Một trong những động thái đầu tiên của Taliban sau khi nắm quyền ở Afghanistan là buộc hầu hết lao động nữ phải nghỉ việc và trở về nhà. Theo Bloomberg, điều đó sẽ làm gia tăng nguy cơ thiếu đói tại đất nước sau nhiều năm mất mùa.
Nền kinh tế Afghanistan - vốn phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài - đang đối mặt với các rắc rối nghiêm trọng. 47,3% người dân hiện sống ở dưới mức nghèo khổ. Việc đột ngột loại bỏ hàng chục nghìn người lao động chỉ làm nạn đói càng thêm tồi tệ hơn.
Những gì xảy ra ở các vùng nông thôn Afghanistan thậm chí còn tàn khốc hơn. Phụ nữ chiếm gần 1/3 lực lượng lao động tại đây. "Nếu không có họ, những vấn đề của một quốc gia đang tìm cách tự nuôi sống mình sẽ càng trở nên phức tạp", các chuyên gia của Bloomberg viết.
Sau khi chiếm Kabul, Taliban yêu cầu phụ nữ không ra ngoài đi làm. Ảnh: Reuters. |
Những trụ cột gia đình
"Tôi được thông báo là không thể đến làm việc", một phụ nữ Afghanistan ở độ tuổi 50, sống tại thành phố, chia sẻ vào 2 tuần sau khi Taliban chiếm Kabul.
Theo bà Heather Bar - Phó giám đốc về quyền phụ nữ tại Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, nỗi sợ của các phụ nữ Afghanistan là không thể đi làm và mất quyền tiếp cận giáo dục.
Nhiều đàn ông Afghanistan đã thiệt mạng trong các cuộc xung đột hoặc trốn khỏi nước. Vì thế, một số lượng đáng kể phụ nữ phải làm mẹ đơn thân, là trụ cột gia đình, kiếm tiền nuôi cha mẹ và những người thân khác.
Theo bà Barr, việc Taliban cắt đứt khả năng làm việc của phụ nữ đã khiến họ không thể nuôi sống bản thân và gia đình.
Theo nhóm phân tích Afghanistan Analysts Network, giá các mặt hàng thiết yếu, từ bột mì đến dầu ăn, đã gia tăng. Trong khi đó, đồng Afghani Afghanistan - tiền tệ của Afghanistan - đang mất giá.
Nhiều phụ nữ Afghanistan phải làm mẹ đơn thân, là trụ cột gia đình, kiếm tiền nuôi cha mẹ và những người thân khác. Ảnh: Bloomberg. |
Trong một khu chợ đồ cũ ở Kabul, nhiều gia đình đang bán đồ gia dụng cũ để lấy tiền mua thức ăn.
Ngay từ trước cuộc khủng hoảng năm nay, Afghanistan đã bị nạn đói đeo bám vì hạn hán nghiêm trọng vào năm 2018 và 2019. Dưới sự tiếp quản của Taliban, theo Bloomberg, những vấn đề này sẽ trở nên nghiêm trọng hơn. Bởi nghèo đói, suy dinh dưỡng và bất bình đẳng giới luôn song hành với nhau.
Sống trên bờ vực của cái đói có thể vừa là nguyên nhân, vừa là hậu quả của việc hạ thấp địa vị phụ nữ. Có những bằng chứng chỉ ra rằng áp lực tài chính đối với đàn ông giảm sẽ góp phần giúp gia tăng sự bình đẳng, thu nhập và hạnh phúc.
Suy dinh dưỡng ở trẻ em cũng giảm khoảng 43% khi phụ nữ giúp gia tăng thu nhập của gia đình. Sự cải thiện thậm chí còn lớn hơn nếu phụ nữ được tiếp cận giáo dục tốt.
Với việc Taliban loại bỏ phụ nữ khỏi thị trường lao động và giá thực phẩm leo thang, những cơ hội đó bị triệt tiêu nhanh chóng.
Nguy cơ thiếu đói
Theo một nghiên cứu năm 2014, khoảng 53% chi tiêu hộ gia đình ở vùng nông thôn Afghanistan chỉ dùng để mua thực phẩm. Tình hình dường như không mấy cải thiện trong vòng 7 năm qua.
Chi tiêu chủ yếu dành cho các mặt hàng thô như bột mì và gạo. Chúng cũng dễ chịu tác động từ những biến động trên thị trường hơn.
Giá lúa mì kỳ hạn của Mỹ đã chạm mức cao nhất trong vòng 8 năm vào tháng trước. Do các ảnh hưởng lâu dài của hạn hán và dịch Covid-19, giá bột mì ở Kabul cũng cao hơn khoảng 20% so với mức trung bình những năm qua.
Các vấn đề đó càng trở nên nghiêm trọng hơn do hậu quả của tình hình hỗn loạn đang giáng xuống Afghanistan.
Nghèo đói có thể tàn phá phụ nữ Afghanistan, cũng như chính Taliban
Hãng tin Bloomberg
Cùng với đó là khủng hoảng trong lĩnh vực ngân hàng. Hàng dài người đang xếp hàng chờ rút lượng tiền mặt ít ỏi còn lại trong nước.
Ngân hàng Thế giới (WB) đã tạm dừng giải ngân cho các dự án ở Afghanistan. Nguyên nhân là lo ngại về tác động của chính phủ Taliban đối với triển vọng phát triển, nhất là với phụ nữ.
Mỹ cũng đã đóng băng 9,5 tỷ USD tài sản của ngân hàng trung ương Afghanistan và tạm dừng chuyển tiền đến nước này. Các chính quyền châu Âu dừng viện trợ phát triển. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cắt quyền truy cập vào SDR (quyền rút vốn đặc biệt) của Afghanistan.
Một hội nghị của Liên Hợp Quốc tại Geneva hôm 13/9 đã cam kết viện trợ khẩn cấp hơn 1 tỷ USD cho Afghanistan. Nhưng câu hỏi đặt ra cho các nhà tài trợ là làm thế nào để hỗ trợ nhanh chóng trước khi một mùa đông khắc nghiệt đang đến gần, mà không vô tình tài trợ cho cuộc đàn áp tàn khốc của Taliban đối với phụ nữ, truyền thông, nhóm tôn giáo thiểu số và các bộ phận quan trọng khác của xã hội.
Tuần trước, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc cảnh báo rằng có tới 97% người dân Afghanistan có thể rơi xuống dưới mức nghèo khổ vào giữa năm 2022, nếu không có những phản ứng khẩn cấp đối với cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị tại đất nước.
"Nghèo đói có thể tàn phá phụ nữ Afghanistan cũng như chính Taliban", các cây bút của Bloomberg nhận định.