Trước đó, Taliban đã cảnh báo việc kéo dài thời gian di tản sẽ dẫn đến hậu quả, và rằng lực lượng này có thể khiến cuộc sống của người phương Tây "cực kỳ khó khăn".
"Những hậu quả này có thể rất khác nhau, từ ngăn cản người tới sân bay cho tới hành động quân sự khiến sân bay phải đóng cửa. Như thế tất cả sẽ đều khốn đốn", Bộ trưởng Wallace nói, theo Guardian.
Trong bối cảnh hạn chót 31/8 đang đến gần, ông Wallace cho biết tình hình tại sân bay sẽ ngày càng nguy hiểm hơn.
"Rủi ro an ninh sẽ ngày càng lớn. Các nhóm chi nhánh, các tổ chức khủng bố khác như IS có thể sẽ tấn công nhằm đuổi phương Tây khỏi sân bay để gây tiếng vang. Chúng tôi rất lo ngại rằng tất cả chúng ta đều dễ bị tổn thương nếu các tổ chức khủng bố có ý định làm gì đó", ông Wallace nói.
Khoảng 8.500 người đã được di tản khỏi Afghanistan chỉ riêng bởi các máy bay của Anh từ ngày 13/8. Riêng trong 2 ngày qua, khoảng 2.000 người đã được di tản.
Binh sĩ NATO duy trì an ninh bên trong sân bay Kabul. Ảnh: AFP. |
Lúc này, Mỹ và Taliban là hai bên có tiếng nói nhất trong việc duy trì hoạt động của sân bay Kabul. Tuy nhiên, Washington chưa tỏ rõ thái độ về khả năng kéo dài thời gian chiến dịch di tản.
Hôm 23/8, Giám đốc CIA William Burns đã bí mật gặp Abdul Ghani Baradar, trưởng văn phòng chính trị đồng thời là phó thủ lĩnh Taliban. CIA từ chối bình luận về cuộc gặp, nhưng nhiều khả năng hai bên thảo luận về thời hạn chót chiến dịch di tản tại sân bay Kabul.
Chính quyền Tổng thống Biden hiện đứng trước sức ép từ các đồng minh NATO, yêu cầu lực lượng Mỹ duy trì hiện diện tại Afghanistan sau ngày 31/8, nhằm hỗ trợ di tản hàng nghìn công dân phương Tây và cộng tác viên Afghanistan còn đang kẹt lại.
Pháp, Anh và Đức cho biết chiến dịch không vận sẽ không thể tiếp tục nếu Mỹ rút đi, bởi các nước châu Âu không đủ năng lực bảo đảm an ninh và vận hành sân bay Kabul.