Theo các chuyên gia, việc Washington tấn công căn cứ không quân của chính phủ Syria khi Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình đang dùng bữa tối không chỉ phục vụ mục đích cảnh báo Triều Tiên mà còn để gây sức ép lên Bắc Kinh, đồng minh lớn nhất của Bình Nhưỡng.
Những căng thẳng đang gia tăng xung quanh chương trình hạt nhân của Triều Tiên được dự báo là chủ đề thảo luận quan trọng hàng đầu trong chuyến thăm Mỹ của ông Tập, đặc biệt là tại cuộc hội đàm chính thức diễn ra ngày 7/4.
Tuy nhiên, theo South China Morning Post, giới quan sát vẫn đang theo dõi xem Bắc Kinh liệu có sẵn lòng đưa ra cam kết thực chất về vấn đề cũng như việc Bình Nhưỡng sẽ phản ứng sao trước cuộc không kích của Mỹ. Nhiều nhà quan sát nhận định rằng Triều Tiên sẽ gần như phớt lờ mọi thông điệp.
Thông điệp gửi đến nhiều bên
CNN tường thuật ông Trump đã gặp đội ngũ an ninh quốc gia trước tiệc tối, thưởng thức bữa ăn trong khi cuộc không kích diễn ra và sau đó nhận thông báo từ Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis.
Theo các nhà phân tích quân sự tại Mỹ, cuộc không kích với gần 60 quả tên lửa Tomahawk vào căn cứ không quân của Syria là một "thông điệp rõ ràng, mạnh mẽ, không thể lập lờ" đến những đối thủ của Mỹ trên toàn cầu, bao gồm Nga, Iran và Triều Tiên.
Vụ không kích Syria diễn ra trong lúc ông Trump dùng bữa tối với ông Tập. Ảnh: Reuters. |
Trong khi đó, chuyên gia quân sự Ni Lexiong tại Thượng Hải cho rằng cuộc không kích là bước đi có tính toán, không chỉ nhằm vào Syria và đồng minh của họ là Nga mà còn nhằm vào Bắc Kinh.
"Tổng thống Trump muốn nói với ông Tập rằng Bắc Kinh cần ra sức trong việc 'cầm cương' Triều Tiên, nếu không Bình Nhưỡng có thể phải gánh chịu hậu quả tương tự", ông Ni nói với SCMP.
Tuy nhiên Hwang Jae Ho, chuyên gia về an ninh Đông Bắc Á tại Đại học Nghiên cứu Quốc tế Hankuk (Seoul, Hàn Quốc), cho rằng Bắc Kinh sẽ không để yên Mỹ tấn công Bình Nhưỡng. Triều Tiên rất quan trọng với Trung Quốc về mặt chiến lược giữa lúc Bắc Kinh và Seoul gia tăng căng thẳng vì vấn đề triển khai Hệ thống Phòng thủ Tên lửa tầm cao Giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ tại Hàn Quốc.
"Trong lúc quan hệ giữa Bắc Kinh và Seoul đang xấu đi, Bắc Kinh sẽ không bỏ rơi Bình Nhưỡng. Giá trị chiến lược của Triều Tiên đối với Trung Quốc vẫn lớn hơn gánh nặng mà Triều Tiên đem lại cho Trung Quốc", ông Hwang nói.
Hua Liming, cựu đại sứ Trung Quốc tại Iran, nói nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un không thể xuống thang và ngừng chương trình hạt nhân, tên lửa của nước này.
Theo ông Hua, "cuộc không kích tại Syria là lời cảnh báo mạnh mẽ đối với Triều Tiên, với mục đích cho thấy Mỹ có thể tiến hành tấn công quân sự nhằm vào Bình Nhưỡng" nếu căng thẳng tiếp tục gia tăng trên bán đảo Triều Tiên.
Tuy nhiên, ông Hua lưu ý rằng vụ tấn công cũng có thể phản tác dụng nếu Bình Nhưỡng vẫn tin rằng Washington không có khả năng tham chiến trên cả hai mặt trận.
Dưới thời Tổng thống Barack Obama, Washington đã âm thầm từ bỏ học thuyết quân sự tồn tại hàng thập kỷ nêu rằng quân đội Mỹ buộc phải có khả năng chiến đấu ở nhiều khu vực khác nhau vào cùng một thời điểm. Việc từ bỏ học thuyết này chủ yếu là kết quả của việc cắt giảm chi tiêu quân sự và việc không đủ khả năng tiến hành đồng thời hai cuộc chiến, như cách Mỹ từng làm tại Iraq và Afghanistan.
Hợp tác với Trung Quốc là lối thoát duy nhất?
Bất chấp việc Ngoại trưởng Rex Tillerson cảnh báo về việc tấn công phủ đầu Triều Tiên trong chuyến công du Đông Á tháng trước, Bình Nhưỡng vẫn tiến hành cuộc thử nghiệm tên lửa mới hôm 5/4. Vụ thử làm gia tăng nỗi sợ rằng trong 2-3 năm tới Triều Tiên có thể làm chủ công nghệ cần thiết để tấn công New York và Washington bằng một loại tên lửa đạn đạo liên lục địa mang đầu đạn hạt nhân.
Zhang Tuosheng, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách đối ngoại của Quỹ Nghiên cứu Quốc tế và Chính sách Trung Quốc, cho biết hiện ở Mỹ tồn tại quan điểm cho rằng chính sách gọi là kiên nhẫn chiến lược của ông Obama đối với Triều Tiên đã thất bại trong việc đối phó với nguy cơ hạt nhân từ Bình Nhưỡng.
Bằng cuộc không kích tại Syria, ông Trump dường như muốn ra dấu hiệu rằng ông sẽ không đợi Triều Tiên thay đổi. "Nhưng dường như chúng ta vẫn chưa đến mức tiến hành hoạt động quân sự nhằm vào Triều Tiên tương tự vụ tấn công của Mỹ tại Syria", ông Zhang nói.
Chuyên gia quân sự Zhou Chenming ở Bắc Kinh cho rằng Mỹ không thể châm ngòi cho một cuộc xung đột với Triều Tiên do sự can dự của Mỹ tại Trung Đông cũng như do khả năng giới hạn.
Nhà lãnh đạo Kim Jong Un tại cuộc thi giữa các đơn vị tăng thiết giáp của quân đội Triều Tiên. Ảnh: Reuters. |
Ông Trump và các quan chức khác của Mỹ từng bày tỏ hy vọng rằng Bắc Kinh sẽ có các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn đối với Triều Tiên, nhất là thông qua các lệnh trừng phạt về thương mại và kinh tế.
"Tôi nghĩ ông Tập sẽ vui khi nhìn thấy ông Trump đã 'dịu giọng' trong những tuyên bố trước thềm cuộc gặp đồng thời nhận ra rằng việc hợp tác với Trung Quốc để loại bỏ mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên là điều cần thiết", ông Huang Jing của Đại học Quốc gia Singapore (NUS) nói.
"Giống như những gì lãnh đạo Trung Quốc vẫn nói, hợp tác (với bắc Kinh) là lối thoát duy nhất trong vấn đề Triều Tiên".