4 vụ chìm tàu thảm khốc nhất ở Việt Nam
Sự cố chìm tàu ở Cần Giờ lấy đi mạng sống của 9 người đang gây xôn xao dư luận. Tuy nhiên, nhìn lại trong 5 năm thì đây chưa phải là vụ tai nạn đường thủy nghiêm trọng nhất.
Sinh nhật tang thương cướp mạng 16 người
Nhân dịp sinh nhật lần thứ 3 của con trai tên Quách Hồng Đạt, ngày 20/5/2011, ông Quách Lương Tài (Giám đốc công ty Lan Anh, chuyên sản xuất thiết bị bếp gas đóng tại phường An Phú, thị xã Thuận An, Bình Dương) cùng với vợ mời một số người bạn thân tín tới dự tại khu du lịch xanh Dìn Ký (thuộc xã Bình Nhâm, thị xã Thuận An).
Tàu Dìn Ký bị chìm, cướp đi mạng sống của 16 người. |
Sau đó, đoàn khoảng hơn 30 người đã lên tàu 2 tầng của khu du lịch Dìn Ký di chuyển chậm trên sông Sài Gòn thì bất ngờ trời mưa to kèm gió lớn.
Quay đầu về bến cách bờ chừng 100m tàu bất ngờ chao đảo, lật ngang khiến nhiều người bị chìm xuống sông. Ngay sau khi xảy ra tai nạn, lực lượng công an Bình Dương đến hiện trường. Nhiều thợ lặn được huy động cùng xe cứu thương, xe chữa cháy đến cứu hộ. Đến 23h cùng ngày, lực lượng cứu hộ tìm thấy tàu.
Sau đó, lực lượng bộ đội công binh, lực lượng của Cảng vụ Sài gòn, đơn vị cảnh sát đường thủy tỉnh Bình Dương… vào cuộc, phối hợp tìm nạn nhân mất tích. Lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy huy động hàng chục thợ lặn chuyên nghiệp xuống sông Sài Gòn tìm kiếm.
Vụ tai nạn thương tâm trên đã cướp đi mạng sống của 16 người trên tàu. Thương tâm hơn, buổi sinh nhật 3 tuổi cũng là buổi sinh nhật cuối cùng của bé Quách Hồng Đạt. Sau vụ đắm tàu, cơ quan điều tra đã làm rõ tàu BD 0913 bị đắm đã hết hạn kiểm định vào ngày 28/1/2011.
Tàu chở dầu lật úp khi gặp bão, 14 thủy thủ thiệt mạng
Khoảng 22h30 ngày 2/3/2008, tàu Đức Trí, thuộc công ty TNHH Vận tải biển Đức Trí, chở khoảng 1.700 tấn dầu FO hành trình từ TP.HCM đến Đà Nẵng thì gặp tai nạn và bị lật úp tại vùng biển Nam Bình Thuận.
Xác tàu trôi dạt và được phát hiện tại tọa độ 10o29’7N; 107o47’42E, cách thị xã Lagi, Bình Thuận khoảng 9 hải lý về hướng Đông Nam. Tai nạn đã cướp đi mạng sống của 14 người, làm bị thương một người.
Nguyên nhân của vụ tai nạn được xác định là khi tàu hành trình đến khu vực có thời tiết xấu, sóng to gió lớn đến cấp 7, thuyền trưởng tàu đã không hiểu hết tính năng kỹ thuật của tàu dẫn đến hành động xử lý không phù hợp khiến tàu bị lật úp.
Do tàu bị lật úp đột ngột nên có đến 7 người không kịp thoát ra ngoài, 7 người còn lại thoát ra được nhưng đều bị kiệt sức và thiệt mạng sau đó, chỉ một người may mắn sống sót nhờ ngư dân cứu.
Đắm tàu trên Vịnh Hạ Long, 12 người chết
Vào ngày 16/2/2011, tàu Trường Hải 06 BKS: QN-5198 do Nguyễn Văn Minh (thuyền trưởng) và Đỗ Văn Thắng (máy trưởng) và 3 nhân viên chở 21 khách (19 khách người nước ngoài, 1 hướng dẫn viên và 1 khách là người Việt Nam) đi du lịch trên Vịnh Hạ Long, Quảng Ninh.
Cứu hộ vụ chìm tàu ở Vịnh Hạ Long. |
Đến 17h cùng ngày, Minh cho tàu neo đậu tại điểm lưu trú số 587, thuộc khu vực đảo Ti-Tốp để khách du lịch bơi thuyền. Cùng lúc, Đỗ Văn Thắng tắt máy tàu, nhưng không đóng các van ống thông sông. Việc này dẫn đến nước biển đi vào theo đường ống thông sông đến đường ống bơm chung, làm cho đường ống bơm chung bị bật mối nối, nước biển theo đường ống thông sông từ từ chảy vào trong khoang máy.
Đến khoảng 18h30, các du khách trở về tàu ăn tối, nghỉ ngơi, phát hiện tàu có hiện tượng bị nghiêng. Có ý kiến phản ánh của du khách nhưng Nguyễn Văn Minh không phân công người trực ca trên tàu theo quy định, nên không có ai tiếp nhận ý kiến của du khách để xem xét, xử lý.
Đến khoảng 5h ngày 17/2, tàu Trường Hải 06 bị nước biển tràn vào, ngập toàn bộ khoang máy, làm tàu đắm ngay tại chỗ. Minh, Thắng và 3 nhân viên phục vụ cùng 9 khách du lịch có quốc tịch nước ngoài thoát nạn, 12 khách du lịch tử vong (trong đó có 1 hướng dẫn viên du lịch và 1 khách người Việt Nam).
Sau sự có trên, TAND tỉnh Quảng Ninh đã xử phạt Nguyễn Văn Minh 10 năm tù, Đỗ Văn Thắng 8 năm tù về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thuỷ”.
Chìm tàu tại Cần Giờ, 30 người trôi dạt, 9 người chết đuối
Khoảng 21h ngày 2/8, khi đang trên hành trình từ Gò Công Đông (Tiền Giang) về Vũng Tàu, ca nô H29-BP chở theo 30 người đã bất ngờ bị chìm tại vịnh Gành Rái, cách TP.HCM khoảng 4 hải lý và cách Vũng Tàu khoảng 10 hải lý.
Chiếc ca nô bị chìm đã được lai dắt vào bờ. |
Vụ tai nạn khiến 30 người trên tàu trôi dạt trên biển trong điều kiện thời tiết xấu (gió thổi mạnh, sóng cao). Lực lượng cứu hộ sau đó cứu được 21 người, trong đó có 2 người nước ngoài.
Tính đến 12h ngày 5/8, 9 thi thể nạn nhân trong vụ lật tàu nghiêm trọng tài vùng biển huyện Cần Giờ - TP.HCM đã được tìm thấy.
Thông tin ban đầu, ca nô bị chìm do công ty CP Công nghệ Việt - Séc (TP Vũng Tàu) chế tạo và đóng mới và bàn giao cho Bộ đội Biên phòng tỉnh BR-VT ngày 11/6/2013.
Sau gần một tháng sử dụng, do máy móc bị hư hỏng, ngày 9/7, Bộ đội Biên phòng tỉnh BR-VT đã trả lại cho công ty CP Công nghệ Việt – Séc sửa chữa. Thế nhưng, không hiểu vì sao, trong thời gian này, ca nô vẫn được dùng để chở người và xảy ra tai nạn thương tâm.
Theo Pháp Luật Việt Nam