Sáng 31/3, tại kỳ họp cuối của nhiệm kỳ khóa XIV, các đại biểu đã tín nhiệm bầu ông Vương Đình Huệ giữ chức Chủ tịch Quốc hội. Rất nhiều kỳ vọng được gửi gắm đến người đứng đầu cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước ngay sau khi ông Vương Đình Huệ thực hiện lễ tuyên thệ nhậm chức.
Chính khách nắm giữ nhiều vị trí quan trọng
Trao đổi với Zing, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hải (Ủy viên Trung ương, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên) nói trước hết muốn nhắc đến dấu ấn của bà Nguyễn Thị Kim Ngân trên cương vị Chủ tịch Quốc hội khóa XIV.
“Là Trưởng ban Dân nguyện - nơi tiếp thu, tập hợp các ý kiến cử tri trong gần hết nhiệm kỳ - tôi thấy phần lớn ý kiến đánh giá cao hiệu quả điều hành của Chủ tịch Quốc hội”, bà Hải chia sẻ.
Theo nữ Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân là người điều hành Quốc hội quyết liệt, linh hoạt, có nhiều nỗ lực, đóng góp trong việc dẫn dắt Quốc hội vận hành suôn sẻ, ghi nhiều dấu ấn.
Với tân Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, bà Hải bày tỏ sự tin tưởng và kỳ vọng lớn khi ông Vương Đình Huệ là một chính khách từng nắm giữ nhiều vị trí quan trọng và cũng là đại biểu Quốc hội 2 khóa (XIII và XIV).
Ông Vương Đình Huệ nhận hoa từ người tiền nhiệm trong ngày nhậm chức Chủ tịch Quốc hội. Ảnh: Thuận Thắng. |
Bí thư Thái Nguyên cho rằng việc trải qua nhiều cương vị từ giảng viên đến Tổng Kiểm toán Nhà nước, Bộ trưởng Tài chính, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Phó thủ tướng, Bí thư Thành ủy Hà Nội là lợi thế của ông Vương Đình Huệ trên cương vị mới.
“Trong suốt quá trình công tác, tân Chủ tịch Quốc hội thể hiện là một chuyên gia am hiểu tài chính ngân sách, ngoài ra có kinh nghiệm hoạt động nghị trường, trả lời chất vấn, kinh nghiệm xây dựng pháp luật”, bà Hải ghi nhận và mong tất cả yếu tố đó hội tụ sẽ tạo nên một Chủ tịch Quốc hội bản lĩnh, dày dạn kinh nghiệm, đưa ra được những thay đổi mang tính chiến lược trong hoạt động của Quốc hội.
Đại biểu Quốc hội, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải cho rằng việc trải qua nhiều cương vị quan trọng sẽ là lợi thế của tân Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: Thuận Thắng. |
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách) phân tích 3 lợi thế của tân Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Thứ nhất, lợi thế của một nhà sư phạm sẽ giúp cho công tác chủ trì các hoạt động Quốc hội của ông Vương Đình Huệ thuận lợi hơn, bởi người có kỹ năng sư phạm thì tính bao quát, tổng kết và dung hòa rất phù hợp với vai Chủ tịch Quốc hội.
Lợi thế thứ hai là một nhà kinh tế. “Chuyên ngành đào tạo của ông Vương Đình Huệ là một nhà kinh tế và ông đã trải qua các chức vụ rất quan trong bộ máy, từ Tổng Kiểm toán Nhà nước đến Bộ trưởng Tài chính, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Phó thủ tướng phụ trách kinh tế tổng hợp. Đây là lợi thế quan trọng để một vị Chủ tịch Quốc hội có thể quán xuyến được định hướng trong hoạt động Quốc hội”, ông Vân đánh giá.
Lợi thế thứ ba của tân Chủ tịch Quốc hội là một nhà chính trị từng đứng đầu đơn vị hành chính đặc biệt - thủ đô Hà Nội - là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước.
“Làm Bí thư Hà Nội tuy không lâu nhưng ông Huệ tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong tầm nhìn, tư duy chính sách”, ông Vân nói.
Chia sẻ cảm nhận cá nhân, ông Vân cho rằng tân Chủ tịch Quốc hội là con người dễ gần, chan hòa và rất nhẹ nhàng, uyển chuyển nên khi giữ vai trò chủ trì các hoạt động của Quốc hội, trực tiếp điều hành các phiên họp của Quốc hội sẽ tạo được dấu ấn.
Kỳ vọng chuyển biến phong thái làm việc của Quốc hội
Từ những lợi thế đã nêu, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân kỳ vọng tân Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ tạo chuyển biến phong thái làm việc của Quốc hội khóa mới. Cùng với đó là sự quan tâm đến lĩnh vực lập pháp, có kế hoạch để thay đổi phương thức hoạt động của Quốc hội theo hướng tốt hơn.
“Tôi hy vọng lĩnh vực lập pháp sẽ có cách tiếp cận mới, ví dụ tiếp cận chương trình làm việc của Quốc hội từng năm và cả nhiệm kỳ như thế nào để khắc phục tình trạng đưa vào rồi lại rút ra các đạo luật, rồi phương thức soạn thảo các đạo luật như thế nào để phù hợp với tính khách quan, không có lợi ích nhóm chi phối”, ông Vân bày tỏ.
Ông cũng tin tân Chủ tịch Quốc hội sẽ có tác động nhất định đến quá trình làm luật trong cơ quan thực hiện quyền lập pháp.
Nêu 3 lợi thế của tân Chủ tịch Quốc hội, đại biểu Lê Thanh Vân đặt nhiều kỳ vọng vào ông Vương Đình Huệ, trong đó quan trọng nhất là tạo chuyển biến trong hoạt động của Quốc hội. Ảnh: Thuận Thắng. |
Trong hoạt động giám sát tối cao, đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng từ bài học của Quốc hội khóa XIV, lãnh đạo Quốc hội sẽ định hướng lựa chọn vấn đề giám sát là vấn đề bức xúc của xã hội và đây chính là hơi thở của cuộc sống mà Quốc hội phải bắt nhịp, từ đó thay đổi phương thức giám sát.
Liên quan đến chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, ông Vân ghi nhận nhiệm kỳ qua dù đạt nhiều kết quả vẫn có “điểm yếu” trong thời gian nộp báo cáo, cung cấp thông tin, tài liệu cho đại biểu chưa đầy đủ. Vì thế, trong một số trường hợp cụ thể, Quốc hội quyết định “chưa chín muồi”, như các dự án về kinh tế sau đó phải sửa đổi, bổ sung…
Mong muốn nâng cao chất lượng đại biểu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Đỗ Văn Sinh đồng thời đề cao vai trò của người đứng đầu trong định hướng hoạt động của Quốc hội.
Theo ông, Chủ tịch Quốc hội cần thể hiện được quan điểm cá nhân, kể cả trong chế độ làm việc tập thể. Quan điểm của người đứng đầu Quốc hội có sức thuyết phục thì sẽ tạo được đồng thuận cao.
Đánh giá tân Chủ tịch Quốc hội là người có năng lực và kinh nghiệm, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, song ông Sinh lưu ý vai trò Chủ tịch Quốc hội cần có kiến thức tổng hợp, tổng hòa được mọi lĩnh vực, trong đó, kinh tế là một nền tảng rất quan trọng.
Bên cạnh lợi thế và những kỳ vọng, đại biểu Lê Thanh Vân nhìn nhận áp lực lớn nhất đối với tân Chủ tịch Quốc hội là làm sao vừa hoàn thành một nhiệm vụ chính trị, vừa hoàn thành vai trò của một nhân vật chính trị - pháp lý trên cương vị Chủ tịch Quốc hội.
“Nhân vật chính trị là phải thấu triệt tất cả quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng để giữ vững vai trò là người chủ trì hoạt động của cơ quan lập pháp, chuyển hóa thành quy định của pháp luật”, ông Vân nói. Song ông cho rằng, với một người "lão luyện" như ông Vương Đình Huệ thì áp lực đó là không lớn.
Điều quan trọng nhất, theo ông, là sự tương tác của Chủ tịch Quốc hội với các đại biểu, cơ quan của Quốc hội và cơ quan truyền thông, cử tri để nắm được tâm nguyện chung, đưa cuộc sống sinh động vào nghị trường.