Từ nhỏ, Cẩm Tú có niềm yêu thích đặc biệt với những mô hình đồ chơi lắp ráp, chế tạo. Vì thế, năm 2017, tốt nghiệp phổ thông, Tú chọn theo học chuyên ngành Cơ khí chính xác và Quang học tại trường Cơ khí, ĐH Bách Khoa Hà Nội. Với cô, sự lựa chọn này được xem như là quyết định táo bạo.
Cô gái 24 tuổi nhớ lại năm lớp 12, lúc cô đăng ký nguyện vọng, gia đình rất ít người ủng hộ, thậm chí, bố mẹ Tú đã tranh luận nửa năm học để “cản”, không cho con đăng ký ngành này.
Cũng có sự lựa chọn tương tự, Hương Sen (23 tuổi) lại tạm thời nhận được sự đồng thuận của cha mẹ. Tuy nhiên, Sen vấp phải hoài nghi từ bạn bè, người xung quanh khi theo học “ngành đàn ông” như "sao con gái lại học ngành này?", "chọn ngành học nào nhẹ nhàng thôi", "nghe bảo ngành đấy khó lắm, vào đấy sợ học vất vả”.
Cẩm Tú lựa chọn học cơ khí theo sở thích và đam mê từ nhỏ. Ảnh: NVCC. |
Vượt qua rào cản
Vào thời điểm đó, việc thuyết phục được bố mẹ đồng ý theo học là điều không thể với Cẩm Tú. Sau nhiều cuộc tranh luận, nhiều lần, mẹ cô đã bật khóc vì sợ con gái mình vất vả.
“Lúc đó, tính mình trẻ con và cố chấp, quyết tâm theo đuổi bằng được thứ mình thích nhất lúc bấy giờ. Có lẽ sau thời gian dài, bố mẹ nhìn ra sự quyết tâm quá lớn trong mình nên đã đồng ý cho mình đăng ký theo học”, Tú nói.
Cẩm Tú cho biết đó là quãng thời gian cô luôn cảm thấy tủi thân. Tuy nhiên, cô vẫn không hề từ bỏ ước mơ của mình. Thay vì buồn bã, suy nghĩ mình không làm được, cô quyết định dùng hành động để chứng minh năng lực bản thân.
Theo đó, cô thường xuyên tích lũy kiến thức, kinh nghiệm trong quá trình học tập. Để củng cố kiến thức và nâng cao tay nghề, ngoài việc học trên lớp, Tú còn chủ động nhờ sự giúp đỡ từ đàn anh khóa trên, đồng thời tích cực xin tới xưởng để thực hành.
“Mọi người đều nghĩ ngành cơ khí nặng, vất vả nhưng ngành này rất rộng, không chỉ có cơ khí truyền thống mà còn những kiến thức, máy móc rất hiện đại. Mình không phải làm nhiều việc chân tay nặng”, Cẩm Tú chia sẻ.
Hiện tại, Cẩm Tú đang làm về mảng CAE (mô phỏng) gắn liền với ngành và nghiên cứu trong trường học. Cô luôn thấy may mắn khi tìm được công ty nhận mình khi vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường.
Còn đối với Hương Sen, bỏ qua mọi “định kiến”, lý do lớn nhất mà cô theo học là nhận thấy nhu cầu về nhân lực của các doanh nghiệp tại Việt Nam cũng như nước ngoài của ngành này rất lớn.
Sen cho biết ngành Cơ khí sử dụng nhiều kiến thức Toán, Lý. Trong quá trình học, cô luôn cố gắng tập trung để tiếp thu kiến thức tốt nhất.
“Những buổi xuống xưởng thực hành máy phay, máy tiện, dầu mỡ đầy tay, thời tiết nóng nhưng mình và các bạn rất nghiêm túc, tập trung thể hoàn thành sản phẩm. Trong những buổi như vậy, là con gái, mình nhận được rất nhiều sự hỗ trợ từ các bạn nam, thầy cô hướng dẫn", Sen tâm sự.
Sen lựa chọn thực tập ở một số công ty trong quá trình học tập, làm việc đúng ngành học nhằm có thêm trải nghiệm, kinh nghiệm và và tự tin hơn sau khi ra trường.
Hương Sen (ở giữa) hào hứng tham quan xưởng cơ khí cùng tập thể lớp. Ảnh: NVCC. |
Tự tin vào bản thân
Từ kinh nghiệm của bản thân, Hương Sen chia sẻ mỗi ngành học có những khó khăn riêng. Ngành kỹ thuật luôn đem lại cho phái nữ những trải nghiệm thú vị.
Bên cạnh đó, mọi định kiến về ngành học dễ dàng được gỡ bỏ nếu người học tin tưởng vào bản thân, tự tin lựa chọn ngành học mà mình yêu thích.
Cùng quan điểm, Cẩm Tú cho rằng việc theo đuổi được đam mê và tin tưởng vào bản thân sẽ tạo cho mỗi người có động lực để chinh phục ngành nghề mà mình lựa chọn, giúp mọi người có cái nhìn cởi mở hơn đối với ngành mà nhiều người lầm tưởng chỉ dành riêng cho con trai.
“Con gái yếu ớt, làm sao mà học được, không biết có vặn nổi cái ốc không… là những bình luận của người chưa hiểu về ngành Cơ khí. Chúng mình còn học về nhiều thứ khác, không phải chỉ vặn mỗi cái ốc”, Hương Sen nhấn mạnh.
Hương Sen và Cẩm Tú cho biết thêm ngành này liên quan đến mảng kiến thức rộng và khó. Sinh viên cần tập trung, nắm chắc kiến thức nghiên cứu nhiều để theo kịp chương trình.
“Ngày đầu học, mình bỡ ngỡ, ngại ngùng. Tuy nhiên, sự thân thiện của bạn học giúp mình quen với môi trường học tập. Sau này, mình cũng gặp nhiều bạn nữ học chung chuyên ngành và thấy các bạn học tốt, năng động nên mình có thêm động lực để cố gắng”, Hương Sen chia sẻ.