Những ngày gần đây, các bến tàu ở Thượng Hải trở nên nhộn nhịp. Sinh viên mới tốt nghiệp, người đi làm xếp hàng xuyên đêm để lên tàu rời khỏi đây.
Nhiều người cho rằng ảnh hưởng của đại dịch khiến cho làn sóng rời Thượng Hải được dự báo trước đó đang dần trở thành sự thật.
Ga Hồng Kiều đông đúc khi Thượng Hải gỡ phong tỏa, phần nhiều trong số người rời khỏi đây là sinh viên mới tốt nghiệp. Ảnh: Sohu. |
Xếp hàng xuyên đêm tại các ga tàu
Sáng sớm ngày 16/5, hình ảnh số lượng lớn người xếp hàng tại ga tàu Hồng Kiều, Thượng Hải, lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội Trung Quốc. Trong đó, một bộ phận là sinh viên đại học về quê nghỉ hè, bộ phận còn lại là các sinh viên đã tốt nghiệp và người đi làm lựa chọn rời khỏi Thượng Hải để đến nơi khác mưu sinh.
Để lên tàu đúng giờ, nhiều người đã phải xếp hàng từ đêm hôm trước để làm các thủ tục kiểm tra. Thậm chí nhiều người phải đứng đợi suốt 5 tiếng đồng hồ để hoàn thành xong các thủ tục. Dòng người xếp hàng tại ga Hồng Kiều dài gần 1 km.
Theo National Business Daily, trong ngày 16/5, ga tàu Hồng Kiều ghi nhận gần 1.000 người lượt khách đến và hơn 6.000 lượt khách đi. Số lượng lớn sinh viên và người đi làm muốn rời khỏi Thượng Hải khiến giá vé tàu tăng đột xuất. Nhiều người tình nguyện trả giá cao gấp nhiều lần để được lên tàu về quê.
Sinh viên mới tốt nghiệp quyết định rời Thượng Hải, tìm kiếm cơ hội ở vùng đất mới. Ảnh: Sohu. |
Ảnh hưởng của đại dịch
Tình hình dịch bùng phát tại một số khu vực của Trung Quốc thời gian gần đây khiến nhiều thành phố phải bước vào trạng thái phong tỏa chặt chẽ, trong đó nghiêm trọng nhất phải kể đến Thượng Hải.
Việc kiên trì theo đuổi chiến dịch Zero Covid của quốc gia này không chỉ khiến nền kinh tế chịu ảnh hưởng, cuộc sống của người dân ở các vùng phong tỏa cũng lâm vào tình trạng khó khăn, nhất là đối với những sinh viên vừa tốt nghiệp ở lại Thượng Hải với mục đích tìm việc làm.
Toàn thành phố phong tỏa khiến các đợt tuyển dụng nhân sự của các công ty bị trì hoãn. Không có thu nhập, những khoản chi phí khổng lồ như tiền nhà, tiền điện nước khiến sinh viên và người ngoại tỉnh nói chung phải đối mặt với áp lực khủng khiếp.
Người trẻ Trung Quốc tìm đến Thượng Hải với khát vọng “đổi đời” nhưng ảnh hưởng của dịch bệnh đã khiến họ bị “tạt một gáo nước lạnh”, đặc biệt là bộ phận sinh viên vừa tốt nghiệp lại càng khó đối mặt với những thách thức thời cuộc này.
Bên cạnh đó, mức độ cạnh tranh gay gắt tại thành phố hàng đầu như Thượng Hải cũng khiến nhiều người trẻ phải chùn bước. Nhiều sinh viên tốt nghiệp tại các trường đại học lớn đến Thượng Hải với sự tự tin rằng sẽ tìm được một công việc xứng đáng, nhưng thực tế lại khiến họ không khỏi thất vọng.
Thượng Hải không chỉ là nơi tập hợp của các nhân tài Trung Quốc mà còn thu hút một số lượng lớn các tinh anh trên toàn thế giới đến sinh sống và làm việc. Cho dù có trong tay tấm bằng đại học danh tiếng cũng chẳng khiến họ trở nên nổi bật trong mắt các nhà tuyển dụng.
Để có được một chỗ đứng ở thành phố sầm uất hàng đầu Trung Quốc này, người ngoại tỉnh bắt buộc phải nỗ lực gấp nhiều lần. Tuy nhiên, vật giá leo thang, giá nhà đất đắt đỏ, cường độ làm việc và áp lực lớn khiến các sinh viên vừa bước vào xã hội càng khó thích ứng.
Có thể nói, quan niệm về công việc của sinh viên đại học đang ít nhiều có sự chuyển biến. Thay vì chạy theo xu hướng đổ dồn về các thành phố lớn, họ càng muốn theo đuổi một cuộc sống ổn định và hạnh phúc thật sự.