Trong danh sách tập trung đội tuyển Việt Nam tháng 12, trung vệ Nguyễn Văn Việt của CLB Quảng Ninh được điền tên. Sau 16 năm theo đuổi sự nghiệp, với nhiều trắc trở, cầu thủ gốc Quảng Nam cũng có vinh dự mà bất cứ cầu thủ nào cũng mong muốn.
Văn Việt (phải) được HLV Park Hang-seo tập trung lên đội tuyển Việt Nam. Ảnh: TQN FC. |
Niềm tự hào của bóng đá Quảng Nam
Sinh năm 1989, Văn Việt đến với bóng đá muộn hơn số đông bạn bè cùng trang lứa. Khi 15 tuổi, anh mới bắt đầu tập luyện tại tuyến trẻ của CLB Quảng Nam. Nhà cựu vô địch V.League không nổi tiếng trong việc đào tạo trẻ, nhưng vẫn xuất hiện những cái tên tiềm năng.
Nếu trung vệ Huỳnh Tấn Sinh hiện được coi là niềm tự hào trong khâu đào tạo trẻ của bóng đá Quảng Nam. Giai đoạn 2007, nhiều người phải nhắc đến Nguyễn Văn Việt khi góp công lớn đưa đội nhà trở lại sân chơi chuyên nghiệp lúc mới 18 tuổi.
Mùa giải 2007, bóng xứ Quảng phải chơi ở giải hạng Nhì và tầm nhìn của lãnh đạo CLB là tạo điều kiện cho các cầu thủ trẻ, trong đó có có Văn Việt. Hậu vệ này được trao cơ hội và góp công giúp đội nhà trở lại sân chơi chuyên nghiệp. "Từ đó, tôi luôn ở nhóm cầu thủ được đá chính nhiều nhất và còn được mang băng đội trưởng”, anh chia sẻ.
Suốt 4 năm sau đó, dù đội nhà trải qua nhiều sóng gió khi liên tục "thay tên đổi họ" trong giai đoạn bóng đá Việt Nam gặp nhiều biến cố, Văn Việt vẫn luôn là lựa chọn tin cậy và khó thay thế ở đội chủ sân Tam Kỳ. Đến năm 24 tuổi, anh và đồng đội giành quyền lên chơi V.League và viễn cảnh thành công đang ở trước mắt. Mùa giải đầu tiên ở sân chơi cao nhất của bóng đá nội, Văn Việt cùng đội nhà đứng ở vị trí thứ 8 chung cuộc.
Văn Việt (giữa) từng treo giày rồi mất gần 4 năm để trởi lại với bóng đá chuyên nghiệp. Ảnh: TQN FC. |
3 năm treo giày rồi trở lại
Chơi không hề tệ ở lần đầu dự V.League, nhưng Văn Việt lại dính vận đen khi gặp chấn thương cuối mùa. Ở vòng áp chót, cầu thủ này gặp chấn thương. Tưởng như bình thường, anh vẫn có thể chơi tới cuối trận. Song, kết quả thăm khám sau đó khiến sự nghiệp của anh rẽ sang hướng khác, với chấn thương đứt dây chằng chéo trước - loại chấn thương gây ám ảnh với giới quần đùi áo số.
Thời gian dài sau đó, anh tập trung vào việc chữa trị chấn thương. Song, kết quả không mấy khả quan. "Tôi cũng đi phẫu thuật rồi, nhưng lúc mới đau, mình cứ nghĩ bình thường, không ngờ việc đó khiến chấn thương nặng hơn", Văn Việt nghĩ lại quãng thời gian sau đó.
Không thể hồi phục chấn thương phức tạp này, Văn Việt chuyển hướng sang công tác đào tạo trẻ và đầu quân cho đội bóng quê nhà dưới dạng học việc không lương. Lúc đó, anh mới xây dựng gia đình. Thu nhập từ việc "gõ đầu trẻ" là không đủ để trang trải cuộc sống.
Tới giữa năm 2017, Văn Việt bắt đầu suy tính tới việc trở lại sân cỏ, sau 30 tháng giải nghệ và chông chênh với cuộc sống mưu sinh. Anh được CLB Quảng Ninh tạo điều kiện. Khi được hỏi về việc lót tay, Văn Việt thừa nhận anh không có suy nghĩ về nó.
"Được CLB tạo điều kiện để mình trở lại là vui lắm rồi. Tôi không nghĩ ngợi hay đòi hỏi gì cả. Về đây tập luyện trước đã", Việt chia sẻ. Anh bắt đầu khoác áo CLB Quảng Ninh từ giai đoạn 2 V.League 2017 và nhận mức lương "cảm thấy phù hợp".
Lúc đó, HLV Phan Thanh Hùng có 5 lựa chọn cho vị trí trung vệ. Nghỉ thi đấu 3 năm với vết thương đứt dây chằng chéo, rất khó để Văn Việt cạnh tranh với Thanh Hào, Thanh Hiền hay Huy Cường.
Đến vòng 17 V.League 2018, cầu thủ sinh năm 1989 mới được trao cơ hội khi Thanh Hào bị treo giò, còn Thanh Hiền gặp chấn thương không thể thi đấu. Anh có tên trong đội hình xuất phát trận gặp CLB Hà Nội ngày 1/7, gần 4 năm sau trận đấu trên sân Tam Kỳ vào tháng 8/2014, Văn Việt mới trở lại sân cỏ đỉnh cao.
Mất 4 năm sau ngày chấn thương, Văn Việt (áo bib hồng) mới ra sân từ đầu tại V.League. Ảnh: TQN FC. |
Ghi điểm với thầy Park và lần đầu tiên lên tuyển
Mùa giải 2020 có thể coi là thành công với trung vệ gốc Quảng Nam. Anh vào sân 12/19 trận cho đội bóng vùng Đông Bắc, trong đó có 10 lần đá chính, không trận nào bị thay ra giữa chừng.
Theo chấm điểm của Instat, hệ thống cung cấp dữ liệu và chỉ số chuyên môn, Văn Việt được 223 điểm, đứng thứ 8 trong nhóm cầu thủ thi đấu trên 1.000 phút. Chỉ số chuyền bóng thành công của anh lên tới 89%, tương đương Bùi Tiến Dũng của Viettel.
Tỷ lệ thắng tranh chấp tay đôi khi phòng ngự của Văn Việt là 71%. Trung bình mỗi trận, anh giành quyền kiểm soát trong 6/10 pha bóng như vậy. Con số này của đội trưởng CLB Viettel là 10/14.
Điều quan trọng là trong suốt mùa giải, Văn Việt không nhận bất cứ thẻ phạt nào (theo số liệu từ VPF). Tỷ lệ trung bình trong mỗi trận, những pha phạm lỗi/ bị phạm lỗi của anh là 15/8. Con số này của người đồng đội Dương Thanh Hào là 15/15 còn Lastro Neven là 17/16.
Màn trình diễn của Văn Việt góp công giúp CLB Quảng Ninh kết thúc V.League 2020 ở vị trí thứ 4, và việc anh được triệu tập lên đội tuyển Việt Nam vào tháng 12 có thể coi là phần thưởng cho những nỗ lực của anh sau 16 năm từ ngày bước chân vào con đường bóng đá chuyên nghiệp.
Danh sách tập trung tuyển Việt Nam đợt tháng 12/2020. Đồ họa: Minh Phúc. |