Chiều 19/4, một số nhà cung cấp đã đến trụ sở của Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Quốc tế Mặt Trời Đỏ (Redsun) để thanh toán công nợ đã bị khất từ lâu. Redsun đang sở hữu 215 cửa hàng với loạt thương hiệu lớn như King BBQ, ThaiExpress, Hotpot Story… Doanh nghiệp này có trụ sở tại đường Dương Đình Nghệ (quận Cầu Giấy, Hà Nội).
“Hứa hẹn hết lần này đến lần khác”
Trao đổi với Zing, ông T., Giám đốc một doanh nghiệp chuyên cung cấp các mặt hàng nhập khẩu đông lạnh cho hệ thống Redsun từ khoảng tháng 6/2020 cho biết sau 3 tháng làm việc suôn sẻ, Redsun bắt đầu trì hoãn việc thanh toán công nợ. Tổng công nợ chưa được thanh toán đến nay là 3,7 tỷ đồng.
Từ đầu tháng 1 năm nay, ông T. nhận thấy các dấu hiệu chây ì thanh toán của Redsun nên dần hạn chế cung cấp, đến giữa tháng 2 thì ngừng hợp tác hoàn toàn. Từ đó đến nay, lãnh đạo Redsun chưa chịu gặp mặt để làm việc mà chỉ phản hồi bằng email.
Tổng số nợ của Redsun từ tháng 11/2020 với một nhà cung cấp lên đến 3,7 tỷ đồng. Ảnh: Thanh Thương. |
Qua email, Redsun thừa nhận đang gặp tình trạng “hết sức căng thẳng về dòng tiền” do Covid-19. Redsun đề xuất phương án thanh toán công nợ theo 3 đợt. Đối với các khoản nợ trong tháng 9/2020 trở về trước, thời gian thanh toán trước ngày 28/2. Đối với các khoản nợ tháng 10,11/2020, thời gian thanh toán từ ngày 1-30/3. Đối với các khoản nợ tháng 12/2020, thời gian thanh toán từ ngày 10-30/4.
Tuy nhiên đến nay, ông T. cho biết chỉ được thanh toán những khoản tiền rất nhỏ so với tổng số công nợ. Công nợ của tháng 11-12/2020 và tháng 1-2/2021 vẫn chưa được trả.
Khi nhà cung cấp yêu cầu xác nhận công nợ bằng văn bản thì phía Redsun cố tình kéo dài thời gian. “Khi chúng tôi đặt lịch hẹn để giải quyết thì phía Redsun dời lịch hết lần này sang lần khác. Người đi du lịch, người đi công tác, cố tình trốn tránh hẹn gặp với nhà cung cấp”, anh nói.
Trong khi đó, chia sẻ với Zing một số nhà cung cấp khác cũng cho biết đang bị Redsun nợ từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng tiền hàng từ tháng 11/2020, họ được hẹn đến trụ sở trên đường Dương Đình Nghệ (Cầu Giấy, Hà Nội) để giải quyết.
Gặp khó vì tiền thuê mặt bằng và thay đổi nhân sự
Đại diện một công ty khác, chuyên cung cấp thực phẩm khô, cũng đến tận trụ sở công ty để yêu cầu được thanh toán công nợ hơn 400 triệu đồng. Theo vị đại diện này, công ty chị đã ngừng cung cấp thực phẩm cho Redsun từ tháng 1/2021 vì công ty không trả nợ từ tháng 11/2020. "Liên hệ email rất nhiều lần nhưng công ty không có bất kỳ phản hồi nào", vị đại diện này cho biết.
Trước đó tháng 1/2021, lãnh đạo Redsun nhiều lần hứa hẹn trả nợ cho các nhà cung cấp nhưng đến nay các nhà cung cấp vẫn chưa nhận được thanh toán. Ảnh: Thanh Thương. |
Những nhà cung cấp này đều cho rằng Redsun cố tình chây ì trả nợ chứ không hoàn toàn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, bởi họ nhận thấy các chuỗi nhà hàng khác (đơn cử như đối thủ Golden Gate của Redsun) vẫn đang kinh doanh thuận lợi và hoàn tất công nợ đúng hẹn. Hiện tại, tổng công nợ do các nhà cung cấp này ước tính lên đến hàng chục tỷ đồng.
“Thậm chí, sau khi ngừng cung cấp thực phẩm cho Redsun thì phía công ty đã tìm một số đối tác khác nhưng lại chi trả bằng tiền mặt chứ không thanh toán bằng công nợ như chúng tôi”, đại diện một công ty chia sẻ thêm.
Chiều 19/4, ông Nguyễn Nam Trung, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Quốc tế Mặt Trời Đỏ (Redsun) đã có mặt để làm việc với đại diện một số nhà cung cấp. Ông thừa nhận thời điểm tháng 11/2020, công ty ông gặp khó khăn từ công nợ cũ vì ảnh hưởng của dịch Covid-19. “Mỗi một tháng công ty phải chi trả khoảng 30 tỷ tiền thuê mặt bằng và phải củng cố nhân sự liên tục sau đợt dịch”, ông chia sẻ.
“Tuy nhiên hiện nay tình hình dịch bệnh đã ổn định, mỗi tháng công ty sẽ cam kết trả nợ cũ 500-700 triệu đồng từ ngày 25-30 hàng tháng cho các nhà cung cấp lớn cho đến khi hết nợ”, vị giám đốc này cho biết.
Redsun đang sở hữu 215 cửa hàng với loạt thương hiệu lớn như King BBQ, ThaiExpress, Hotpot Story… Redsun vẫn đang là đối trọng lớn nhất của Golden Gate trên thị trường kinh doanh chuỗi ẩm thực khi cả hai đang liên tục cạnh tranh mở mới hàng chục cửa hàng mới mỗi năm.
Tại thị trường Việt Nam, Cổ phần Cổ phần Đầu tư Thương mại Quốc tế Mặt Trời Đỏ (Redsun) là một trong 2 doanh nghiệp lớn và nổi tiếng nhất trong lĩnh vực kinh doanh chuỗi nhà hàng ẩm thực cùng với Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Cổng Vàng (Golden Gate). Doanh nghiệp này hiện sở hữu 215 cửa hàng ăn uống trên cả nước với 14 thương hiệu gồm ThaiExpress, King BBQ, Hotpot Story, Sushi Kei, Bukbuk, Khaolao…, tập trung chính vào các món lẩu, nướng, bia tươi và đồ ăn Nhật Bản, Hàn Quốc...
Người đại diện pháp luật đồng thời là Tổng giám đốc hiện tại của Redsun là bà Phan Thị Kim Chi. Năm 2019, Redsun ghi nhận 743 tỷ đồng doanh thu, tăng 19% so với năm 2018. Trung bình mỗi ngày, các nhà hàng của Red Sun thu về trên 2 tỷ đồng từ lẩu, nướng. Tuy nhiên, do giá vốn hàng bán quá cao (chiếm 84% doanh thu), cộng với chi phí thuê mặt bằng, trang thiết bị, nhân công và vận hành lớn, cuối năm, doanh nghiệp vẫn báo lỗ 7,5 tỷ đồng.