Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tạm dừng cứu hộ 4 thuyền viên gặp nạn ở Sài Gòn

Đến 14h30, lực lượng chức năng vẫn chưa phát hiện thêm nạn nhân nào, những phương án cứu hộ rơi vào bế tắc, thời tiết tại hiện trường đang xấu dần nên cuộc tìm kiếm phải tạm dừng.

Ngày 29/10, tàu Hoàng Phúc 18 tải trọng 2.000 tấn chở 700 tấn đá cùng nhiều máy móc rời cảng Cường Hưng (huyện Long Thành, Đồng Nai). Trên tàu có 17 người, thuyền trưởng tên Sơn. 

Tối 30/10, tàu đến cửa sông Soài Rạp (tiếp giáp TP HCM - Tiền Giang) gặp sóng to, gió lớn nên tìm cách neo đậu, chờ thời tiết thuận lợi mới đi tiếp. 

Tuy nhiên, sóng lớn đánh tới tấp khiến tàu chao đảo rồi lật úp vào khoảng 20h cùng ngày. Một sà lan neo đậu gần đó phát hiện sự việc đã tới cứu được 12 nạn nhân, còn 5 người mất tích. 

Nhiều lực lượng đang tích cực cứu nạn, cứu hộ. Đến trưa 31/10, thợ lặn và lực lượng chức năng đã đưa được một thuyền viên ra ngoài.

Đến 14h30 cùng ngày, do sóng to gió lớn nên cuộc tìm kiếm buộc phải tạm dừng. Theo nhận định của cơ quan chức năng, cơ hội sống sót của 4 thuyền viên mất tích giảm dần.

Hiện trường cứu hộ tàu 2.000 tấn chìm ở Sài Gòn Khi tiếp cận hiện trường, đội cứu hộ tiến sát chiếc tàu lật úp thì có nghe tiếng gõ bên trong vọng ra. Nhà chức trách huy động người nhái đưa bình ôxy vào cho thuyền viên.
  •  

    Khoảng 20h ngày 30/10, khi đến khu vực phao số 5 luồng sông Soài Rạp, tàu cá Hoàng Phúc (2.000 tấn) chở 700 tấn đá bất ngờ bị sóng lớn đánh  chìm. Khu vực tàu cá Hoàng Phúc gặp nạn được xác định tại phao số 5, đoạn giáp ranh giữa TP HCM và Tiền Giang.

    Thời điểm gặp nạn, tàu có 16 thuyền viên. 11 người được sà lan LA 03771 ứng cứu an toàn, còn 5 nạn nhân vẫn mất tích.

  •  

    Trao đổi với Zing.vn, ông Phạm Hiển - Giám đốc Trung tâm tìm kiếm cứu nạn Hàng hải khu vực 3 (Vungtau MRCC) cho biết, vị trí tàu gặp nạn nằm trong luồng sông Soài Rạp. 

    Trung tâm đang kết hợp với Cảng vụ Hàng hải TP HCM huy động các tàu nhanh chóng đến tìm kiếm cứu nạn.

    Lực lượng cứu hộ thuộc Cảnh sát PCCC TP HCM cũng nhanh chóng đến hiện trường kết hợp với Bộ đội Biên phòng TP HCM và Vungtau MRCC tìm kiếm các nạn nhân.

  • Anh Trần Minh Sang (30 tuổi, quê Khánh Hòa), người được đưa về đồn biên phòng Long Hòa lúc 1h30 ngày 31/10 cho biết, thời điểm gặp nạn vào 19h30 ngày 30/10. Lúc này trên tàu có khoảng 16 người, thuyền trưởng tên Sơn. 

  • "Khoảng 19h30, ăn cơm xong, tôi cùng 3 anh em đứng nói chuyện thì bất ngờ đợt sóng cực mạnh đánh qua khiến tàu chao đảo mạnh rồi lật úp. Bốn người chúng tôi bị mắc kẹt trong cabin giữa trời tối đen. Lúc đó tôi nghĩ mình sẽ bỏ mạng giữa sông nước”, anh Sang nhớ lại phút hãi hùng.

  • Thuyền viên Trần Minh Sang được đưa về đồn biên phòng Long Hòa. Do toàn bộ tài sản và vật dụng mất hết, anh được lính biên phòng cho mượn áo quần mặc tạm. Ảnh: Hải An.

  • Hiện vẫn còn 5 người mất tích là anh Hải (quê Kiên Giang), Tường (31 tuổi, Hà Tĩnh), Tấn (Hà Tĩnh), Sa (Thanh Hóa), Nam (Ninh Bình).

  • Theo phóng viên Trường Nguyên, hiện Cứu hộ Cảnh sát PCCC TP HCM, Kiểm ngư, Biên phòng và hàng chục tàu cá ngư dân hoạt động quanh vùng đang tích cực tìm kiếm.

  • Tàu cứu nạn cùng hàng chục chiến sĩ đang ra hiện trường. Ảnh: Hải An. 

  •  

    Sông Soài Rạp bắt đầu từ đoạn xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè và xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ theo hướng nam đổ ra biển Đông tại cửa Soài Rạp, và là ranh giới tự nhiên giữa các huyện Cần Giờ và Nhà Bè, giữa huyện Cần Giờ và Cần Giuộc (Long An), giữa Cần Giờ và Gò Công Đông, tỉnhTiền Giang.

    Sông dài khoảng 40 km, khúc rộng nhất khoảng 3 km nằm phía hạ lưu (ranh giới giữa xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ và xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông). Khu vực tàu cá Hoàng Phúc gặp nạn được xác định tại phao số 5, đoạn giáp ranh giữa TP HCM và Tiền Giang.

  • Vị trí tàu Hoàng Phúc 18 gặp nạn trên luồng sông Soài Rạp. Ảnh: Hải An. 

  •  Đội cứu nạn đã ra đến hiện trường. Chiếc tàu 2.000 tấn gặp nạn lật úp giữa sông. Ảnh: Hải An

  • Tại hiện trường, phóng viên Hải An cho biết, chiếc tàu gặp nạn lật úp nhưng chưa chìm hẳn. Phần đáy nổi lên trên. Chưa tìm thấy các thuyền viên mất tích. Ảnh: Hải An 

  • Theo một cán bộ có trách nhiệm, đội hình các tàu sẽ chia khu vực trong khoảng 6 hải lý tính từ nơi Hoàng Phúc gặp nạn, một tàu biên phòng Cần giờ sẽ chạy rà soát bên ngoài.

  • Theo phóng viên Trường Nguyên, hiện lực lượng cứu hộ dùng dây neo tàu Hoàng Phúc 18, các người nhái chuẩn bị lặn thăm dò con tàu, tìm kiếm các thuyền viên mất tích. Ảnh: Hải An.

  • Tàu cá ngư dân hoạt động trong khu vực được huy động tìm kiếm những người mất tích. Ảnh: Hải An

  • Từ hiện trường, phóng viên Hải An cho biết, phương án cứu hộ được vạch ra là người nhái mang bình ôxy lặn xuống nước để tiếp tế cho nạn nhân bên trong. Sau đó đưa họ ra ngoài. Ảnh: Hải An.

  • Các đơn vị cứu nạn đang tiếp cận hiện trường. Ảnh: Hải An. 

  • Ngư dân Phạm Văn Thu tham gia cứu hộ cho biết bên trong con tàu có tiếng người nhưng chưa xác định được bao nhiêu nạn nhân. Các phương án cứu hộ đang được tính toán.

  • Theo phóng viên Hải An, đội người nhái đã lặn lần thứ 3 nhưng chưa tiếp cận được các nạn nhân để tiếp tế bình ô xy.

  • Đội cứu nạn đã cắt dây neo nên chiếc tàu xoay ngang. Theo nhận định của nhiều người, đến 10h, khu vực này có gió to nên gây khó khăn cho công tác cứu hộ.

  • Người nhái tên Dũng cho biết, khi lặn xuống không thể chịu được áp lực nước nên chưa tiếp cận được với nạn nhân. "Dưới đáy nước chảy khủng khiếp, áp lực rất cao nên 3 lần tôi cố gắng tiếp cận các thuyền viên nhưng chưa được", anh nói. Ảnh: Hải An.

     

  • Tàu cứu hộ của Vũng Tàu MRCC SAR 413 đã đến hiện trường cùng triển khai công tác cứu nạn. Theo chỉ huy tiền phương, lực lượng cứu nạn phải tích cực triển khai các phương án tiếp cận nạn nhân.

  •  Tàu cứu nạn SRA 413 tiếp cận hiện trường. Ảnh: Hải An

  • Đến 8h45, công tác cứu hộ vẫn chưa có chuyển biến. Các người nhái cho biết họ vẫn nghe tín hiệu cầu cứu của ít nhất 2 thuyền viên bên trong chiếc tàu. Ảnh: Hải An. 

  • Phóng viên Trường Nguyên dẫn lời ban chỉ huy cứu hộ cho biết, tại hiện trường, 3 thuyền viên đang bị mắc kẹt trong 3 khoang khác nhau. Nhà chức trách đang đưa một tàu chở khí hàn gió đá ra hiện trường để chuẩn bị phương ăn cắt tàu khi cần thiết.

  • Ban chỉ đạo cứu hộ tiền phương chỉ đạo lực lượng tại hiện trường triển khai đồng loạt tất cả phương án cùng lúc, nếu thấy phương án nào khả thi thì ưu tiên thực hiện trước.

  • Hiện các đội cứu hộ bàn phương án tiếp cận các nạn nhân. Không khí trầm lắng bao trùm. 

  • Hiện tàu Hoàng Phúc 18 đang bị sóng đánh nên rung lắc khá nhiều. Lúc 9h20, theo phóng viên Hải An, tại hiện trường, khu vực này bắt đầu có gió mạnh trở lại gây khó khăn cho công tác cứu hộ.

  • Theo Tuổi trẻ, tại Tiền Giang, sau khi nhận được tin báo, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Tiền Giang đã điều tàu BP 150401 để phối hợp với Bộ đội biên phòng TP HCM, BR-VT, Cảng vụ Vũng Tàu và Trung tâm tìm kiếm cứu nạn cứu hộ khu vực III tổ chức tìm kiếm, cứu nạn.

    Vị trí tàu bị chìm tại tọa độ 16 phút vĩ độ Bắc, 106 độ 56 phút kinh Đông, trên vùng biển Tiền Giang, cách thị trấn Vàm láng khoảng 15 hải lý.

  • Theo phóng viên Trường Nguyên, hiện nhà chức trách đã điều 1 trực thăng ra khảo sát hiện trường. Ảnh: Hải An. 

  • Phương án dùng hàn gió đá cắt thân tàu để đưa ôxy vào bên trong cho các thuyền viên không thể thực hiện. "Nếu chẳng may trúng phải khí mê-tan sẽ gây cháy nổ rất lớn", một chiến sĩ tại hiện trường cho biết.

  • Theo phóng viên Hải An, tại hiện trường có khoảng 5 tàu của biên phòng, cứu hộ hàng hải, kiểm ngư cùng nhiều tàu nhỏ của ngư dân tham gia cứu. Ai cũng sốt ruột, căng thẳng vì công tác cứu hộ gặp quá nhiều khó khăn. Nhà chức trách đang huy động thợ lặn giỏi để trợ giúp.

  • Hơn 100 người tham gia cứu hộ rất căng thẳng vì những khó khăn tại hiện trường. Ảnh: Hải An. 

  • Theo phóng viên Trường Nguyên, đến 10h cùng ngày, lực lượng cứu hộ đã cắt được một lỗ trên đáy tàu và đang tiến hành tát nước từ bên trong ra. Tuy nhiên vẫn chưa tiếp cận được các ngư dân gặp nạn.

  • Lực lượng cứu hộ đang khoan đáy tàu. Ảnh: Hải An 

  • Các thuyền viên mắc kẹt bên trong có thể di chuyển được nên họ gõ liên tục vào những vị trí khác nhau để báo hiệu cho đội cứu hộ bên ngoài.

  • Tại hiện trường, phóng viên Trường Nguyên cho biết, 8 ngư dân lặn giỏi đã đến trợ giúp. Theo ngư dân Thu, có thể xác định vị trí các nạn nhân mắc kẹt đang tập trung ở đuôi tàu, nước chảy phía trên khá mạnh nhưng phía dưới lại êm, có thể lặn được.

  • Nhiều thợ lặn giỏi đã đến hiện trường. Ảnh: Hải An 

  • Ca nô đưa các thợ lặn giỏi ra hiện trường. Ảnh: Hải An

  • Theo lực lượng cứu hộ, hiện trời rất nắng, trong khi đó bên trong khoang thuyền ít ôxy nên các thuyền viên gặp nạn sẽ nhanh xuống sức. Hiện tiếng gõ vẫn vang lên bên trong tàu gặp nạn.

  • Theo phóng viên Hải An, tình hình có khả quan, các tàu đang tiếp cận tàu gặp nạn, có thể đưa thuyền viên bất cứ lúc nào.

  • Lúc 11h20, từ lỗ khoan trên đáy tàu, nhân viên cứu hộ đã tiến hành vào bên trong khoang tàu tìm các nạn nhân mắc kẹt. Giữa nhân viên cứu hộ và thuyền viên bị kẹt đã có thể nói chuyện với nhau, đảm bảo chắc chắn nạn nhân đã an toàn. Tàu hiện ổn định, không có nguy cơ xảy ra sự cố bất ngờ.

  • Lúc 11h30, thợ lặn Thu cho biết, thuyền viên được cứu đã được đưa lên tàu SAR 413 để nhân viên y tế chăm sóc. Danh tính người này được xác định là anh Nguyễn Trung Tường. 

    Lực lượng cứu hộ đang đi đến các khoang tàu còn lại để tìm người mắc kẹt.

  • Các thợ lặn tiếp tục xuống biển tìm 2 nạn nhân còn lại. Ảnh: Hải An 

  • Ngư dân Nguyễn Minh Luân kể khi lặn vào tàu lần đầu thì gặp được thuyền viên Tường đang đu bám trên cầu thang, người hoàn toàn khô ráo nhưng kiệt sức và hoảng sợ. 

    Thời điểm này do không đủ thiết bị nên anh Tuấn và anh Luân lặn trở ra lấy thêm thiết bị lặn vào và đưa người bị nạn ra ngoài.

  • Lúc 12h, sau khi cứu được thuyền viên đầu tiên, chiến sĩ cứu hộ tên Luân lặn trở vào lại các phòng thì thấy một số phòng ngập nước, nhiều quần áo vật dụng trôi nổi nhưng chưa thấy thêm người nào.

  •  

    Phóng viên Hải An tường thuật tại hiện trường tài chìm trên biển

  • 12h30, nhiều thợ lặn tiếp tục ra hiện trường tìm kiếm người mất tích. Ảnh: Hải An

  • Theo phóng viên Trường Nguyên, lúc 12h45, các thợ lặn đã tìm hết những nơi có thể trong con tàu lật, nhưng chưa phát hiện được người nào nên phương án lặn tìm được tạm ngưng. Lực lượng cứu hộ sẽ cắt thêm một lỗ thủng trên đáy tàu để nhanh chóng thoát nước ra ngoài.

  • Nhân viên cứu hộ tên Sơn bị thương khi mang thiết bị cứu hộ từ tàu biên phòng nhảy xuống tàu Hoàng Phúc gặp nạn. Trong ảnh: Lực lượng cứu hộ vừa cắt thêm một lỗ trên đáy tàu để thoát nước. Ảnh: Hải An

     

  • Ông Nguyễn Đình Việt - Phó Cục trưởng cụ Hàng hải VN có mặt tại hiện trường cho biết, theo lời kể các thuyền viên được cứu tối 30/10, họ trông thấy 4 người đang mất tích đã nhảy ra khỏi tàu nên có khả năng bên trong không còn ai nữa. 

    Tuy nhiên lực lượng sẽ tìm kiếm đến khi nào chắc chắn không còn ai trong tàu. Thời gian cứu hộ có thể diễn ra đến khi trời tối (trước 18h) nếu điều kiện thời tiết thuận lợi.

  • Theo phóng viên Trường Nguyên, lực lượng cứu hộ đang đưa các loại ống hút bớt nước ra ngoài để tiếp tục tìm kiếm. Các cơ quan chức năng chưa cắt lớp 2 của đáy tàu vì sợ tàu chìm nhanh. 

  • 14h, tại hiện trường, các phương án cứu hộ bế tắc, thời tiết càng ngày càng xấu, sóng bắt đầu mạnh hơn. Các đơn vị chức năng gặp khó khăn trong công tác cắt đáy thuyền để đưa dưỡng khí vào bên trong vì kết cấu của tàu phức tạp.

    Các thợ lặn cũng cho biết họ đã tìm khắp các khoang tàu nhưng không thấy thêm nạn nhân nào nữa. Họ cũng không nghe tiếng gõ từ bên trong vọng ra.

  • Tạm ngưng công tác cứu hộ

    Do điều kiện thời tiết phức tạp, gió mạnh nên công tác cứu hộ đã tạm ngưng. Các lực lượng đang rút về đất liền, chỉ có nhóm nhỏ ở lại nắm tình hình vụ việc. Dự kiến sáng mai mới tiếp tục công tác cứu hộ.

  • Trao đổi với Zing.vn, thiếu tá Lê Văn Hưng - Phó đồn trưởng đồn biên phòng Long Hòa cho biết, hiện trường đang sóng to gió mạnh nhưng công tác cứu hộ vẫn còn tiếp tục, cố định tàu không cho trôi đi. Một nhóm chiến sĩ được đưa ra bảo vệ hiện trường. 

    Tuy nhiên, theo phóng viên Hải An có mặt tại khu vực tàu Hoàng Phúc 18 gặp nạn, các lực lượng cứu hộ đang rút dần về đất liền do thời tiết xấu, phải tạm ngưng tìm kiếm vì có thể nguy hiểm cho thợ lặn.

  • Danh sách các thuyền viên trên tàu Hoàng Phúc

    1/ Nguyễn Hồng Sơn (quê Nam Định) 

    2/ Trần Văn Hương - máy trưởng (Bà Rịa-Vũng Tàu) 

    3/ Đỗ Văn Mạnh - thuyền viên (Nam Định) 

    4/ Lý Công Cường - thuyền viên (Thanh Hóa) 

    5/ Nguyễn Đức Kỳ - thuyền viên (Đồng Tháp) 

    6/ Võ Công Hùng - thuyền viên (Hà Tĩnh) 

    7/ Hồ Hoài Nam - thuyền viên (Khánh Hòa) 

    8/ Nguyễn Văn Hải - thuyền viên (Ninh Bình) 

    9/ Nguyễn Thanh Bình – thuyền viên (Khánh Hòa) 

    10/ Đinh Văn Chương - thuyền viên (Nam Định) 

    (các nạn nhân này sau khi được cứu nạn đã đưa về Cảng vụ hàng hải Bà Rịa - Vũng tàu) 

    11/ Trần Minh Sang - thuyền viên (Khánh Hòa) 

    12/ Hoàng Văn Biên - thuyền viên (Hà Tĩnh) 

    13/ Hoàng Trung Tường - thuyền viên (Hà Tĩnh, vừa được cứu trưa nay, đang ở trên tàu SAR 413). 

    Bốn người đang mất tích

    1/ Phan Anh Tấn - chủ tàu (Hà Tĩnh) 

    2/ Nguyễn Văn Sa - thuyền viên (Khánh Hòa) 

    3/ Thuyền viên tên Hải (Kiên Giang) 

    4/ Thuyền viên tên Quảng (Ninh Bình)

Trường Nguyên - Hải An - Trương Khởi

Bạn có thể quan tâm