Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tấm áo đông bàng bạc của Hà Nội

Trong cái lạnh se sắt, thành phố bỗng thay màu áo mới. Tấm áo của mùa đông bàng bạc, trầm trầm hơn một chút. Trong từng cơn gió đông, cái thâm nghiêm cổ kính càng hiện rõ.

Lang thang Ha Noi anh 1

Hà Nội ngày đông trong màn sương bạc. Ảnh: PLĐS.

Những cây xà cừ, sấu, long não, cả liễu bên hồ vẫn cứ xanh óng mượt mà như người lơ đãng, chẳng chịu nghe tin gió mùa đông bắc để chuẩn bị khăn áo cho mình. Đã qua nước rươi cuối mùa, hết người bán chim ngói trong đường phố. Đã qua ngày hồ Gươm dềnh lên đầy sóng để mây soi mình trước khi lãng du vào xứ nóng phương Nam.

Chỉ ít cây cơm nguội là mẫn cảm cùng gió lạnh lùa qua, thứ gió không nhìn thấy nhưng cảm thấy, mấy cây đứng lẻ trước cửa UBND Thành phố đã thả từng trận lá vàng như rắc cái rét đầu tiên, đầu mùa vào lòng người, để khi đồng loạt tơi bời “Vàng bay mấy lá năm hồ hết” (thơ Tản Đà) thì mấy chàng gốc mốc cành nghiêng này đã vội vàng nhú ra những mầm lộc nõn màu đồng điếu trước bao kinh ngạc mắt người qua.

Mùa xuân đẹp trên má hồng thanh nữ. Mùa hè tràn trề sinh lực qua lần áo mỏng hồng da thịt. Mùa thu hóa thân vào tranh thủy mặc… pha một chút bâng khuâng tình ái… thì mùa đông Hà Nội lại đẹp về muôn hồng nghìn sắc.

Đó là những bông hoa di động, biết nói cười, biết phô bày ra hết những rực rỡ của lễ hội thời trang; từ tấm khăn voan mỏng hơn gió, đôi tất đúng màu da chân nõn mê mẩn, đến những tấm áo len, áo khoác, áo choàng, thứ chẽn cái lưng con tò vò thắt đáy, thứ bay tung tà xanh đỏ như buồm lộng gió mỗi bước đi, có màu đỏ như ngọn lửa cháy ở ngã tư này, thoắt đã vút vào ngã tư kia.

Lang thang Ha Noi anh 2

Tập tản văn Thú lang thang người Hà Nội của nhà văn Băng Sơn. Ảnh: H.H.

Hình như Hà Nội không chỉ mặc cho ấm, quần áo không là vật che thân thể đơn thuần, mà mỗi người con gái ấy đều như từ trong tranh bước ra, không đâu có cách ăn mặc kiêu sang, thanh thoát, bay bổng như Hà Nội, dù thứ hàng đắt giá hay rẻ tiền.

Từ một kiểu xanh lơ nhí nhảnh học trò ngây thơ đến một màu xám đăm đăm chiêu chiêu tư lự… Từ một tràn trề căng mọng sức đương thì bất cần đến xụ xị len dạ… Từ một tấm khăn tang hai dải màu đen (lạy trời, tha cho tội bất kính này) làm nổi hồng sắc má, làm cho tóc thêm bồng bềnh và tấm lưng thon thêm yểu điệu… đến khuôn ngực hồi xuân như hai núi lửa…

Người Hà Nội hình như đã đón mùa đông từ lúc khỏa mái chèo đưa con thuyền périssoire vào hoàng hôn đỏ rực hồ Tây và ăn kem trên sân lộ thiên nhà Thủy Tạ.

Càng không phải thứ áo quần len dạ cất đáy hòm từ mùa đông năm trước còn hăng mùi băng phiến mà hình như những thứ quần áo ấy, trăm nghìn váy ngắn, váy lửng, váy dài vừa được hoàn thành đường kim cuối cùng trong những nhà tạo mốt, nổi danh hoặc vô danh…

Ít thấy màu da xanh tái, rét run vì có bao thứ phấn son bắt cái rét tàng hình, khuất vào phía trong, để lan tỏa bốn bề tài trang điểm có khi mất hàng giờ trước gương.

Khế chua đã chín. Hành củ đã đầy các chợ. Mùi ta như tơ rối, lá như đồng tiền có khe, có kẽ đã xuất hiện, cà chua hồng nhìn mà muốn lau qua, ngốn ngấu ứa nước ngọt giữa hai hàm răng…

Những bữa mắm rươi làm từ mùa rươi trước, mắm tôm đồng riu thơm phức thính, đỏ au bên cạnh xà lách mát rượi, trắng ngần cùng màu vàng gừng già, màu nõn của hành tái và vàng mọng những ngôi sao khế chua cắt ngang. Đương nhiên còn đĩa thịt ba chỉ mà thớ nạc dệt vào khổ mỡ như một thứ thổ cẩm đồng bằng…

Món mắm rất ư là Hà Nội là món mùa đông. Chuối trứng quốc thơm lừng như từ tranh tĩnh vật màu nước, màu dầu bước ra để tráng miệng.

[…]

Băng Sơn/ Huy Hoàng Books

SÁCH HAY