Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tại sao nói phương tiện truyền thông là một ẩn dụ

Ngôn ngữ là phương tiện truyền thông của chúng ta. Phương tiện truyền thông là phép ẩn dụ của chúng ta. Phép ẩn dụ tạo ra nội dung cho nền văn hóa của chúng ta.

sach khoa hoc anh 1

Ảnh minh họa đồng hồ mặt trời. Nguồn: Hoarde.

Khi phương tiện truyền thông đan xen vào nhau, chúng sẽ định hướng những gì chúng ta nhìn thấy và hiểu biết. Một người đọc sách, xem truyền hình hoặc liếc nhìn đồng hồ của mình thường không quan tâm đến tâm trí của họ đang được tổ chức và điều khiển như thế nào bởi những hành động này, và càng không quan tâm đến một cuốn sách, một chiếc tivi hoặc chiếc đồng hồ sẽ khơi gợi nên ý tưởng nào về thế giới.

Nhưng có những người đã quan tâm như Lewis Mumford. Ông không phải kiểu người nhìn đồng hồ, mà là ông quan tâm nhiều hơn đến cách đồng hồ gợi nên ý tưởng về "khoảnh khắc". Ông quan tâm đến triết lý của đồng hồ, coi đồng hồ như một phép ẩn dụ (nền giáo dục của chúng ta không nói gì mấy về điều này và các nhà sản xuất đồng hồ thì hoàn toàn không có ý kiến gì hết).

"Đồng hồ", Mumford kết luận, "là một cỗ máy hiệu quả có 'sản phẩm' là giây và phút". Đồng hồ có tác dụng tách rời thời gian khỏi các hoạt động của con người và do đó, hình thành ý tưởng về một thế giới độc lập gồm các khoảng liên tiếp có thể đo lường được. "Các khoảnh khắc nối tiếp nhau" hóa ra không phải là quan niệm của Chúa hay của tự nhiên, mà là ý tưởng được hình thành bởi con người khi anh ta tự trò chuyện với bản thân về một chiếc máy do anh ta tạo ra.

Trong cuốn sách Technics and Civilization (tạm dịch: Kỹ thuật và nền văn minh), Mumford chỉ ra rằng, bắt đầu từ thế kỷ XIV, đồng hồ đã biến chúng ta thành những người quản lý thời gian, sau đó trở thành người tiết kiệm thời gian và giờ là nô lệ của thời gian. Trong quá trình này, chúng ta trở nên bất kính với Mặt trời và các mùa trong năm, vì trong một thế giới được tạo thành từ giây và phút, quyền lực của tự nhiên bị gạt bỏ. Thật vậy, với việc phát minh ra đồng hồ, con người không còn coi thiên nhiên vĩnh hằng là thước đo cho mọi thứ và trọng tâm của mọi hoạt động nữa.

Bảng chữ cái đã giới thiệu một hình thức trò chuyện mới giữa con người và con người. Đến nay, chữ viết đã trở thành một điều quá phổ biến. Có thể nhìn thấy lý lẽ của một người thay vì chỉ có thể nghe họ nói là một vấn đề không hề nhỏ, mặc dù nền giáo dục của chúng ta, một lần nữa, chỉ dành ra rất ít thời gian để nói về điều này. Tuy nhiên, rõ ràng là chữ viết đã tạo ra một quan niệm mới về tri thức, cũng như một ý thức mới về trí thông minh, về công chúng tiếp nhận và về việc truyền đạt lại kiến thức cho hậu thế. Tất cả những điều này đều được Plato nhận ra khi văn bản mới ở giai đoạn đầu quá trình phát triển.

Ông viết trong bức thư thứ bảy: "Không một người thông minh nào lại mạo hiểm thể hiện quan điểm triết học của mình bằng ngôn ngữ, đặc biệt là thứ ngôn ngữ không thể thay đổi được - và đây lại chính là đặc điểm của chữ viết". Chữ viết "nắm bắt" lời nói, để nó không vút bay đi và cũng nhờ chữ viết mà ta có những nhà ngữ pháp, nhà logic học, nhà tu từ học...

Tất cả những gì Plato dự đoán về kết quả của chữ viết giờ đây được các nhà nhân chủng học hiểu rõ - đặc biệt là những ai nghiên cứu về các nền văn hóa mà lời nói là cách duy nhất để thực hiện các cuộc trò chuyện phức tạp.

Tôi đề cập đến tất cả những điều này bởi cuốn sách của tôi viết về cách loài người đang trải qua một sự biến đổi diện rộng đầy nhiễu động, khi đi từ sự kỳ diệu của chữ viết sang sự kỳ diệu của điện tử. Sự xuất hiện của chữ viết hay đồng hồ không chỉ đơn thuần tăng cường sức mạnh của con người mà còn biến đổi cách tư duy của anh ta, và tất nhiên, biến đổi nội dung của nền văn hóa. Đó là điều tôi muốn nói khi gọi phương tiện là một phép ẩn dụ.

Bằng sức mạnh của sự gợi ý, phép ẩn dụ tạo ra một cách tư duy cố định trong tâm trí chúng ta, khiến ta không thể hình dung ra thứ này mà không nghĩ đến thứ kia. Ví dụ: Ánh sáng là sóng, ngôn ngữ là một cái cây... Ngay cả công cụ kính hiển vị hàng ngày cũng bao hàm một ý tưởng khá mạnh mẽ - không phải về sinh học mà là về tâm lý học.

Nhưng các phép ẩn dụ sinh ra từ hoạt động truyền thông của chúng ta lại không rõ ràng và sống động như những phép ẩn dụ trên, mà phức tạp hơn nhiều. Để hiểu được tính ẩn dụ đó, chúng ta phải xét đến các hình thức biểu tượng của thông tin, nguồn thông tin, số lượng và tốc độ thông tin, ngữ cảnh mà chúng ta nhận thông tin. Vì vậy, chúng ta cần phải đào sâu để tìm hiểu, để nắm được rằng đồng hồ đã tái tạo thời gian thành những khoảng độc lập, nối tiếp nhau; rằng chữ viết tái tạo tâm trí thành một tấm bảng mà trên đó, ta ghi ra những trải nghiệm của mình

Ngôn ngữ là phương tiện truyền thông của chúng ta. Phương tiện truyền thông là phép ẩn dụ của chúng ta. Phép ẩn dụ tạo ra nội dung cho nền văn hóa của chúng ta.

SÁCH HAY