Từ đầu đến chân phủ kín bởi bụi than, hàng chục người đàn ông và trẻ em trai ra vào tấp nập các mỏ ở một ngọn núi tại miền Bắc Afghanistan.
Tại khu mỏ ở tỉnh Baghlan, những trẻ em từ 8 tuổi đã phải đi làm thuê. Các em chất than lên lừa để lừa chở tới xe tải có lộ trình đến Kabul. Những đứa trẻ làm việc trong hoàn cảnh không có máy móc hay thiết bị bảo hộ.
“Thật may mắn cho Taliban khi giá than ngay lập tức tăng lên sau khi họ tới tiếp quản”, Malang - một người đàn ông 60 tuổi chịu trách nhiệm chất than lên xe tải - cho biết.
Khi giá hàng hóa toàn cầu tăng vọt do chiến sự Ukraine và chuỗi cung ứng gián đoạn vì Covid-19, hoạt động kinh doanh tại các mỏ than của Afghanistan bùng nổ.
Điều này đã đem lại cho Taliban nguồn thu quan trọng, khi lực lượng này đang tìm cách hồi sinh nền kinh tế sụp đổ vì bị cộng đồng quốc tế cô lập và trừng phạt.
Hoạt động kinh doanh than bùng nổ
Kể từ khi NATO rút quân và Taliban lật đổ chính phủ do phương Tây hậu thuẫn, nền kinh tế Afghanistan rơi vào khủng hoảng. Tăng trưởng kinh tế suy giảm ít nhất 20% vào năm ngoái do viện trợ kinh tế - vốn chiếm 3/4 ngân sách chính phủ - bị tạm dừng, trong khi 9 tỷ USD dự trữ ngoại hối bị đóng băng.
Để khởi động lại nền kinh tế, Taliban tích cực tăng cường xuất khẩu than, gạt sang một bên những lo ngại môi trường nhằm thúc đẩy, kiểm soát và đánh thuế thương mại hàng hóa và nhiều nguồn tài nguyên khác, từ khoáng sản đến trái cây.
Phần lớn than được di chuyển dọc theo những con đường núi gập ghềnh đến Kabul và Pakistan. Từ đây, một phần than được gửi tới Trung Quốc.
David Mansfield - tác giả báo cáo về thương mại xuyên biên giới dưới thời Taliban - ước tính xuất khẩu than sang Pakistan đã tăng gấp đôi, lên khoảng 4 triệu tấn/năm, kể từ khi nhóm này nắm quyền.
Theo Abdallah al-Dardari - người đứng đầu Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Afghanistan, chính quyền trước đây bắt đầu thực hiện quá trình chuyển đổi xanh, trong khi Taliban chấp nhận sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Sau khi Taliban lên nắm quyền, các 'kế hoạch xanh hóa nền kinh tế sụp đổ. Mọi người bắt đầu khai thác các mỏ than, kinh doanh than bùng nổ”, ông al-Dardari nói.
Số lượng lao động trẻ em tăng lên kể từ khi Taliban tiếp quản. Áp lực kinh tế buộc các em phải bỏ học. Ảnh: Financial Times. |
Theo ông Mansfield, một điều khá ngạc nhiên là việc Taliban cho đến nay đã kiểm soát thương mại hiệu quả, trấn áp nạn hối lộ và buôn lậu tràn lan.
“Chúng tôi chứng kiến sự thay đổi lớn. Taliban khá thành thạo điều tiết và kiểm soát các điểm biên giới", ông nói. “Ngoài thúc đẩy doanh thu, điều này cho phép họ củng cố quyền lực bằng cách ngăn chặn phe phái trong khu vực có nguồn thu độc lập”.
Mặc dù nhập khẩu giảm mạnh, Liên Hợp Quốc ước tính tổng kim ngạch xuất khẩu của Afghanistan sẽ tăng trong năm nay, lên khoảng 1,8 tỷ USD từ 1,2 tỷ USD vào năm 2019.
Sự giàu có về khoáng sản của Afghanistan từ lâu đã khiến các nước và giới đầu tư kinh ngạc.
Một số ước tính tiết lộ tổng giá trị trữ lượng khoáng sản khổng lồ tại nước này lên tới 1.000 tỷ USD. Nhưng nhiều thập niên bất ổn chính trị - xã hội khiến việc thăm dò và khai thác bị hạn chế.
Năm 2007, Tập đoàn Luyện kim Trung Quốc xin được quyền khai thác tại khu định cư Mes Aynak, một trong những nơi có trữ lượng đồng lớn nhất thế giới, nằm về phía đông nam Kabul. Tuy nhiên, việc khai thác tại địa điểm này vẫn chưa bắt đầu.
Taliban có chi phí hoạt động một phần nhờ điều tiết và đánh thuế buôn bán mọi mặt hàng, từ đá quý đến cây thuốc phiện.
Nooruddin Azizi, Bộ trưởng Thương mại của chính quyền Taliban, cho biết Kabul đang đàm phán với các nhà đầu tư từ Trung Quốc, Nga và một số nơi khác để thực hiện các hợp đồng khai thác nhiên liệu hóa thạch.
Tuy vậy, vẫn chưa có thỏa thuận quốc tế lớn nào được hoàn tất, và hoạt động khai thác chủ yếu ở quy mô tương đối nhỏ, ông Azizi nói. Hiện chỉ có 17 trong số 80 mỏ than đang hoạt động, chủ yếu ở miền Bắc.
"Không làm việc thì biết làm gì?"
Hoạt động khai thác rất khắc nghiệt. Ở Nahrain, những người thợ mỏ - khoảng một nửa trong số này ở độ tuổi thanh thiếu niên trở xuống - làm việc trong điều kiện bấp bênh với đồng lương ít ỏi.
Nhiều người tiếp bước cha ông họ làm việc trong các mỏ. Anh Najibullah, 35 tuổi, là một ví dụ. Anh đã bắt đầu cùng cha và ông làm tại mỏ từ khi còn là thiếu niên. Hiện con trai 12 tuổi của anh cũng làm tại đây.
Giới phân tích cho biết lao động trẻ em đã xuất hiện từ lâu ở Afghanistan, trước cả khi Taliban lên nắm quyền. Tuy vậy, số lượng trẻ em làm việc trong các hầm mỏ đã tăng lên khi cuộc khủng hoảng kinh tế buộc chúng phải nghỉ học.
“Ở Afghanistan, nếu không làm việc thì sẽ chẳng có gì cả”, Atiqulla - một cậu bé 14 tuổi làm việc trong hầm mỏ từ năm 8 tuổi - cho biết. “Chúng cháu buộc phải làm việc ở đây, chứ ai có thể vui vẻ khi làm việc dưới hầm sâu trăm mét chứ?”.
Từ đời ông nội tới cha anh Najibullah (35 tuổi) đều làm việc dưới hầm mỏ than. Anh đã gắn bó 20 năm với nghề này, trong khi cậu con trai mới 12 tuổi đã làm việc 4 năm. Ảnh: Financial Times. |
Mohammad - nông dân 55 tuổi bắt đầu khai thác mỏ ở Nahrain sau khi lũ lụt làm hư hại đất trồng của ông - cho rằng giá than cao đồng nghĩa thu nhập thợ mỏ tăng gấp đôi kể từ khi Taliban tiếp quản.
“Những người lao động không quan tâm đến chính trị. Họ chỉ quan tâm đến công việc và kiếm tiền”, ông nói.
Esmatullah Burhan - người phát ngôn cho Bộ Khai thác mỏ của chính quyền Taliban - cho biết đầu tư nước ngoài và công nghệ sẽ cải thiện điều kiện làm việc và giúp giảm thiểu lao động trẻ em trong các mỏ than.
Khi phần lớn ngân hàng quốc tế không muốn can dự vào Afghanistan vì lệnh trừng phạt, hoạt động buôn bán than chủ yếu được tài trợ thông qua giao dịch tiền tệ không chính thức.
Ông Mohammad Azim bắt đầu kinh doanh than sau khi mất việc kể từ khi Taliban tiếp quản Afghanistan. Ông mua than tại các mỏ ở Nahrain và bán tại Kabul. Ông cho biết nhu cầu xuất khẩu rất cao.
"Nếu cứ tiếp tục thế này, tôi không chắc người Afghanistan sẽ còn than để mua vào mùa đông”, ông nói.