Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tân Chủ tịch Eximbank: 'Tôi đủ hành trang'

Tân Chủ tịch Hội đồng Quản trị Eximbank Lê Minh Quốc nói về thay đổi tại ngân hàng này.

VnEconomy đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Lê Minh Quốc, tân Chủ tịch Hội đồng Quản trị Eximbank.

“Tôi đúng là người hoàn toàn mới”

- Thưa ông, đến nay những thay đổi nhân sự cao cấp của Eximbank như vậy là đã hoàn tất?

- Đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 15/12 vừa qua đã bầu xong các thành viên Hội đồng Quản trị và Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2015-2020.

Trong thay đổi của Eximbank có sự hỗ trợ, giám sát của Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan quản lý, các cổ đông.

Về ban điều hành, ngày 10/12/2015, theo nguyện vọng của ông Phạm Hữu Phú cùng với quyết định bổ nhiệm trước đây đã hết hiệu lực, Hội đồng Quản trị Eximbank đã thống nhất chấp thuận đơn từ nhiệm của ông Phạm Hữu Phú và bổ nhiệm ông Trần Tấn Lộc, Phó tổng giám đốc thường trực giữ chức quyền Tổng giám đốc.

- Trong các dòng chảy thông tin trước đại hội trên, vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị Eximbank được xem là “ghế nóng”. Ông nói gì khi đảm nhận vị trí này?

- Tôi không cho đó là “nóng”. Trong kinh doanh, trong quản lý điều hành nói chung, ai cũng vậy, phải tự xác định cho mình trong bất cứ hoàn cảnh, điều kiện nào cũng phải làm tốt với trách nhiệm và năng lực của mình.

Cùng với Ngân hàng Nhà nước và cổ đông lớn là Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank), sự thay đổi tại Eximbank dường như đậm đặc hơn với yếu tố nước ngoài.

- Là Chủ tịch Hội đồng Quản trị nhiệm kỳ mới, cũng là một người mới tại Eximbank, ông nhận diện những khó khăn của Eximbank hiện nay như thế nào?

- Tôi đúng là người hoàn toàn mới của Eximbank. Còn về những khó khăn của ngân hàng, tại đại hội đồng cổ đông bất thường vừa qua, Hội đồng Quản trị đã báo cáo và giải trình cụ thể rồi.

Còn với tôi, Eximbank là một ngân hàng tốt, có vị thế và thương hiệu tốt trên thị trường, có những giá trị nền tảng tốt. Đây cũng là ngân hàng có cơ cấu cổ đông mạnh, có các cổ đông nước ngoài mạnh, nhiều cổ đông lớn trong nước đã gắn bó suốt nhiều năm qua.

Tới đây, ngân hàng sẽ tiếp tục tái cơ cấu trên nền tảng đó để hoạt động hiệu quả hơn, phát triển bền vững và minh bạch.

Một người hoàn toàn mới, vậy thì việc am hiểu, nắm bắt và hòa nhập trong quản trị điều hành ngân hàng sẽ như thế nào, thưa ông?

- Tôi làm ngân hàng từ năm 1975, cũng đi từ nhân viên, từ các mảng và nghiệp vụ hoạt động, cho đến các cấp quản lý điều hành tại các ngân hàng nước ngoài. Tôi cũng đã trực tiếp làm việc và có sự am hiểu cần thiết về ngành và thị trường Việt Nam.

Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Tôi đã nhiều năm hoạt động ở lĩnh vực tài trợ thương mại, quản lý khu vực thị trường khá rộng với vùng châu Á, Úc và Ấn Độ. Và đây cũng chính là một hoạt động thế mạnh nổi bật của Eximbank.

Tôi tin tưởng mình đủ kinh nghiệm, hành trang cho công việc mới này.

Mặt khác, như tôi nói ở trên, mặc dù còn những khó khăn và một số tồn tại phải khắc phục, nhưng Eximbank là một ngân hàng tốt, có giá trị nền tảng tốt, có cơ cấu cổ đông mạnh. Đó là cơ sở, thuận lợi và thế mạnh cho mỗi cán bộ quản lý điều hành.

Và không chỉ riêng tôi, các lãnh đạo Eximbank làm việc tốt hay không còn phải dựa trên sự hỗ trợ của các cổ đông, cán bộ công nhân viên, cơ quan quản lý và các đối tác trên thị trường.

Trước hết phải củng cố niềm tin

- Nhìn về phía trước, ông nói gì về kỳ vọng của cổ đông, làm sao để Eximbank trở lại quỹ đạo của một ngân hàng phát triển tốt như từng có?

- Phía trước có nhiều khó khăn và thử thách. Điều quan trọng nhất đối với Eximbank hiện nay là phải củng cố được niềm tin với cổ đông, với cán bộ nhân viên, với cơ quan quản lý và với thị trường.

Trước hết phải củng cố niềm tin thì mới có thể đưa ngân hàng trở lại quỹ đạo đó được.

- Về kế hoạch và lộ trình cụ thể cho sự trở lại đó, có lẽ còn quá sớm với cơ cấu nhân sự mới, nhưng ông có thể cho biết định hướng nào đó không?

- Đúng là còn quá sớm để nói ngay những kế hoạch và lộ trình với những con số cụ thể nào đó. Trên cơ sở định hình lại tình hình hoạt động năm nay, chúng tôi sẽ đưa ra những dữ liệu mới, kế hoạch mới cho năm tới.

Còn trước hết, như tôi nói ở trên, phải củng cố được niềm tin. Các thành viên của Hội đồng Quản trị nhiệm kỳ mới cương quyết minh bạch mọi cái trong hoạt động của Eximbank thời gian tới.

Dự kiến Hội đồng Quản trị cũng sẽ sớm xây dựng và triển khai dự án tái cơ cấu một cách thích hợp qua hợp tác với đối tác chiến lược Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC).

Ngày 17/12/2015, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) chính thức công bố ông Lê Minh Quốc được bầu giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị nhiệm kỳ 2015-2020.

Trước đó, tại đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 15/12, ông Quốc được Hội đồng Quản trị đề cử và được bầu làm thành viên Hội đồng Quản trị độc lập.

Ông Quốc từng là Phó tổng giám đốc Ngân hàng BNP Canada, Canada; Giám đốc phụ trách tài trợ thương mại vùng châu Á, Úc và Ấn Độ - Ngân hàng BNP; Giám đốc điều hành Ngân hàng BNP Paribas, Đài Loan…

Tại Việt Nam, ông Quốc từng là Tổng giám đốc Ngân hàng BNP Paribas Việt Nam; Phó tổng giám đốc, Phó trưởng ban Kiểm soát Ngân hàng Phương Đông (OCB); Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Âu Lạc.

Với thay đổi nhân sự Chủ tịch Hội đồng Quản trị, tới đây dự kiến sẽ chính thức ở vị trí Tổng giám đốc, cùng cơ cấu lãnh đạo cao cấp nói chung, Eximbank đang có thay đổi lớn.

Cùng với Ngân hàng Nhà nước và cổ đông lớn là Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank), sự thay đổi đó dường như đậm đặc hơn với yếu tố nước ngoài.

 

Eximbank bổ nhiệm quyền Tổng giám đốc

Ông Trần Tấn Lộc, Phó tổng giám đốc thường trực của Eximbank đã được bổ nhiệm tạm thời giữ chức CEO thay cho người vừa xin rút lui sau khi hết nhiệm kỳ là ông Phạm Hữu Phú.

 

http://vneconomy.vn/tai-chinh/tan-chu-tich-eximbank-toi-du-hanh-trang-20151218095115727.htm

Theo Minh Đức/VnEconomy

Bạn có thể quan tâm