Trong bối cảnh Taliban liên tục vi phạm những lời hứa mà họ từng đưa ra, cộng đồng quốc tế đứng trước câu hỏi khó: Có nên tiếp tục viện trợ nhân đạo cho Afghanistan hay không?
Việc cắt viện trợ sẽ là động thái mạnh mẽ nhằm trừng phạt Taliban, nhưng cũng có nguy cơ gây ra một nạn đói lớn, tác động tới hàng triệu người dân Afghanistan.
“Tôi muốn nói đơn giản nhất có thể: Đừng để người dân Afghanistan phải chịu đựng gấp đôi”, ông Martin Griffiths, lãnh đạo cơ quan nhân quyền của Liên Hợp Quốc, gửi thông điệp trong hội nghị của các nhà tài trợ cho Afghanistan hôm 31/3.
“Xin hãy đừng cắt viện trợ vì các quyết định bất hạnh mà chúng ta được biết tuần trước”, ông Griffiths nhắc đến các động thái mới nhất của Taliban, theo Washington Post.
Lật ngược quyết định
Năm 2022, Liên Hợp Quốc và các đối tác dành 4,4 tỷ USD để viện trợ nhân đạo cho Afghanistan. Tuy vậy, mới chỉ 13% con số này được chuyển cho Afghanistan. Hội nghị hôm 31/3 - đồng chủ trì bởi Đức, Qatar và Anh - có mục đích thúc đẩy nỗ lực quyên góp.
Dù vậy, sự nhiệt tình của họ đã bị dội gáo nước lạnh sau khi Taliban đảo ngược quyết định cho phép trẻ em gái trở lại trường học, dù các nữ sinh mới chỉ đến lớp được vài tiếng.
"Vâng, đó là sự thật", ông Inamullah Samangani, một phát ngôn viên cấp cao của chính quyền Taliban, xác nhận thông tin này với AFP.
Các nữ sinh Afghanistan chỉ được đến lớp vài giờ đồng hồ, trước khi nhận hung tin phải rời trường lớp và quay về nhà hôm 23/3. Ảnh: Washington Post. |
Giới chức Taliban cho biết nguyên nhân đóng cửa trường học là thiếu giáo viên nữ, vấn đề về cơ sở vật chất, sự chậm trễ trong chấp thuận các loại đồng phục thích hợp, cũng như “các yêu cầu về văn hóa và tôn giáo”.
Bên cạnh đó, trong tuần qua, Taliban cũng hạn chế quyền di chuyển của phụ nữ ra nước ngoài, cũng như yêu cầu phụ nữ chỉ được lên máy bay nếu có người giám hộ.
Giới chuyên gia về Afghanistan nhận định các động thái trên đến từ các quyết định mang tính ý thức hệ của giới lãnh đạo Taliban. Việc mở cửa trường học cho nữ sinh được cho là bị đảo ngược bởi sự can thiệp của phe cứng rắn trong một cuộc họp tại Kandahar.
“Có những dấu hiệu cho thấy sự đảo ngược là chỉ dấu cho thất bại của Taliban trong tạo dựng một cơ chế hoạch định chính sách quốc gia rõ ràng”, bà Ashley Jackson, chuyên gia về Afghanistan tại Trung tâm Nghiên cứu các Nhóm vũ trang thuộc viện nghiên cứu ODI, Mỹ, nhận xét.
Trước khi Taliban giành chính quyền, chính sách giáo dục cho phụ nữ của họ khác biệt theo từng địa phương. Ở một số tỉnh, trẻ em gái không được đến trường trong vùng lãnh thổ do Taliban kiểm soát. Ở một số tỉnh khác, phụ nữ còn có thể học đến đại học.
Phát biểu trong hội nghị ngày 31/3, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield gọi quyết định đóng cửa trường học là “không thể bào chữa” và “phải bị đảo ngược”.
Mỹ và hầu hết quốc gia trên thế giới gửi viện trợ cho người dân Afghanistan qua Liên Hợp Quốc và các tổ chức phi chính phủ khác. Chúng được theo dõi kỹ lưỡng để đảm bảo không rơi vào tay Taliban.
Chỉ khi Taliban chấp nhận đảm bảo quyền con người - bao gồm phụ nữ, trẻ em gái và người thiểu số - và dừng hỗ trợ các tổ chức khủng bố quốc tế, việc thiết lập quan hệ ngoại giao hay viện trợ trực tiếp mới được tính đến.
Cộng đồng quốc tế quan ngại
Việc kêu gọi tài trợ cho Afghanistan đang gặp nhiều khó khăn hơn, dù một lượng viện trợ khổng lồ đã được gửi đến ngay sau khi Taliban nắm quyền tháng 8/2021.
Lượng viện trợ này được huy động khi các tổ chức viện trợ quốc tế lo ngại nếu nguồn tài chính tới Afghanistan đột ngột bị cắt đứt, nạn thất nghiệp diện rộng sẽ xảy đến, dẫn tới thảm họa về nhân đạo khi mùa đông tới gần.
Dù vậy, khi các điều kiện về quyền con người chưa được hiện thực hóa, sự nhiệt tình của cộng đồng quốc tế cũng dần nguội đi.
Vấn đề quyền phụ nữ tại Afghanistan khiến thế giới kém nhiệt tình hơn trong viện trợ. Ảnh: AFP. |
Sau khi Taiban đóng cửa trường học cho nữ sinh, Washington tuyên bố hủy các vòng đàm phán giữa hai bên tại Doha, Qatar. Ngân hàng Thế giới (WB) bày tỏ “quan ngại sâu sắc” và cho biết sẽ tạm thời chưa đưa các gói hỗ trợ ra phê chuẩn cho đến khi tình hình được làm rõ.
Một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Washington vẫn đang tìm kiếm cơ chế giải ngân 3,5 tỷ USD - một nửa tài sản của chính phủ Afghanistan tại Mỹ - cho hệ thống tài chính Afghanistan. Dù vậy, quá trình này sẽ còn mất nhiều thời gian.
Trong khi đó, người Afghanistan vẫn đang sống trong những ngày tháng khó khăn.
“95% người Afghanistan không có đủ thực phẩm”, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nói. “9 triệu người có nguy cơ bị đói. Nếu không hành động lập tức, chúng ta sẽ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng về nạn đói và suy dinh dưỡng”.
Theo ông, một số gia đình đã phải bán con để có tiền mua thực phẩm, hơn 80% người Afghanistan đang mắc nợ, lao động không được trả lương, nông dân không thể mua phân bón, còn các tổ chức viện trợ quốc tế “gần như không hoạt động”.
Nhiều quốc gia đã cam kết tăng viện trợ nhân đạo cho Afghanistan. Dù vậy, việc cung cấp thực phẩm và thuốc men chỉ là bước khởi đầu. Nền kinh tế và hệ thống tài chính của Afghanistan cần được khôi phục, và điều này chưa thể thực hiện nếu Taliban chưa thực hiện cam kết với cộng đồng quốc tế.
“Khả năng cung cấp hỗ trợ của chúng tôi sẽ phụ thuộc vào việc Taliban có muốn tham gia hay không. Phụ nữ và trẻ em gái cần được đi học”, Ngoại trưởng Anh Liz Truss tuyên bố.