Tác phẩm - Vì tình yêu Hà Nội:
1. Sách Một thời Hà Nội hát của Nguyễn Trương Quý - góc tiếp cận độc đáo về đời sống Hà Nội qua âm nhạc của Đoàn Chuẩn.
2. Sách Kim Liên một thuở của Vũ Công Chiến - ký ức dung dị về đời sống Hà Nội trong quá khứ ở các khu tập thể cũ.
3. Sách Hà Nội quán xá phố phường của Uông Triều - bức tranh Hà Nội trong ẩm thực.
Giải Việc làm - Vì tình yêu Hà Nội:
1. Nhóm ký họa đô thị Hà Nội với các hoạt động nhằm lưu giữ ký ức Hà Nội bằng tranh.
2. Các hoạt động tích cực của TP. Hà Nội và cả cộng đồng nhằm khẳng định vị thế và quảng bá hình ảnh Hà Nội “thành phố vì hòa bình”.
3. Nỗ lực yêu cầu khôi phục tên gọi tòa nhà "Bưu điện Hà Nội" ở Hồ Hoàn Kiếm.
Giải Ý tưởng - Vì tình yêu Hà Nội:
1. Quyết tâm làm "hồi sinh" sông Tô Lịch của các cơ quan chức năng và cộng đồng người dân Hà Nội.
2. Xây dựng đường đua xe Công thức 1 và đăng cai tổ chức giải đua vào 4/2020.
3. Dự án đào tạo, nghiên cứu Diện mạo mới cho chợ truyền thống của Hà Nội với sự tham gia của KTS Steve Davies.