Tân CEO TienPhong Bank nói gì về 'người mới' ở VPBank?
Ông Nguyễn Đức Vinh - tân Tổng giám đốc VPBank là sếp cũ của ông Nguyễn Hưng (CEO mới của TienPhong Bank) khi còn làm việc tại Techcombank. Cả hai người đều chuyển từ một ngân hàng lớn sang ngân hàng nhỏ hơn.
> 3 ngân hàng có CEO mới trong một tuần
> Chân dung tân Chủ tịch Tienphong Bank
- Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) là ngân hàng nhóm G12, TienPhong Bank là ngân hàng có quy mô nhỏ hơn nhiều. Đâu là nguyên nhân khiến ông chuyển từ một ngân hàng lớn về ngân hàng nhỏ?
- Tôi thấy, bất cứ tổ chức nào cũng phát triển dần dần từ nhỏ đến lớn, không thể đốt cháy giai đoạn. Ngân hàng lớn có lợi thế hơn về hình ảnh, thương hiệu, nhưng ngân hàng nhỏ lại linh hoạt và dễ thích nghi hơn, có thể rút kinh nghiệm từ những ngân hàng đi trước, tránh vấp váp để có thể phát triển nhanh hơn. Trước đó, khi tôi mới về VPBank thì VPBank cũng chưa lớn như bây giờ.
Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TienPhong Bank cho rằng ngân hàng nhỏ sẽ có lợi thế là linh hoạt, dễ thích nghi hơn, rút được kinh nghiệm từ các đơn vị đi trước để tránh vấp váp và phát triển. |
- Trước khi ông về TienPhong Bank, ngân hàng này gặp khá nhiều khó khăn thậm chí còn có tin đồn sẽ bị sáp nhập. Vì sao ông vẫn quyết định đến với TienPhong Bank?
- Đồn đoán lúc nào cũng có. Trên thực tế, khó khăn không chừa bất cứ một ngân hàng nào trong giai đoạn vừa qua, đặc biệt suốt nửa cuối năm 2011. TienPhong Bank là ngân hàng nhỏ, mới thành lập chưa bao lâu nhưng đã vượt qua mọi thử thách và trụ vững trên thị trường, tự thân vận động mà chưa cần phải có sự trợ giúp đặc biệt nào. Tôi đánh giá cao về điều này.
Hiện TienPhong Bank đã vượt qua mọi khó khăn, có nhiều nhân tố mới với tầm nhìn mới và định hướng mới. Mặc dù có quy mô nhỏ nhưng tôi thấy đây là một ngân hàng với tình hình tài chính ổn định, minh bạch và có tiềm năng phát triển. Tôi tin là mình có thể khai thác những tiềm lực và lợi thế của TienPhong Bank để phát triển ổn định và bền vững trong tương lai.
- Việc ông chuyển sang TienPhong Bank có liên quan gì đến VPBank dự kiến có tổng giám đốc mới là ông Nguyễn Đức Vinh - CEO của Techcombank trước đây không?
- Chắc chắn là có liên quan rồi. Tôi có thời gian khá dài được làm việc với anh Nguyễn Đức Vinh và sau này có mối quan hệ tốt khi chúng tôi điều hành 2 ngân hàng có khá nhiều nét tương đồng.
Việc chuyển công tác của chúng tôi đã được tất cả các bên liên quan bàn thảo từ trước và đã tìm ra được phương án tối ưu nhất. Có thể nói là các thỏa thuận đạt được đã làm tất cả các bên hài lòng.
- Cả hai CEO là ông và ông Nguyễn Đức Vinh cùng chuyển từ một nơi lớn hơn sang nơi nhỏ hơn. Ông có thể nói gì về điều này?
- Chúng tôi đều được tin tưởng sẽ góp phần đưa các tổ chức mà mình điều hành phát triển lên tầm cao hơn, đáp ứng kỳ vọng của cộng đồng, của cổ đông và người lao động trong tổ chức của mình. Vì thế mà việc chuyển công tác cũng là bình thường
- Khi mới nhậm chức tại TienPhong Bank, ông có nói rằng TienPhongBank là "đất lành" nhưng thực tế cũng có nhiều thông tin không tốt ở đây. Vậy theo ông, ngân hàng này có những tiềm năng nào?
- Đó là chuyện quá khứ và mọi vấn đề đã được xử lý ổn thỏa. Hiện tại, mọi việc ở TienPhong Bank đều rõ ràng và khá lành mạnh. Ngân hàng này đang có các cổ đông lớn, tâm huyết và có tiềm lực tài chính thực sự.
Nếu nói về công nghệ thông tin thì FPT thực sự “có vai có vế”. Về viễn thông thì VMS MobiFone là công ty có dịch vụ tốt nhất, lĩnh vực tái bảo hiểm thì Vinare là anh cả. Còn tập đoàn SBI VenHolding sở hữu dịch vụ ngân hàng điện tử hàng đầu Nhật Bản hiện nay. TienPhong Bank lại được đón nhận cổ đông mới là Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI, công ty đứng top 3 trong 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam, doanh thu năm 2011 lên tới trên 30.000 tỷ đồng. Các cổ đông đều tâm huyết vì sự phát triển bền vững của ngân hàng chứ không có mục đích riêng.
Chúng tôi cũng đã xác định được hướng kinh doanh đặc trưng riêng, tạo sự khác biệt làm lợi thế cạnh tranh, có thể kể đến việc phát triển khách hàng, các dịch vụ sản phẩm kết hợp với thế mạnh sẵn có của các cổ đông của ngân hàng.
- Việc thay đổi chủ sở hữu tại TienPhong Bank tác động như thế nào đến quyết định chuyển từ VPBank sang TienPhong Bank của ông?
- Phải nói ngược lại thì mới đúng. Việc thay đổi chủ sở hữu diễn ra trước, sau đó chủ sở hữu mới chọn tôi cho chặng đường sắp tới của TienPhong Bank. Đúng ra, ngân hàng nảy phải rất tiềm năng mới "lọt mắt xanh" của những nhà đầu tư uy tín, trong đó có Chủ tịch Tập đoàn DOJI Đỗ Minh Phú và ông Đỗ Anh Tú - Tổng giám đốc Diana. Ngoài ra còn kể đến các cổ đông khác như FPT, VMS Mobifone, Vinare, SBI Holding...
Việc được các chủ sở hữu uy tín và có tên tuổi lựa chọn nên tôi đã không phải cân nhắc quá lâu trước khi nhận lời.
Ông Nguyễn Hưng sinh năm 1966, có gần 20 năm kinh nghiệm lãnh đạo các ngân hàng thương mại lớn từng tốt nghiệp Thạc sĩ Thương mại điện tử, Đại học NorthCentral, Arizona, Mỹ. Trước khi về TienPhong Bank làm Tổng giám đốc, ông từng đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng trong các ngân hàng khác. Từ năm 1996 đến 1999, ông Hưng là Phó tổng giám đốc VPBank. Năm 2000-2009, ông làm việc tại Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank) với các cương vị Chánh văn phòng, Phó giám đốc Techcombank Chi nhánh Thăng Long, Giám đốc Techcombank Chi nhánh Đống Đa. Từ năm 2009 đến tháng 6/2012, ông Nguyễn Hưng là Tổng giám đốc Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank). |
LAN ANH
Theo Infonet