Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tâm điểm của cuộc chiến chống làn sóng Covid-19 mới ở nhiều nước

Giới chức nhiều nước đang áp đặt những hạn chế mới với người chưa tiêm phòng Covid-19, trong bối cảnh hàng loạt quốc gia vật lộn để tăng tỷ lệ bao phủ vaccine vì số ca mắc tăng.

Tại nhiều quốc gia, trong đó có châu Âu, cơn ác mộng Covid-19 đang quay trở lại. Hệ thống chăm sóc sức khỏe của nhiều nước phải đối mặt với làn sóng dịch bệnh mới xuất phát từ những người không tiêm vaccine, theo Axios.

Theo nghiên cứu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), người chưa tiêm phòng có nguy cơ mắc Covid-19 cao hơn 5 lần so với những ai đã chủng ngừa, cùng với khả năng tử vong cao gấp 10 lần.

Bloomberg đã so sánh Đan Mạch và Bulgaria - hai quốc gia có số dân gần như tương đồng - với tỷ lệ dân số tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19 lần lượt là 75,8% và 22,6%. Cả hai quốc gia đều báo cáo hàng nghìn trường hợp mắc mới mỗi ngày, nhưng số bệnh nhân nhập viện ở Bulgaria là khoảng 4.000, so với vài trăm ở Đan Mạch.

Và cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi tỷ lệ tử vong của Đan Mạch chỉ bằng một phần nhỏ của Bulgaria.

Vì vậy, nhằm nỗ lực thúc đẩy thêm nhiều người đi tiêm vaccine để tránh kịch bản tồi tệ nhất xảy tới, các quốc gia đã ban hành những chính sách và hạn chế dành cho đối tượng không có ý định đi tiêm phòng.

Tự thanh toán viện phí

Bloomberg đưa tin chính phủ Singapore trong tuần này đã có một bước đi táo bạo khi thông báo họ sẽ ngừng chi trả hóa đơn y tế cho những người lựa chọn không tiêm chủng nếu họ mắc Covid-19, bắt đầu từ ngày 8/12.

Singapore từ trước đến nay trả toàn bộ viện phí điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Trung bình, một người mắc Covid-19 vào phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) và điều trị trong bệnh viện tại Singapore tiêu tốn khoảng 18.460 USD.

quy dinh cho nguoi chua tiem chung anh 1

Một người cao tuổi đợi tới lượt tiêm vaccine ở Singapore hồi đầu tháng 9. Ảnh: Bloomberg.

"Bệnh viện không muốn thanh toán cho những bệnh nhân này nữa. Chúng tôi gửi đi tín hiệu quan trọng để kêu gọi mọi người đi tiêm phòng nếu đủ điều kiện”, Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung cho biết trong một cuộc họp báo 8/11.

Ở một quốc gia có 85% dân số đã được tiêm chủng đầy đủ, chính phủ cho biết bệnh nhân chưa chủng ngừa chiếm phần lớn số ca mắc cần chuyển tới ICU, gia tăng sức ép cho nguồn lực chăm sóc sức khỏe của Singapore.

Hạn chế dịch vụ và hoạt động

Trong chuyến đi tới Bregenz ở miền Tây nước Áo vào hôm 11/11, Thủ tướng Alexander Schallenberg nói rằng việc “phong tỏa” dành riêng cho những người chưa tiêm chủng là không thể tránh khỏi, AP đưa tin. Đối tượng này có thể phải đối mặt với một mùa đông và lễ Giáng sinh “không mấy dễ chịu”, ông nói.

Trước đó, thủ tướng cũng từng cảnh báo những người lựa chọn không tiêm vaccine có thể phải đối mặt với hạn chế nghiêm ngặt hơn nếu số ca mắc tiếp tục tăng. Hôm 11/11, Áo ghi nhận trung bình 760,6 trường hợp trên 100.000 người trong 7 ngày vừa qua - gấp 3 lần nước láng giềng Đức - nơi cũng đang ghi nhận nhiều con số đáng báo động.

Trong những tuần gần đây, Áo đã thực hiện một loạt các biện pháp trong nỗ lực hạn chế sự lây lan của Covid-19 và khuyến khích nhiều người đi tiêm chủng. Vào ngày 8/11, quy định mới có hiệu lực, trong đó cấm người không chủng ngừa vào nhà hàng, khách sạn, tiệm làm tóc và sự kiện công cộng đông người.

Hiện 63,8% dân số Áo đã nhận đủ liều vaccine theo khuyến cáo.

Tương tự tại Đức, từ ngày 15/11, thủ đô Berlin sẽ siết chặt các quy định với những người chưa tiêm chủng bằng cách từ chối họ ăn trong nhà, vào quán bar, phòng tập thể dục và tiệm làm tóc.

Quy định mới không áp dụng với nhà hát, bảo tàng và sự kiện ngoài trời với hơn 2.000 người tham dự.

Trẻ vị thành niên và những người không thể tiêm vaccine bởi lý do sức khỏe sẽ không bị ảnh hưởng bởi các hạn chế mới. Nhóm này sẽ cần trình giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19.

Chính quyền cũng khuyến khích các công ty yêu cầu nhân viên làm việc tại nhà và giới hạn 50% người đến văn phòng.

quy dinh cho nguoi chua tiem chung anh 2

Trung tâm tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 ở Munich hôm 11/11. Ảnh: AFP.

Động thái này được đưa ra nhằm đối phó với "số ca nhiễm virus corona gia tăng và áp lực lớn đối với đơn vị chăm sóc đặc biệt". Một số bệnh viện đã bắt đầu hoãn lại các ca phẫu thuật chưa khẩn cấp để chăm sóc cho bệnh nhân Covid-19.

Số ca mắc gia tăng được cho là do tỷ lệ tiêm chủng tương đối thấp của Đức, với chỉ hơn 67% dân số nhận đủ liều. Theo Viện Robert Koch (RKI), quốc gia này ghi nhận thêm kỷ lục hơn 40.000 trường hợp vào ngày 11/11.

Giới chức bang New South Wales của Australia mới đây cũng đưa ra một loạt quy định mới với người chưa tiêm chủng.

Với người từ 16 tuổi trở lên chưa nhận đủ liều hoặc không đi tiêm, họ sẽ không được phép đến thăm nơi ở của người khác, trừ một số trường hợp nhất định. Đối tượng này cũng không thể tới phòng tập thể dục hay cơ sở giải trí trong nhà, hồ bơi, thư viện, bảo tàng, cơ sở làm đẹp và ăn uống tại chỗ.

Hoạt động mua sắm của nhóm này bị giới hạn tại các cơ sở bán lẻ đồ dùng thiết yếu, ví dụ như siêu thị, cửa hàng tạp hóa, tiệm bánh.

Người sử dụng lao động cũng phải yêu cầu người chưa tiêm phòng đầy đủ làm việc tại nhà, trừ một số trường hợp nhất định. Những người làm trong lĩnh vực như nhân viên chăm sóc sức khỏe, người già, người khuyết tật, trẻ em hay nhân viên sân bay được yêu cầu phải tiêm chủng đầy đủ trước khi tiếp tục công việc.

Bức tranh đại dịch 'tách đôi' ở châu Âu

Châu Âu đang chia thành 2 nửa trong cuộc chiến chống Covid-19: Các nước phía tây kiềm chế sự chủ quan từ thành công ban đầu, còn phía đông vật lộn bởi vấn đề do dự tiêm vaccine.

Liên minh châu Âu 'bật đèn xanh' cho vaccine Valneva

Cổ phiếu của Valneva tăng hơn 20% hôm 10/11 sau khi hãng dược Pháp đạt được sự phê duyệt của Ủy ban châu Âu cho thỏa thuận cung cấp hơn 60 triệu liều vaccine Covid-19 trong 2 năm.

Phương Linh

Bạn có thể quan tâm