Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trình miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội

Quốc hội bắt đầu quy trình nhân sự với việc trình, miễn nhiệm chức danh Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia với bà Nguyễn Thị Kim Ngân.

Sáng 30/3, Quốc hội bắt đầu quy trình nhân sự với chức danh được kiện toàn đầu tiên là Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia. Người đang giữ hai cương vị này là bà Nguyễn Thị Kim Ngân (đại biểu Quốc hội của TP Cần Thơ).

Theo chương trình nghị sự, cuối giờ sáng 30/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia đối với bà Nguyễn Thị Kim Ngân. Sau đó các đại biểu thảo luận tại đoàn về nội dung này.

Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội kết quả thảo luận tại đoàn và giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về việc miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia. Người được miễn nhiệm có thể phát biểu ý kiến.

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân cùng các đại biểu bên hành lang kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Thuận Thắng.

Sau khi các đại biểu Quốc hội bỏ phiếu kín miễn nhiệm, Quốc hội thông qua nghị quyết về việc miễn nhiệm, trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia. Tiếp đến, nội dung này sẽ được các đại biểu thảo luận tại đoàn.

5 năm trước, ngày 31/3/2016, tại kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIII, bà Nguyễn Thị Kim Ngân đã được bầu làm Chủ tịch Quốc hội và trở thành nữ Chủ tịch Quốc hội đầu tiên trong lịch sử. Đến tháng 7/2016, tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIV, bà Ngân tiếp tục tái cử chức danh này.

Tháng 11/2020, Quốc hội đã thông qua nghị quyết bầu bà Nguyễn Thị Kim Ngân làm Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia.

Trong quá trình hoạt động tại Quốc hội, đặc biệt trên cương vị người đứng đầu Quốc hội, bà Nguyễn Thị Kim Ngân được các đại biểu Quốc hội đánh giá cao về phong cách điều hành khoa học, linh hoạt, sắc bén và đi trúng vấn đề, nhưng cũng không kém sự mềm mại, uyển chuyển.

Trong 3 lần lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội vào các năm 2013, 2014 và 2018, bà Ngân trên cương vị Phó chủ tịch Quốc hội cũng như Chủ tịch Quốc hội đều đứng đầu về số phiếu tín nhiệm cao. Đánh giá tín nhiệm cao dành cho bà Ngân cũng tăng trong từng lần lấy phiếu tín nhiệm. Cụ thể, năm 2013, bà Ngân đạt 372 phiếu tín nhiệm cao, năm 2014 đạt 390 phiếu và năm 2018 tăng lên 437 phiếu tín nhiệm cao.

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân sinh năm 1954, quê xã Châu Hòa, Giồng Trôm, Bến Tre; có trình độ thạc sĩ kinh tế. Bà là Ủy viên Trung ương Đảng liên tục 4 khóa IX, X, XI, XII; Ủy viên Bộ Chính trị khóa XI, XII; đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII, XIV.

Trong quá trình công tác, bà Ngân từng kinh qua các chức vụ Giám đốc Sở Tài chính Bến Tre, Thứ trưởng Bộ Tài chính, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương, Thứ trưởng Thường trực Bộ Thương mại, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội.

Tháng 7/2011, bà Ngân được bầu làm Phó chủ tịch Quốc hội khóa XIII và đến giữa năm 2013 được bầu bổ sung vào Bộ Chính trị khóa XI.

Năm 2016, tạp chí Forbes đã bầu chọn bà Nguyễn Thị Kim Ngân là người đứng đầu trong danh sách 20 người phụ nữ có ảnh hưởng nhất Việt Nam.

25 chức danh lãnh đạo sắp được Quốc hội kiện toàn

Ngoài các lãnh đạo chủ chốt Nhà nước, Quốc hội sẽ bầu phó thủ tướng, phó chủ tịch Quốc hội và phê chuẩn bổ nhiệm một số thành viên Chính phủ.

Hoài Thu

Bạn có thể quan tâm