Vision Pro mở ra một danh mục sản phẩm hoàn toàn mới về kính thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) cho hãng công nghệ khổng lồ. Ảnh: The Verge. |
Apple vốn nổi tiếng với những sản phẩm mang tính đột phá. Từ iPhone đến Apple Watch, hãng luôn biết cách tạo làn sóng công nghệ mới. Vậy nhưng, với Vision Pro - chiếc kính thực tế ảo hỗn hợp được Apple ra mắt vào đầu năm 2024 - mọi thứ dường như không đi theo kịch bản hoàn hảo như hãng kỳ vọng.
“Buồn nôn”, “chóng mặt”, “thiếu thực tế” là lời nhận xét dành cho Vision Pro
Ban đầu, Vision Pro thu hút sự quan tâm lớn từ cả giới truyền thông và người dùng. Họ bị cuốn hút bởi khả năng hòa mình vào thế giới thực tế ảo, nhìn thấy cận cảnh một con bướm bay lượn hay cảm nhận bề mặt thô ráp của da voi như thể đang đứng ngay cạnh chúng.
Tuy nhiên, "phép màu" đó chỉ tồn tại trong khoảnh khắc. Nhiều người sau khi sử dụng đã nhận ra sản phẩm này chưa phù hợp cho cuộc sống hàng ngày.
Cây bút Nilay Patel của The Verge nhận xét đeo Vision Pro trong thời gian dài có cảm giác cô lập. Trong khi đó, phóng viên Joanna Stern từ Wall Street Journal cũng chia sẻ rằng trải nghiệm xem nội dung video trên Vision Pro khiến cô bị chóng mặt và buồn nôn. Đặc biệt là với những video có quá nhiều chuyển động.
Với mức giá 3.500 USD, Vision Pro trở thành một xa xỉ phẩm khó tiếp cận. Ảnh: Haber Merkezi. |
Dù xem phim và chương trình truyền hình trên Vision Pro là một trải nghiệm thú vị, điều đó không đủ để biện minh cho việc sở hữu một chiếc TV đắt đỏ nhưng vẫn phải xem một mình.
Nhiều tháng sau, điều này vẫn không thay đổi.
Theo các báo cáo, từ tháng 4 vừa qua, số lượng người dùng xếp hàng chờ mua Vision Pro tại các cửa hàng Apple đã giảm đáng kể. Đến tháng 7, doanh số bán hàng cũng ảm đạm.
Tại trang tin MacRumors, nhóm biên tập cũng nhận thấy sự hứng thú ban đầu dành cho Vision Pro đã giảm sút. Cây bút MacRumors Dan Barbera chia sẻ anh chỉ sử dụng Vision Pro mỗi tuần một lần, chủ yếu để xem nội dung, nhưng chỉ trong khoảng 2 giờ do cảm giác khó chịu khi dùng lâu.
Eric Slivka, tổng biên tập của MacRumors, cho biết không thể tìm thấy trường hợp sử dụng thực sự hấp dẫn nào để sử dụng sản phẩm này thường xuyên.
Rào cản lớn nhất đối với Vision Pro không chỉ nằm ở mức giá cao, mà còn là do thiếu nội dung và ứng dụng thực tế. Người dùng đã quen với việc xem phim trên màn hình lớn ở phòng khách để thoải mái tương tác với người khác, thay vì phải đeo một chiếc kính cồng kềnh, cách biệt hoàn toàn với môi trường xung quanh. Số lượng trò chơi hay ứng dụng cho Vision Pro vẫn còn rất hạn chế.
Tham vọng về kính AR nhỏ gọn, tinh tế
Mặc dù Vision Pro không gây ấn tượng mạnh với người tiêu dùng phổ thông, sản phẩm này vẫn khá ấn tượng khi ứng dụng trong doanh nghiệp. Theo báo cáo từ Apple, hãng đã bán được sản phẩm cho "một nửa các công ty trong danh sách Fortune 100”.
Đơn cử như kỹ sư của Porsche sử dụng kính để hiển thị dữ liệu xe hơi trong thời gian thực. KLM Airlines dùng Vision Pro để đào tạo kỹ thuật viên về các mô hình động cơ mới. Các bác sĩ tại Anh và Ấn Độ đã thử nghiệm sử dụng Vision Pro trong phẫu thuật xâm lấn tối thiểu và phẫu thuật nội soi.
Mặc dù vậy, tương lai của Vision Pro vẫn chưa thực sự rõ ràng. Có nhiều tin đồn cho rằng Apple đang phát triển 2 phiên bản mới của Vision Pro: một phiên bản rẻ hơn và một phiên bản kế nhiệm của mẫu hiện tại.
Trong khi Apple còn loay hoay với chiến lược AR/VR của mình, Meta, công ty mẹ của Facebook, đã trình làng kính thực tế tăng cường Orion. Ảnh: Meta. |
Tuy nhiên, vào tháng 6, The Information cho biết Apple đã tạm dừng nghiên cứu Vision Pro thế hệ 2 để tập trung vào giảm giá thành của sản phẩm. Cùng thời điểm đó, Mark Gurman của Bloomberg cho hay Apple có thể sẽ không ra mắt một phiên bản mới trước năm 2026 do khó giảm chi phí sản xuất. Ông cho rằng Táo khuyết có thể phát triển một phiên bản Vision Pro phụ thuộc vào iPhone hoặc Mac, giúp giảm giá thành.
Song, tập đoàn vẫn chưa từ bỏ tham vọng trong lĩnh vực thực tế ảo và thực tế tăng cường. Mục tiêu lâu dài của họ là phát triển kính thông minh AR nhẹ nhàng và tiện dụng hơn. Tuy nhiên, việc phát triển loại kính này đã gặp nhiều khó khăn kỹ thuật, khiến dự án bị trì hoãn "vô thời hạn”.
Nhà phân tích Ming-Chi Kuo của TF Securities cho rằng có thể phải đến năm 2027 Táo khuyết mới có thể ra mắt một phiên bản kính thông minh AR. Táo khuyết nhận ra khi phát triển Vision Pro rằng việc chế tạo kính AR với đủ năng lượng là không khả thi.
Để hoạt động, kính sẽ cần cung cấp toàn bộ hiệu suất của iPhone với mức tiêu thụ điện năng bằng 1/10 để giữ cho chúng không bị quá nóng. Trong khi đó, khâu phát triển kính thông minh của Apple lại có "nguồn lực hạn chế”. Hầu hết đều đổ dồn về Vision Pro để đặt nền tảng cho một tương lai của công nghệ AR.
Trong khi đó, các đối thủ như Meta đang không ngừng phát triển các sản phẩm kính thực tế ảo và thực tế tăng cường của riêng mình. Meta ra mắt kính Orion, đối thủ trực tiếp với Vision Pro. Mặc dù Orion vẫn còn trong giai đoạn thử nghiệm, thiết bị có thiết kế gần giống kính thông thường hơn so với các loại kính thực tế ảo khác.
Những câu chuyện bên trong Apple
Văn hóa bí mật luôn là một điểm đặc biệt của Apple. Cuộc đời Steve Jobs, Tim Cook và quá trình sáng tạo những sản phẩm quan trọng như iPhone thường chỉ được tiết lộ qua những trang sách, nơi các tác giả dành nhiều năm để mang tới những câu chuyện hấp dẫn