Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Kinh tế Mỹ, Trung Quốc điêu đứng vì biến chủng Delta

Các chính phủ và ngân hàng trung ương lớn trên thế giới cùng lúc phải đối mặt với 2 bài toán nan giải. Đó là đà phục hồi giảm tốc vì biến chủng Delta và áp lực giá cả leo thang. 

Theo Bloomberg, dịch Covid-19 vẫn chưa ngừng gây rắc rối cho nền kinh tế toàn cầu. Từ Mỹ, Trung Quốc đến Đức, các dữ liệu mới nhất đã cảnh báo về sự suy yếu của nền kinh tế.

Nguyên nhân là biến chủng Covid-19 mới ảnh hưởng đến chi tiêu, làm gián đoạn chuỗi cung ứng, dẫn đến mối đe dọa lạm phát tăng cao.

Cả 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới đều đang lao đao. Theo dự báo GDP Nowcast (tạm dịch: dự báo tức thời) của Bloomberg Economics, nền kinh tế Mỹ có thể tăng trưởng 5,8% trong quý III so với cùng kỳ năm ngoái, giảm từ mức tăng 6,6% của quý II.

Tại Trung Quốc, Bloomberg Nowcast dự báo mức tăng trong quý III đạt 6,1% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm từ mức 6,6% của quý II.

Phuc hoi kinh te anh 1

Biến chủng Delta cản đường phục hồi của các nền kinh tế lớn trên thế giới. Ảnh: Reuters.

Tăng trưởng giảm tốc

Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới không chỉ phải đối mặt với các đợt bùng phát Covid-19 mới, mà còn chịu ảnh hưởng từ cuộc trấn áp của chính quyền Bắc Kinh lên các ngành công nghiệp gây ô nhiễm.

Theo Bloomberg, chương trình "thịnh vượng chung" của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng có khả năng giáng đòn mạnh vào niềm tin kinh doanh của đất nước 1,4 tỷ dân.

Sự sụt giảm diễn ra nhanh hơn những gì giới quan sát từng dự báo. Các chính phủ và ngân hàng trung ương cùng lúc phải đối mặt với 2 bài toán nan giải. Đó là đà phục hồi giảm tốc và áp lực giá cả leo thang.

"Các dữ liệu cho thấy sự phục hồi chỉ chậm lại chứ không đảo ngược xu hướng", các nhà kinh tế Bjorn van Roye và Tom Orlik của Bloomberg bình luận.

"Tuy nhiên, các con số cũng cảnh báo rằng virus vẫn là một biến số lớn, tiêu cực, khó dự đoán và tác động đến triển vọng kinh tế", các chuyên gia nói thêm.

Phuc hoi kinh te anh 2

Sự căng thẳng chuỗi cung ứng, chi phí vận chuyển vọt lên mức kỷ lục và giá hàng hóa tăng cao đã làm dấy lên nỗi lo ngại lạm phát. Ảnh: Reuters.

Từ doanh số bán lẻ của Mỹ đến sản lượng tại các nhà máy Trung Quốc, Nowcast của Bloomberg Economics thu thập hàng trăm điểm dữ liệu để liên tục cập nhật về tốc độ tăng trưởng và mức độ lạm phát của những nền kinh tế lớn nhất, trước khi các dữ liệu chính thức được công bố.

Theo các dự báo mới nhất, cho đến cuối năm, hầu hết nền kinh tế lớn vẫn chưa thể trở lại mức trước đại dịch.

Thông thường, sự trì trệ của nền kinh tế đồng nghĩa với việc lạm phát ở mức thấp. Tuy nhiên, thời kỳ dịch bệnh là ngoại lệ.

Sự căng thẳng chuỗi cung ứng, chi phí vận chuyển vọt lên ngưỡng kỷ lục và giá hàng hóa tăng cao dẫn đến việc ngay cả khi sản lượng vẫn ở dưới mức tiềm năng, lạm phát tại nhiều quốc gia đã vượt quá mục tiêu của các ngân hàng trung ương.

Nowcast chỉ ra chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ trong quý III sẽ đạt đỉnh và bắt đầu lao dốc.

Tuy nhiên, nhóm chuyên gia của Bloomberg cho rằng tại Anh và khu vực đồng tiền chung EUR, lạm phát sẽ tăng cao hơn mục tiêu 2% của các ngân hàng trung ương.

Rơi vào thế khó

Trong khi đó, bức tranh của Trung Quốc có một chút khác biệt. Giá tại nhà máy (không bao gồm chi phí vận chuyển và giao hàng) tăng vọt, nhưng người tiêu dùng vẫn chưa chịu ảnh hưởng đáng kể.

Đà phục hồi hạ nhiệt và lạm phát tăng cao đã đẩy các ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới vào thế khó. Khi sự phục hồi kinh tế yếu đi, ngân hàng trung ương cần có thêm các biện pháp kích thích kinh tế. Tuy nhiên, giá cả leo thang cũng tạo áp lực thắt chặt chính sách tài khóa và tiền tệ.

Tình huống này gợi nhắc đến tình trạng lạm pháp kèm suy thoái (stagflation) diễn ra vào những năm 1970. Tình thế tiến thoái lưỡng nan khiến Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (FED) Jerome Powell, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde và các ngân hàng trung ương khác không có nhiều lựa chọn.

Đợt đánh giá chiến lược mới đây của ECB vừa hứa hẹn sẽ "hành động mạnh tay" để tái cấu trúc nền kinh tế. Tuy nhiên, tuần trước, bà Lagarde lại công bố kế hoạch giảm tốc kế hoạch mua trái phiếu.

Khi sự phục hồi kinh tế yếu đi, cần có thêm các biện pháp kích thích kinh tế. Tuy nhiên, giá cả leo thang cũng tạo áp lực thắt chặt chính sách tài khóa và tiền tệ

- Hãng tin Bloomberg

Chính quyền Bắc Kinh còn phải đối mặt với sự đánh đổi khác. Trung Quốc cần đưa ra những chính sách dễ dàng hơn để hỗ trợ tăng trưởng. Tuy nhiên, nước này cũng cần giảm thiểu rủi ro bong bóng tín dụng bằng việc thắt chặt các chính sách.

Những động thái mới nhất cho thấy tăng trưởng sẽ là ưu tiên. Theo giới quan sát, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) có thể cắt giảm thêm yêu cầu dự trữ đối với các ngân hàng trong năm nay. Hồi tháng 7, PBoC đã bất ngờ cắt giảm yêu cầu dự trữ, giải phóng khoảng 1.000 tỷ NDT thanh khoản vào nền kinh tế.

Hồi đầu tháng 9, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc cho biết ngân hàng trung ương sẽ phát hành thêm 300 tỷ NDT (46,5 tỷ USD) để các ngân hàng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ vay.

Còn đối với FED, tăng trưởng trượt dốc và lạm phát ở mức cao không làm thay đổi các chính sách. Ông Powell cho biết việc giảm quy mô chương trình mua lại vẫn diễn ra trong năm nay.

Tuy nhiên, con đường đang trở nên khó khăn hơn, nhất là với sự ảnh hưởng của biến chủng Delta, phục hồi việc làm yếu ớt trong tháng 8 và chuỗi cung ứng vẫn gặp khó khăn.

Thái Lan hoãn mở cửa kinh tế vì triển khai tiêm chủng chậm

Tốc độ triển khai tiêm chủng chậm khiến Thái Lan phải lùi kế hoạch mở cửa trở lại. Chương trình "hộp cát Phuket" của nước này cũng đối mặt rủi ro mới.

Đông Nam Á chật vật cân bằng mục tiêu chống dịch, đảm bảo sinh kế

Đông Nam Á đối mặt với các đợt bùng phát Covid-19 nghiêm trọng nhất từ trước đến nay. Nền kinh tế khu vực không còn đủ khả năng chống chịu, nhiều nước đang tìm cách mở cửa lại.

Thảo Cao

Bạn có thể quan tâm