“Mọi người dân Afghanistan cần biết rằng từ giờ trở đi, cây anh túc bị cấm trồng tuyệt đối trên khắp cả nước”, AFP dẫn lại sắc lệnh của lãnh đạo tối cao Hibatullah Akhundzada. “Người nào vi phạm sẽ bị xử lý theo luật sharia, cây anh túc đã trồng sẽ lập tức bị tiêu hủy”.
Sắc lệnh trên do người phát ngôn chính quyền Taliban Zabihullah Mujahid đọc tại sự kiện có sự tham gia của phóng viên, các nhà ngoại giao nước ngoài và quan chức Taliban.
Người dân thu hoạch cây anh túc tại Kandahar, Afghanistan. Ảnh: AFP. |
Đây không phải lần đầu tiên Taliban cam kết cấm trồng cây anh túc, còn gọi là cây thuốc phiện. Cây anh túc từng bị cấm trồng vào năm 2000, ngay trước khi Taliban bị lực lượng do Mỹ dẫn dắt lật đổ sau cuộc tấn công khủng bố 11/9.
Theo AFP, trong 20 năm hoạt động nổi dậy chống lực lượng nước ngoài, Taliban đã áp thuế cao đối với nông dân trồng cây anh túc tại những khu vực họ kiểm soát. Cây anh túc đã trở thành nguồn tiền chính cho Taliban, với số tiền lên tới hàng trăm triệu USD, theo các chuyên gia.
Ông Abdul Salam Hanafi, Phó thủ tướng của chính quyền Taliban, bác bỏ nhận định nhóm này tiếp tay cho nạn trồng cây anh túc trong thời gian hoạt động nổi dậy.
Truyền thông Afghanistan cho biết kể từ khi Taliban lên nắm quyền vào tháng 8/2021, hoạt động trồng anh túc đã được đẩy mạnh tại hai tỉnh miền Nam là Kandahar và Helmand nhưng không có số liệu cụ thể.
Afghanistan gần như độc quyền sản xuất thuốc phiện và heroin, chiếm 80-90% sản lượng toàn cầu, theo Cơ quan Phòng chống ma tuý và tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC).
Diện tích trồng cây anh túc tăng lên cao nhất vào năm 2017, trung bình đạt 250.000 ha trong những năm gần đây. Con số này cao khoảng gấp 4 lần so với giữa thập niên 1990, theo dữ liệu từ Liên Hợp Quốc.