Fatima Rajabi, năm nay 23 tuổi, được đào tạo trở thành sĩ quan cảnh sát phục vụ cho chính phủ Afghanistan. Đầu tháng 7, khi trên đường trở về nhà ở quận Jaghori, nữ sĩ quan 23 tuổi bị các tay súng Taliban kéo ra khỏi chiếc xe bus tư nhân. Sau hơn 2 tuần giam giữ, Taliban hành quyết Fatima, thi thể cô được gửi về cho gia đình như một thông điệp hăm dọa, theo New York Times.
Bị hành quyết bằng 8 phát đạn
"Em gái tôi bị bắn 8 phát đạn. Khi chúng tôi mở quan tài, tay con bé ở phía sau, cả hai tay, cứng ngắc. Có thể thấy là chúng đã trói tay em tôi và chỉ tháo dây sau khi thi thể được cho vào quan tài", Samiullah Rajabi, anh trai của nạn nhân, nói.
Samiullah cho biết nữ sĩ quan 23 tuổi thường trở về nhà mà không thông báo trước, để giảm nguy cơ bị bắt cóc. Gia đình chỉ biết cô gái bị Taliban bắt giữ 5 ngày sau khi vụ việc xảy ra.
Nhà chức trách địa phương cho biết Taliban sử dụng Fatima nhằm gây sức ép cho thủ lĩnh các bộ lạc, cũng như chính quyền địa phương, giải quyết một số vấn đề gai góc. Quan chức này cho biết Taliban đang đòi chính quyền địa phương chia sẻ thuế thu được tại khu vực này.
"Taliban tức giận bởi các thủ lĩnh địa phương không nộp thuế thu được lại cho chúng, dù chúng đã nhiều lần thông báo", Mohamad Ayub Bahonar, quan chức quận Jaghori, cho biết.
Các thành viên Taliban. Ảnh: Reuters. |
Bà Mariam Akbari, mẹ của Fatima năm nay ở tuổi 70, đã phải đi tới khu vực nơi Taliban giam giữ cô gái để cầu xin nhóm phiến quân tại đây thả con gái mình. Các tay súng Taliban ra điều kiện bà Mariam đưa 15 thủ lĩnh địa phương tới để chúng có thể đàm phán, điều nằm ngoài khả năng của người mẹ mất con.
"Tôi tới và cầu xin, tôi quỳ xuống dưới chân chúng, cầu xin cho con gái tôi có thể còn sống sót trở về nhà. Chúng bảo rằng chúng tôn trọng tôi vì tôi đã già, nhưng đừng quay trở lại", bà Mariam nói.
Khoảng 10 năm trước, bà Mariam đã mất một người con trai, cũng là sĩ quan cảnh sát, trong một cuộc tấn công của Taliban. Một người con trai khác của bà từ lâu đã rời khỏi Afghanistan, hiện sống tại Iran và không thường liên lạc với gia đình. Người con còn lại hiện sống với bà nhưng không có khả năng lao động do bị bệnh tim.
"Tôi thực sự rất yêu thương con gái mình. Vì nghèo đói nên con bé đã gia nhập cảnh sát. Con bé là người duy nhất tạo ra thu nhập cho gia đình", bà Mariam nói.
Thời gian qua, lực lượng Taliban đã gia tăng đe dọa các đường cao tốc, đại lộ khắp Afghanistan. Lực lượng này đánh thuế đối với các phương tiện giao thông thương mại, đồng thời tìm kiếm trên các xe khách, xe taxi bất cứ ai bị nghi làm việc với chính phủ.
Jaghori, khu vực nơi Fatima bị bắt cóc khi trên đường trở về nhà, từ lâu được coi là một trong những địa bàn an toàn nhất tại khu vực sinh sống của nhóm bộ lạc Hazara. Năm 2018, Taliban chiếm quyền kiểm soát Jaghori sau một chiến dịch quân sự, nhưng nhanh chóng bị đẩy lùi.
Cuộc chiến chết chóc nhất với dân thường
Hôm 27/7, trong một báo cáo được công bố, Liên Hợp Quốc bày tỏ lo ngại đặc biệt về tình trạng các vụ bắt cóc và hành quyết do Taliban tiến hành ngày một gia tăng. Theo thống kê của Liên Hợp Quốc, thương vong cho dân thường liên quan tới các vụ bắt cóc đã tăng gấp 5 lần trong năm qua.
Gần 1.300 người đã bị giết, gần 2.200 người đã bị thương trong 6 tháng đầu năm 2020, báo cáo của Liên Hợp Quốc cho biết. Trong số đó, 43% thương vong của dân thường gây ra bởi các hoạt động của Taliban. Lực lượng chính phủ Afghanistan chịu trách nhiệm cho 23% số thương vong của dân thường.
Tình trạng bạo lực từ lực lượng Taliban đang ngày càng đẫm máu hơn, khi số người chết trong các cuộc tấn công của tổ chức này đã tăng 33% so với năm 2019. Phụ nữ và trẻ em chiếm tới 40% tổng số trường hợp tử vong hoặc bị thương, báo cáo của Liên Hợp Quốc cho biết.
"Thực tế vẫn cho thấy Afghanistan tiếp tục xảy ra những cuộc xung đột thuộc hàng chết chóc nhất đối với dân thường. Mỗi năm, hàng nghìn dân thường bị giết và bị thương, bị bắt cóc, mất nhà cửa, bị đe dọa bởi các bên tham chiến tại Afghanistan", báo cáo cho biết.
Theo thống kê của Liên Hợp Quốc, việc Mỹ giảm quy mô các cuộc không kích, cũng như chi nhánh của IS bị tiêu diệt, đã giúp phần nào giảm nhẹ tình trạng thương vong trong cuộc chiến tại Afghanistan.
Biểu tình phản đối bạo lực đối với dân thường bên ngoài trụ sở Liên Hợp Quốc ở Herat, Afghanistan. Ảnh: New York Times. |
Với việc một thỏa thuận rút quân đã được ký vào tháng 2 vừa qua, Mỹ hầu như không còn tiến hành các cuộc không kích, trừ một số trường hợp khẩn cấp khi lực lượng chính phủ Afghanistan có nguy cơ bị tiêu diệt.
Dù Mỹ đã giảm hiện diện quân sự tại Afghanistan xuống còn 8.600 binh sĩ và sẽ hoàn toàn rời khỏi quốc gia châu Á vào năm 2021, các thành tố khác trong hiệp định rút quân, chủ yếu là đàm phán trực tiếp giữa các phe phái Afghanistan về chia sẻ quyền lực vẫn đang bế tắc, trong bối cảnh bạo lực leo thang.
"Hiện thực thảm khốc là các cuộc tấn công vẫn tiếp diễn, gây ra thương vong tồi tệ cho dân thường mỗi ngày", Deborah Lyons, đại diện đặc biệt của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc ở Afghanistan, cho biết.