Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tấm lòng của cha

Người cha luôn yêu thương những đứa con bằng một thứ tình cảm thầm lặng. Dù không nói ra, nhưng cha luôn quan tâm, lo lắng cho các con, mong chúng luôn được bình an, yên ấm.

Nha luc dong luc vang anh 1

Người cha luôn yêu thương con cái bằng tình cảm thầm lặng, ít thể hiện ra bên ngoài. Ảnh: T.T.

Tháng bảy năm đó, ba tôi từ dưới quê lên nhà tôi nghỉ hè. Nói cho sang thế, chứ thực ra là tôi ngại dắt bọn trẻ đi thăm ông ngoại, nên nài nỉ ba lên thành phố chơi với cháu, nhân tiện phụ coi ngó trong những ngày chúng nghỉ học. Chẳng nói ra, nhưng tôi hiểu ba sợ cái không gian nhà hộp chật hẹp, cảnh cả ngày thui thủi ra vào, hoặc nỗi e ngại lớn nhất chính là phiền con gái con rể.

Tôi phải dỗ dành ngon ngọt mãi, ba tôi mới đồng ý. Rằng ba cũng lớn tuổi rồi, sống một mình dưới quê hoài không tiện đâu. Lâu lâu cũng nên thay đổi không khí, lúc nào chán lại về, xe cộ giờ dễ dàng mà. Tụi nhóc nhớ ông ngoại lắm rồi, cứ nhắc mãi... Đại khái thế.

Những ngày đầu hè vui vẻ cũng qua nhanh. Con trai nhỏ của tôi, trong một lần phải nhường ông ngoại coi chương trình thời sự buổi tối, đã phụng phịu bảo: "Ông ngoại về quê đi, nhớ mai mốt đừng lên đây giành tivi với con nữa nghen!". Cả nhà cười ồ trước sự “thẳng thắn” tới mức tồ tuệch của đứa trẻ mới lên sáu.

Tôi cũng dần quen với sự hiện diện quanh quẩn của ba mình, đến mức quên cả giữ ý. Sáng, ba mở cửa cho tôi đi làm, đôi lúc vì vội vàng cáu bẳn sợ trễ giờ, tôi đã quên chào ba một tiếng lấy có. Chiều, họa hoằn về sớm, tôi thấy ba ngồi trên cái ghế nhựa thấp tè để hóng mát, trong con hẻm quá ít bóng cây để có thể gọi gió về. Lắm khi, đấy cũng chỉ là cái cớ để ba trông xem có đứa nào đi làm về hay không, thì phải.

Tôi bỗng nhớ ngày mình còn ở nhờ nhà cậu mợ để đi học. Cậu mợ đi chung xe, nên cứ cuối chiều là tôi hay ngong ngóng ra đường. Đấy chỉ là thói quen, là nỗi mơ hồ của một cô nhóc xa nhà, thèm khát chút tình cảm gia đình.

Nha luc dong luc vang anh 2

Tản văn Nhà lúc đông lúc vắng của tác giả Hoàng My. Ảnh: NXB Tổng hợp TP.HCM.

Hoặc vô thức vì trong cái túi xách thần thánh của mợ, hôm là ít quả ổi hái từ sân cơ quan, hoặc mấy tờ giấy viết tay ghi lại bài hát nhạc vàng, hay mớ bánh trái chi đó mợ mang về cho đứa cháu gái “lớn chưa đều” của mình. Rồi thì tôi cũng hiểu ra, người già sẽ dần tới đoạn giống như một đứa trẻ cô độc, mong ngóng một chỗ dựa, một chốn thân tình nhẹ nhàng...

Vậy nhưng, thi thoảng tôi vẫn bực mình cáu bẳn mắng con ầm ĩ, lý do tiền điện tháng này tăng cao quá. Con có biết là mẹ đi làm vất vả lắm không mà quên tắt máy lạnh ban ngày? Tiền bạc đâu phải lá đa dễ kiếm, mà con phung phí thế!

Tôi vô ý tới nỗi không nhận ra sau đấy, vì đâu có hôm trời đã tối mịt, mà trong nhà vẫn chưa thấy ba tôi bật đèn. Quần áo ba tôi mặc qua vẫn hay treo lại trên giá, tôi nhắc bỏ máy giặt, thì ba tôi ậm ừ. Mãi sau tôi mới hiểu, có lẽ ba tôi ngại tốn nước tốn xà bông tốn điện đây mà...

Mùa hè năm đó, tôi đôi khi tranh thủ về sớm, từ chối cuộc gặp gỡ vô bổ hay mấy buổi tiếp khách sa đà, với lý do nghe rất là đẹp đẽ “Có ông già tao chờ ở nhà”. Cũng có hôm, tôi bực dọc buông tiếng thở dài chẳng biết thật hay đùa với bạn, rằng chẳng biết khi nào ba tao mới về quê nữa, nặng gánh dễ sợ...

Dù tôi hồi ấy đơn giản là về nhà, thay bộ đồ thoải mái, ngồi chơi với con trong phòng khách có phần chật hẹp vì thêm một ông già tá túc ở đó.

Ba tôi từ chối ở trong gian phòng tôi chủ động thu xếp ở trên lầu, vì mỗi lần lên xuống mắc công. Vẫn là cậu con trai mau mồm miệng của tôi bảo rằng, tại ở trên đó thì không có ai để chơi với ông ngoại chứ sao, con biết rồi...

Nhằm lúc “làm siêng”, tôi cầm dao gọt dăm quả bơ quả táo, làm cho ba tôi ly sinh tố trái cây, cảm thấy mình cũng là cô con gái chu đáo hiếu thảo lắm, chứ đâu phải đùa!

Tôi ngày ấy hay đi công tác, tháng nào cũng vài bận kéo va-li ra cửa. Mấy dịp đầu tôi còn thông báo trước với ba, sau cứ hồn nhiên mà đi. Lần nào cũng thấy ba tôi đứng chàng ràng ở cửa, hỏi như đánh đố nhau: Con lại đi đấy à? Tôi cau mày, dặn mình kiềm chế lắm để không nhấm nhẳng nói, ở nhà hoài thì lấy gì mà ăn, bao nhiêu thứ phải chi tiêu cơ mà!

Ba tôi nay đã khuất bóng nhiều năm rồi. Gia đình tôi vẫn ở chỗ cũ, trong con hẻm chật thiếu màu xanh để mỗi chiều có thể gọi là hóng gió. Tôi giờ bỗng nhiên vẫn giữ thói quen thu xếp về sớm của mình, chỉ để rơi nước mắt mỗi khi xe vừa quành vô đầu hẻm, nhớ dáng người đàn ông tóc rụng lơ thơ, lèo khèo ngồi trên cái ghế thấp, ngong ngóng ra cửa để chờ...

Hoàng My/ NXB Tổng hợp TP.HCM

SÁCH HAY