Từ tháng 8/2020, Now chính thức ra mắt tính năng ghép đơn dành cho tài xế. Công ty mô tả cách làm này giúp tăng thu nhập cũng như tối ưu quãng đường di chuyển. Đây là tính năng giúp tài xế có thể nhận nhiều đơn hàng cùng lúc nếu như các đơn hàng đó có cùng lộ trình di chuyển, tài xế sẽ có cơ hội tăng thêm thu nhập, tăng điểm thưởng đơn hàng và thưởng ngày.
Tuy nhiên vài ngày qua, nhiều tài xế của Now tỏ ra bức xúc với những chính sách ghép đơn mới của ứng dụng này.
Trả lời Zing, anh Hữu Thịnh - một nhân viên giao hàng của Now ở Hà Nội - cho biết tính năng ghép đơn hàng đã có từ lâu. Tuy nhiên, gần đây cách xử lý các đơn ghép của Now này có nhiều bất cập gây ảnh hưởng đến thu nhập của tài xế.
Thu chiết khấu cao với đơn ghép
Anh Thịnh cho biết anh và nhiều tài xế khác rất bức xúc khi bị Now cắt xén tiền giao hàng với đơn ghép. Ví dụ, bình thường Now thu của khách mỗi đơn là 15.000 đồng đối với quãng đường dưới 3 km, hai đơn là 30.000 đồng (chưa kể phụ phí).
Nhưng với đơn ghép, Now lại chỉ trả cho tài xế 19.000-21.000 đồng/đơn, phần còn lại 9.000-11.000 là hãng thu về. Trong khi đó, nhiều đơn ghép khoảng cách di chuyển giữa 2 quán gần 5 km, bất lợi cho tài xế.
"Tôi từng nhận một đơn 5,2 km được 22.500 đồng nhưng ghép thêm đơn tổng quãng đường 6,4 km nhưng chỉ thêm được 8.000 đồng. Trong khi tôi mất rất nhiều thời gian chờ đơn thứ 2 khiến khách hàng đơn thứ nhất gọi điện giục liên tục", anh kể.
Tôi mất nhiều thời gian chờ đơn thứ hai khiến khách hàng đơn thứ nhất gọi điện giục liên tục
Hữu Thịnh, tài xế Now ở Hà Nội
Theo anh Thịnh, việc nhận đơn ghép không chỉ ảnh hưởng đến tài xế mà còn giảm chất lượng dịch vụ giao hàng. Tài xế phải chờ nhận đồ ăn ở các quán khác nhau khiến cho thời gian khách hàng đợi kéo dài thêm. "Khách hàng thông cảm thì đỡ, nhưng nhiều người đợi lâu, đồ ăn nguội họ sẽ đánh giá sao thấp", anh than thở.
Anh K.T (Hưng Yên), một tài xế Now cho biết giao hàng bằng xe máy nhưng hệ thống luôn đo quãng đường ngắn nhất (thường là đường bộ). "Thực tế là đường dành cho người đi bộ thường là đường ngược chiều, đi qua cầu thang bộ... Điều này khiến quãng đường của tài xế hiển thị trên app không đúng với thực tế", anh nói.
"Ghép đơn thì đáng lẽ tài xế được hưởng tiền của 2 đơn, sao lại tính từ điểm lấy đầu đến giao cuối", tài xế này bức xúc. Không chỉ vậy theo anh T., Now ghép đơn nhưng không hỏi qua khách hàng có đồng ý hay không mà vẫn thu tiền đủ như một đơn hàng bình thường.
Anh khẳng định một số chuyên viên hỗ trợ còn hướng dẫn tài xế nói dối khách hàng.
Cần có chính sách ghép đơn hợp lý
Theo một số tài xế, quy trình của Now khi ghép đơn yêu cầu tài xế phải hoàn thành việc lấy hàng ở cả 2 quán, rồi mới bắt đầu giao cho khách. Nếu tài xế giao một đơn nào trước, sẽ bị hệ thống báo lên tổng đài "tự ý giao hàng", định vị lúc này không khớp với địa điểm trước. Điều đó có thể khiến đối tác tài xế bị khóa tài khoản.
Anh Trần Minh (Hai Bà Trưng, Hà Nội) thường xuyên sử dụng Now để đặt đồ ăn. Anh cho biết thời gian gần đây anh đặt đơn hàng gần chỉ tầm 1-2 km nhưng tài xế mất tận 40 phút để giao. "Tìm hiểu mới biết tài xế bị ghép đơn nhưng không thêm được đồng nào", anh nói.
Theo anh, việc ghép đơn của Now không tối ưu được quãng đường di chuyển và chi phí cho tài xế, thậm chí còn gây ảnh hưởng đến chất lượng món ăn của khách hàng.
Trước đó, ngày 16/4, vài ngày sau khi ứng dụng này cập nhật tính năng tự động nhận đơn cho đơn ghép ưu tiên, nhiều tài xế tỏ ra bức xúc vì Now không ghi nhận hiệu suất điểm thưởng của tài xế, cố tình "ép" tài xế nhận đơn ghép. Ngay sau đó, ứng dụng đã phát đi một thông báo cho biết sự cố này là do lỗi hệ thống.
"Vì quá ảnh hưởng đến quyền lợi nên các tài xế mới lên tiếng. Chỉ mong chính sách đơn ghép sao cho hợp lý, vừa tạo thuận lợi cho các đối tác, vừa không ảnh hưởng tới khách hàng", anh Duy Quang (Tân Phú, TP.HCM) - một tài xế Now - chia sẻ.
Zing đã liên hệ với Now để hỏi về vấn đề này, nhưng phía công ty chưa trả lời.
NowFood tiền thân là một thành viên của Foody, mạng xã hội đánh giá, chia sẻ về các địa điểm ăn uống. Với dịch vụ giao nhận đồ ăn, từ 2016 đến nay ứng dụng này đã phát triển được hệ thống đối tác nhà hàng khá dày đặc và liên tục mang đến những chiến dịch khuyến mại cho khách hàng. Now từng giữ "ngôi vương" ở mảng này trong suốt một thời gian dài cho đến khi GrabFood, GoFood và Baemin xuất hiện.
Theo số liệu của hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor, thị trường giao đồ ăn trực tuyến tại Việt Nam dự kiến đạt quy mô khoảng 38 triệu USD vào năm 2020 và duy trì mức tăng trưởng bình quân 11% trong 5 năm tới. Nghiên cứu của Kantar TNS - công ty đa quốc gia nghiên cứu thị trường tại Việt Nam - cũng chỉ ra rằng doanh thu thị trường này có tốc độ tăng trưởng trung bình 28,5%/ năm, lên tới 449 triệu USD vào năm 2023.
Thương mại điện tử Việt Nam sẽ đạt 52 tỷ USD
Covid-19 đã khiến doanh nghiệp và người tiêu dùng quan tâm hơn tới việc kinh doanh, mua sắm trực tuyến, nhờ vậy mà thương mại điện tử tại Việt Nam đang có sự tăng trưởng ấn tượng.
Grab thu phụ phí ngày nghỉ lễ 30/4-1/5
Khách hàng sẽ trả thêm phụ phí 5.000 đồng/chuyến khi sử dụng dịch vụ GrabBike và 10.000 đồng/chuyến với GrabCar trong 3 ngày giỗ Tổ Hùng Vương (21/4), 30/4 và 1/5.
Nhà cung cấp tố Redsun chây ì trả nợ
Một nhà cung cấp cho biết bị Redsun nợ 3,7 tỷ đồng từ tháng 11/2020 đến nay mà chưa được thanh toán.