Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cách gói gọn chi tiêu trong 1.000 USD/tháng khi du học Mỹ

“Ngân sách hợp lý cho bản thân mỗi tháng là điều cần thiết để tránh 'cháy túi' cho du học sinh ở Mỹ”, Minh Anh (sinh viên năm 3, ĐH Fordham, New York, Mỹ) chia sẻ.

Trước khi sang Mỹ, Minh Anh tìm hiểu kỹ về chi tiêu ở nước này qua những người bạn từng học THPT tại đây hoặc anh chị khóa trước cùng trường đại học.

Từ kinh nghiệm của mọi người, cô và mẹ đã xác định được chi phí sinh hoạt mỗi học kỳ. Bố mẹ gửi tiền theo kỳ học. Vì thế, cô phải quản lý chi tiêu thật chặt chẽ, tránh “cháy túi”.

Cach goi gon chi tieu trong 1.000 USD/thang khi du hoc anh 1

Minh Anh là sinh viên năm 3, ĐH Fordham (Mỹ). Ảnh: M.A.

Rèn tính chi tiêu cẩn thận

Minh Anh phân loại các khoản chi, gồm tiền nhà, tiền ăn, dụng cụ học tập, mua đồ vệ sinh cá nhân và khoản riêng gọi là quỹ ăn chơi. Quỹ này thường được dùng để đi du lịch, xem kịch, ca nhạc hay “săn sale” đồ trang điểm, quần áo.

Vào những dịp nghỉ dài như lễ Tạ ơn, nghỉ đông, nghỉ xuân, kéo dài 1-3 tuần, Minh Anh lên kế hoạch du lịch khám phá nước Mỹ với bạn bè. Để tiết kiệm, việc lên kế hoạch chi tiêu cho các chuyến đi rất quan trọng vì đây là khoản chi tốn kém nhất. Các loại chi phí bao gồm phương tiện đi lại (máy bay, xe buýt, tàu), tiền thuê phòng, phí địa điểm du lịch, ăn uống.

Được mẹ rèn tính chi tiêu cẩn thận từ nhỏ, Minh Anh luôn kiểm soát mỗi tháng chi tiêu bao nhiêu. Dù vậy, thời gian đầu du học, bài toán này vẫn làm cô “đau đầu”.

Minh Anh kể cô lên kế hoạch chi tiêu từ khi còn ở Việt Nam. Tuy nhiên, sang đến Mỹ, bước vào thực tế, cô lúng túng, không biết cần tiêu cho khoản nào, dành bao nhiêu để mua sách vở, du lịch.

"Chưa kể, tôi còn thêm những chi phí phát sinh như mua đồ dùng cho việc ở KTX, giày đi tuyết, áo khoác đại hàn. Nhưng hiện tại, tôi tự tin hơn khi chuẩn bị ngân sách chi tiêu cho một năm học”, nữ sinh chia sẻ.

Mỗi tháng, Minh Anh tiêu khoảng 800-1.000 USD. Để dễ quản lý, cô chia nhỏ chi phí hàng tháng như ăn uống, đi chơi (100 USD), mua sắm (100 USD), đồ cá nhân (100 USD), tạp hóa, tạp phẩm (100 USD), di chuyển (50 USD).

Ngoài ra, cô còn chi khoản cố định hàng tháng là tiền nhà. Khoản này chiếm tỷ lệ lớn trong tổng chi tiêu. Vì chọn ở ký túc xá, cô phải trả khoản tiền cao hơn so với việc thuê trọ bên ngoài.

"Trường nằm ở quận Bronx (New York) - khu từng có nhiều tệ nạn xã hội. Khu vực này tương đối nguy hiểm nếu ra ngoài vào ban đêm do nhiều người vô gia cư đi lang thang. Trong khi đó, an ninh ở trường rất tốt. Vì thế, việc ở ký túc sẽ đảm bảo an toàn cho bản thân hơn", Minh Anh lý giải.

Nữ du học sinh nói thêm việc lập bảng ngân sách hợp lý, rèn tính chi tiêu cẩn thận rất cần thiết để tránh tình trạng "cháy túi" mỗi tháng, phải vay bạn bè. Tuy nhiên, cô cũng lưu ý du học sinh không thể vì tiết kiệm mà hà khắc với bản thân quá. Thỉnh thoảng, mọi người vẫn có thể tự thưởng cho mình, chẳng hạn mua quần áo yêu thích.

Cach goi gon chi tieu trong 1.000 USD/thang khi du hoc anh 2

Minh Anh cho rằng điều quan trọng nhất khi du học ở Mỹ là tìm hiểu môi trường của thành phố, bang, khu vực mình đến thông qua bạn bè từng học tại đây. Ảnh: M.A.

Đừng ngần ngại nhờ giúp đỡ

Để trang trải phần nào chi phí du học, Minh Anh quyết định làm thêm sau khi quen với nhịp độ sinh hoạt, học tập ở Mỹ. Công việc bán thời gian chuyên tổ chức sự kiện cho cựu sinh viên mang lại thu nhập khoảng 800-900 USD/tháng.

Minh Anh cho biết ở Mỹ, sinh viên quốc tế chỉ được làm 20 tiếng/tuần. Nhờ vậy, cô có thể cân bằng giữa việc học và làm thêm.

Làm thêm mang lại nguồn thu nhập tốt nhưng Minh Anh lưu ý du học sinh chỉ nên làm thêm khi sắp xếp được việc học. Cô kể một số trường hợp nhận nhiều việc nên rơi vào căng thẳng, kiệt sức, bỏ bê việc học tập.

"Làm thêm mang lại nhiều lợi ích như tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng trong môi trường làm việc, thành hành trang tốt cho tương lai thực tập hoặc đi làm chính thức. Tuy nhiên, chúng ta cần biết lắng nghe bản thân, cân bằng cuộc sống để tránh bị căng thẳng”, Minh Anh bày tỏ.

Bên cạnh việc cân bằng chi tiêu, làm thêm, nữ sinh năm 3 ĐH Fordham cho biết du học sinh thường gặp nhiều khó khăn khi “chân ướt chân ráo” làm quen với cuộc sống ở đất nước xa lạ.

Hồi mới sang Mỹ, cô chưa quen với cách sống, học tập, làm việc ở đây. Trong lớp, đôi lúc, thầy cô có ngữ âm nặng hoặc nhắc nhiều đến từ chuyên ngành khiến những người tiếng Anh không phải tiếng mẹ đẻ như cô không hiểu hết.

May mắn, giảng viên ở Mỹ luôn khuyến khích sinh viên hỏi nếu có gì khó hiểu. Vì thế, Minh Anh thay đổi suy nghĩ, không ngần ngại nhờ thầy cô để giải đáp. Nhờ vậy, cô tháo gỡ được khó khăn trong giao tiếp, dễ dàng hiểu bài hơn rất nhiều so với tự đọc, tự tìm hiểu.

Bên cạnh đó, từ những gì bản thân đã trải qua, cô chia sẻ điều quan trọng nhất khi du học ở Mỹ là tìm hiểu môi trường của thành phố, bang, khu vực mình đến thông qua bạn bè từng học tại đây.

Minh Anh cho biết thêm để thích nghi nhanh nhất, du học sinh nên cố gắng cởi mở, trò chuyện với mọi người nhiều hơn. Từ đó, họ nhanh chóng quen với cách sống ở đây. Đây cũng là cơ hội luyện tiếng Anh với người bản xứ. Hơn nữa, ở nơi xa lạ, du học sinh đừng ngần ngại nhờ người khác giúp đỡ.

"Trước đây, tôi sống khép kín, luôn tự giải quyết vấn đề của bản thân. Nhưng khi đến Mỹ, cuộc sống, con người ở đây giúp tôi hiểu có những việc rất khó tự giải quyết mà cần đến sự giúp đỡ, lời khuyên của người xung quanh. Từ những điều nhỏ nhất, nếu không chắc, chúng ta nên hỏi để làm đúng yêu cầu. Điều này cũng nên áp dụng trong việc học", nữ sinh năm 3 chia sẻ.

Cần bao nhiêu tiền để học MBA tại đại học hàng đầu châu Á?

Đặng Lan Anh, du học sinh ĐH Quốc gia Singapore (NUS), ước tính chi phí cho việc học tập, sinh hoạt trong 17 tháng theo đuổi chương trình MBA tại đây rơi vào khoảng 2 tỷ đồng.

Kim Ngân

Bạn có thể quan tâm