Hai nguồn tin của AFP cho biết thông báo chính thức về chính phủ mới có thể được Taliban đưa ra sau buổi cầu nguyện chiều 3/9, vài ngày sau khi Mỹ rút quân, kết thúc cuộc chiến kéo dài hai thập kỷ.
Trước đó, Ahmadullah Muttaqi, một quan chức Taliban, cho biết buổi lễ ra mắt bộ máy điều hành đang được chuẩn bị ở phủ tổng thống của chính quyền cũ tại Kabul, theo Reuters.
Thủ lĩnh tối cao của Taliban, Haibatullah Akhundzada, dự kiến nắm quyền lực tuyệt đối ở hội đồng cai trị mới.
Các chiến binh Taliban phía sau một chiếc xe bán tải, ở Kabul, Afghanistan hôm 30/8. Ảnh: AP. |
Trong khi đó, dưới quyền của thủ lĩnh tối cao là 3 cấp phó, gồm ông Mawlavi Yaqoob, con trai của người sáng lập Taliban Mullah Omar, ông Sirajuddin Haqqani - thủ lĩnh mạng lưới Haqqani, và Abdul Ghani Baradar là một trong những lãnh đạo chủ chốt của Taliban.
Có rất nhiều đồn đoán về việc thành lập một chính phủ mới, dù vậy, một quan chức cấp cao tuần này cho biết phụ nữ khó có thể nằm trong bộ máy chính quyền mới.
Các tay súng đã cam kết sẽ lên nắm quyền với sự “khoan dung hơn" so với thời kỳ cầm quyền trước đó từ năm 1996-2001, đặc biệt là trong các vấn đề liên quan đến phụ nữ.
Tuy nhiên, quan chức Liên minh châu Âu cho biết sẽ không chính thức công nhận Taliban cho tới khi nhóm này thỏa mãn những điều kiện, gồm thành lập một chính phủ bao trùm, tôn trọng nhân quyền, bảo vệ quyền tiếp cận không kiểm soát của nhân viên cứu trợ nhân đạo quốc tế.
Liên Hợp Quốc đã khởi động lại các chuyến bay nhân đạo đến nước này, từ thủ đô Islamabad, Pakistan đến Mazar-i-Sharif ở miền Bắc và Kandahar ở miền Nam Afghanistan.
Qatar cũng cho biết họ đang nỗ lực để mở lại sân bay ở Kabul nhằm hỗ trợ cho việc viện trợ.
Trong khi đó, một phát ngôn viên Taliban hôm 3/9 đăng trên Twitter thông báo Trung Quốc cam kết duy trì đại sứ quán và tăng cường" các mối quan hệ cũng như hỗ trợ nhân đạo cho Afghanistan trong cuộc điện đàm với Taliban.