Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Taliban chiếm Kabul, Iran và Saudi Arabia lo lắng

Đà tiến công chớp nhoáng của Taliban cùng việc lực lượng này đang kiểm soát Afghanistan khiến Iran và Saudi Arabia lo lắng, buộc hai nước xúc tiến hòa giải.

Iraq đã mời Iran và Saudi Arabia đến dự hội nghị giữa các nước láng giềng tại Baghdad vào cuối tháng 8, một nguồn tin chính phủ nói với Nikkei Asia. Tình hình ở Afghanistan sẽ là chủ đề chính của hội nghị, do việc Taliban giành được chính quyền có thể khiến phong trào Hồi giáo cực đoan ở Trung Á và Trung Đông hoạt động mạnh mẽ trở lại.

Đều được xem là những nước trung gian có ảnh hưởng ở Trung Đông, Iran và Saudi Arabia cùng nhìn nhận Taliban là mối nguy hiểm chung. Dù chính quyền Tehran và Riyadh xem nhau là đối thủ, cả hai đang nỗ lực hợp tác để lấp đầy "khoảng trống quyền lực" do Mỹ để lại, đặc biệt từ sau khi Washington quyết định rút quân khỏi Iraq.

Iran va Saudi Arabia hoa giai anh 1

Tổng thống Iran Ebrahim Raisi sẽ tham dự cuộc hội nghị ở Iraq vào cuối tháng này. Ảnh: AP.

Qua một cuộc gọi vào ngày 18/8, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi nói với Thủ tướng Iraq Mustafa al-Kadhimi rằng ông sẽ tham dự hội nghị này. Ông Raisi bày tỏ sự ủng hộ với việc tái thiết Afghanistan, sau "thất bại" của Mỹ tại quốc gia Nam Á này.

Trong khi đó, chính phủ Saudi Arabia vẫn chưa phản hồi lời mời của Iraq.

Iran, quốc gia có dân số đa phần là người Hồi giáo dòng Shiite, đặc biệt lo ngại về tầm ảnh hưởng ngày càng lớn dần của Taliban, và chỉ trích tư tưởng cực đoan của lực lượng này. Trái ngược với sự hà khắc của Taliban, Iran khuyến khích phụ nữ gia nhập nhiều hơn vào đời sống xã hội từ sau cuộc cách mạng 1979.

Trong khi đó, lực lượng Taliban theo Hồi giáo dòng Sunni, vốn là dòng chiếm đa số tại Saudi Arabia. Trước vụ khủng bố ngày 11/9 ở Mỹ, người Saudi Arabia công nhận và ủng hộ chính quyền Afghanistan do Taliban lãnh đạo.

Ngày nay, Thái tử Mohammed bin Salman đang đẩy mạnh sự nghiệp hiện đại hóa ở Saudi Arabia. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại một xã hội thay đổi nhanh chóng có thể khiến các thành phần cực đoan bất mãn và tham gia các nhóm như Taliban.

Iran và Saudi Arabia cắt đứt mối quan hệ vào năm 2016, sau khi Saudi Arabia tử hình một giáo sĩ dòng Shiite. Các mâu thuẫn, như nội chiến ở Yemen hay biến động chính trị ở Lebanon, từ đó đã nổi lên ở khắp Trung Đông.

Gần đây, Iraq yêu cầu Saudi Arabia suy xét lại chính sách ngoại giao và an ninh về Iran, sau khi nhiệm kỳ của Tổng thống Trump - người mang tư tưởng bài trừ Iran - kết thúc.

Dù đối đầu về hệ tư tưởng, phong trào phi carbon hóa toàn cầu khiến Iran và Saudi Arabia trở nên thân thiết hơn. Cả hai nước này đều phụ thuộc vào dầu mỏ, và cần phải đa dạng hóa nền kinh tế của mình để có thể tạo thêm việc làm.

Sau biến động ở Afghanistan, không chỉ các quốc gia bên trong, mà ngay cả những nước ngoài Trung Đông cũng có tham vọng lấp đầy "khoảng trống quyền lực" do Mỹ để lại sau khi nước này rút quân hoàn toàn khỏi Afghanistan và Iraq sắp tới.

Trung Quốc và Nga đều đang muốn mở rộng quyền lực của mình ở Trung Đông. Tuy nhiên, hai nước này tập trung chủ yếu vào những lợi ích ngắn hạn.

Điều này có nghĩa các vấn đề cốt lõi như thể chế và đối xử với người dân sẽ không là trọng điểm của họ. Bên cạnh đó, những nỗ lực giải quyết mâu thuẫn giữa Israel và Palestine - bất ổn lớn nhất ở Trung Đông kể từ sau Thế chiến 2 - cũng bị hoãn lại.

Em bé tử nạn ở Anh sau khi rời khỏi Afghanistan

Vào ngày 18/8, một bé trai tị nạn 5 tuổi người Afghanistan đã rơi từ tầng 9 khách sạn ở Sheffield, vài ngày sau khi cậu bé cùng gia đình đến Anh để trốn khỏi lực lượng Taliban.

Bé gái được bế qua bức tường để vào sân bay Kabul Từ đám đông đang chen lấn bên ngoài sân bay Kabul hôm 19/8, một bé gái được nhấc lên qua bức tường cao và được một người lính Mỹ đỡ lấy.

Thế Hào

Bạn có thể quan tâm