Ắt hẳn ai trong chúng ta cũng có một tuổi thơ để tìm về, đó sẽ là chốn bình yên của tâm hồn trong thế giới hối hả và tấp nập. Với những đứa trẻ sinh ra ở vùng quê, ký ức ấy là những chiều chăn trâu, cắt cỏ bên cánh đồng lúa, vui đùa bên chúng bạn và thong dong thả diều mỗi khi chiều về.
Hiểu được điều đó, tác giả Phạm Anh Xuân - cây bút của hơn 700 bài thơ cho thiếu nhi, trong đó có 4 tập thơ - đã viết nên câu chuyện về tuổi thơ ở một vùng thôn quê yên ả qua truyện dài Nghé ọ Hai Xoáy.
Những chia sẻ xoay quanh tác phẩm được đưa ra thảo luận tại buổi lễ ra mắt sách diễn ra hôm 27/8 tại Hà Nội.
Các diễn giả giao lưu tại sự kiện. Ảnh: T.H. |
Thước phim gợi nhắc về những ngày vô lo
Nghé ọ Hai Xoáy không chỉ là thước phim gợi nhắc chúng ta về tuổi thơ vô lo, mà ẩn chứa sau mỗi trang sách là những thông điệp trưởng thành đầy sâu sắc và ý nghĩa.
Bối cảnh làng quê Bắc Bộ trong tác phẩm là nơi chôn rau cắt rốn thân thương với hình ảnh của đám trẻ mục đồng cùng các trò chơi dân gian. Bước vào trang sách, độc giả trưởng thành như được sống lại ký ức tuổi thơ một thời, đặc biệt là với những ai sinh ra ở miền quê.
Trong truyện, nổi bật giữa đám trẻ mục đồng là nhân vật Hùng với ước mơ và khát vọng học tập. Vì mải mê đọc sách mà Hùng để con trâu sắp đến ngày sinh gặp nạn. Trước khi chết, nó đã sinh ra chú nghé có hai xoáy trên đầu.
Khắp bãi ven sông, tiếng cười đùa và lời đồng dao vang vọng trong buổi chiều đông se gió là nơi đám trẻ chơi đùa và chia sẻ với nhau bao điều mới mẻ, những cuốn truyện chỉ cần thay nhau đọc là tất cả cùng được nghe, một bài toán cùng nhau giải và trở nên dễ hiểu...
Qua câu chuyện, độc giả còn thấy được tình cảm ấm áp, chân thành của xóm làng mỗi khi có biến cố xảy ra. Đó cũng chính là bài học, động lực tinh thần cho bước khởi đầu của nhân vật Hùng, giúp cậu bé vững chãi trên bước đường trưởng thành.
Tác giả Phạm Anh Xuân chia sẻ: “Tuổi thơ của tôi là bầu trời rộng lớn, là cây cỏ, sông nước, nơi tôi có thể thả sức tưởng tượng, nơi có những trò nghịch ngợm mà không phải đứa trẻ nào cũng có. Đó là ký ức sống động, mỗi khi nhớ về là cảm xúc lại dâng lên, và cứ thế tôi viết”.
Theo ông, ký ức tuổi thơ trong trẻo sẽ luôn ngự trị trong tâm hồn và đồng hành cùng chúng ta trong suốt chuyến phiêu lưu của cuộc đời. Với cuốn sách này, tác giả muốn nhắn nhủ đến độc giả nhí, dù ở thành thị hay nông thôn, cũng phải rèn luyện kỹ năng, chăm chỉ học hành để làm chủ cuộc phiêu lưu của chính mình. Còn đối với người trưởng thành, cuốn sách sẽ như một tấm vé quay trở về tuổi thơ yên bình, bởi người lớn từng là trẻ con nhưng đôi khi lại quên đi ký ức ấy.
Tác phẩm Nghé ọ Hai Xoáy. Ảnh: T.H. |
Sự kết nối với thiên nhiên, làng quê
Câu chuyện không chỉ mở ra sự kết nối, tương tác giữa đám trẻ mục đồng, mà còn là cầu nối giữa con người và thiên nhiên, đồng thời giúp trẻ con và người lớn thêm hiểu nhau và gắn kết hơn.
“Tôi hiểu được đôi khi không gian văn hóa làng quê hiện nay bị phá vỡ và đi theo hướng đô thị hóa, nhưng tôi mong với cuốn sách này, mỗi người sẽ cảm nhận được phút bình yên trong tâm hồn để tìm về tuổi thơ của mình”, tác giả Phạm Anh Xuân bày tỏ.
Chia sẻ tại sự kiện, bà Nguyễn Thu Trang - Phó tổng giám đốc Tân Việt Books - cho biết đơn vị bà lựa chọn cuốn sách này để xuất bản vì đây là một tác phẩm trong sáng, rất phù hợp với thiếu nhi. Trẻ em ở thành thị hay thôn quê khi đọc đều có thể cảm nhận được sự gần gũi đó.
Đặc biệt, tác phẩm ra mắt vào dịp cuối hè và gần mùa Trung thu cũng là một thời điểm phù hợp bởi chúng ta đều luôn hướng đến trẻ em vào những dịp này.
"Các đơn vị xuất bản thường đầu tư rất nhiều vào việc mua bản quyền, nhưng trong thâm tâm chúng tôi luôn chờ đợi những tác phẩm hay của tác giả trong nước vì chỉ có người Việt mới thật sự hiểu được tâm lý của bạn đọc Việt. Trong cuốn sách này, tác giả đã đi rất sâu vào cuộc sống của vùng quê. Đọc nó, tôi và chắc chắn nhiều người, đều ao ước được về quê sống như thế”, bà Trang chia sẻ.
Theo Phó tổng giám đốc Tân Việt Books, các bậc cha mẹ đọc cuốn sách này có thể hồi tưởng lại ký ức trẻ thơ, còn độc giả nhí đọc sẽ có được trải nghiệm thú vị.
Là tác giả của nhiều tập thơ, tản văn và truyện ngắn dành cho thiếu nhi, nhà thơ Bảo Ngọc cho rằng điều quan trọng của người viết là lưu giữ giá trị văn hóa, nhân văn qua tác phẩm và nhân rộng nó đến với độc giả; tạo ra một thế giới mà ở đó, người lớn hay trẻ con đều muốn hòa mình vào.
Theo nhà thơ Bảo Ngọc, với Nghé ọ Hai Xoáy, tác giả đã mang đến một không gian đẹp, có cả câu chuyện của người lớn và những đứa trẻ. Tình tiết truyện tưởng chừng bình thường nhưng dung dị, qua đó trẻ sẽ học được cách ứng xử với bạn bè, động vật, thiên nhiên, làng quê.
Trong khi đó, nhà báo Vũ Thu Hương chia sẻ đây là câu chuyện có dung lượng nhỏ nhưng nội dung lớn, mang nhiều thông điệp giáo dục ý nghĩa với thanh, thiếu nhi và cả người lớn; lại thấm đẫm chất hương đồng cỏ nội của làng quê, được viết nên bằng những tư duy mới mẻ và khá hiện đại.
Hơn cả một lời gợi nhắc về quá khứ, Nghé ọ Hai Xoáy còn thấm đẫm những bài học ý nghĩa, cách con người rút kinh nghiệm sau mỗi sai lầm, để từ đó dũng cảm vững bước trên con đường trưởng thành phía trước.