Khi được hỏi về kế hoạch "đòi bồi thường", anh Bùi Hoàng Ka, nam tài xế bị đá văng vỡ kính xe trên cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, tỏ ra bối rối. Anh nói mình không biết quy trách nhiệm cho ai, chỉ mừng vì không bị tai nạn hay thương tích sau vụ việc.
Do xe không mua bảo hiểm, nam tài xế phải tốn tới 12 triệu đồng để thay tấm kính xe mới.
Từ góc nhìn chuyên gia, PGS.TS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), đánh giá đơn vị quản lý, vận hành cao tốc lẽ ra phải chịu trách nhiệm nhiều hơn trong tình huống tài xế bị ném đá.
"Nói cho cùng thì tôi trả tiền để đi trên con đường ấy. Một trong những đòi hỏi cơ bản của tôi là được an toàn. Anh không đảm bảo được an toàn cho tôi tức là anh vi phạm quy định", ông Chủng chia sẻ.
Trách nhiệm quản lý vận hành
Tại Việt Nam, đường cao tốc có trả phí đang được vận hành bởi các công ty vận hành và bảo trì (Operations & Maintenance - O&M). Họ không chỉ là đơn vị được nhượng quyền thu phí mà còn phải đáp ứng vai trò quản lý vận hành.
Theo PGS.TS Trần Chủng, nhiều cao tốc tại Việt Nam hiện nay như Hà Nội - Hải Phòng (chủ đầu tư VIDIFI), Cầu Giẽ - Ninh Bình (VEC) hay Trung Lương - Mỹ Thuận (Đèo Cả) cũng đã có doanh nghiệp chuyên quản lý vận hành. Họ thường là các công ty con của chính chủ đầu tư dự án.
Tình huống ném đá được ghi lại trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng do tuyến cao tốc này có hệ thống camera phủ rộng. Ảnh: VIDIFI. |
Trước đây, nhiều người thường hiểu nhầm công việc của những doanh nghiệp này chỉ là thu phí hoàn vốn. Tuy nhiên, họ được trả tiền để chịu nhiều trách nhiệm hơn.
"Yêu cầu số 1 của O&M là phải đảm bảo giao thông thông suốt, không gián đoạn hay ùn tắc. Thứ 2 là đảm bảo lưu thông an toàn. Thứ 3 là bảo trì thường xuyên, khắc phục ngay những hư hỏng, xuống cấp. Thứ 4 là thu phí và cung ứng các dịch vụ khác cho người tham gia giao thông", ông Chủng chia sẻ.
Trong đó, yêu cầu về an toàn rất quan trọng, gồm nhiều công việc như lắp đặt biển báo, chỉ dẫn an toàn, lắp đặt camera an ninh, ngăn ngừa các tình huống đặc biệt nguy hiểm như đinh tặc, ném đá...
Việc mất an toàn giao thông trên cao tốc có thể đến từ nhiều nguyên nhân chủ quan của công ty vận hành như biển báo viết không rõ ràng, tắt bớt đèn để tiết kiệm tiền điện, cắt giảm người tuần tra để tiết kiệm tiền lương, không kiểm soát được các dị vật, đinh nhọn trên đường... Doanh nghiệp quản lý vận hành cao tốc không thể chỉ lo thu phí mà quên những nhiệm vụ còn lại.
Theo góc nhìn chuyên gia, một khi đã xuất hiện người cung cấp dịch vụ quản lý vận hành cao tốc thì tài xế - khách hàng sử dụng dịch vụ đó - đương nhiên có quyền khởi kiện đòi đền bù thiệt hại.
"Tội của ai thì xác định sau nhưng trước mắt cứ kiện ông quản lý vận hành đã. Nếu họ bảo do người dân thiếu ý thức cũng phải làm rõ họ đã có biện pháp gì để ngăn chặn người dân chưa. Kể cả sự không an toàn do những yếu tố ngoại lai tác động thì ban đầu công ty O&M vẫn phải là chịu trách nhiệm", PGS Trần Chủng chia sẻ.
Khi được hỏi về tính khả thi của việc người dân kiện công ty O&M, luật sư Trần Tuấn Anh (Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch), nhận định đây là tình huống chưa có tiền lệ tại Việt Nam. Tuy nhiên, ông Tuấn Anh cho rằng vụ kiện kiểu này hoàn toàn khả thi về mặt pháp lý.
"Tài xế hoàn toàn có quyền khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại. Đồng thời, phía công ty quản lý đường cao tốc cũng có quyền khởi kiện người thực hiện hành vi ném đá để bồi hoàn số tiền mà họ đã bồi thường cho chủ phương tiện. Tòa án sẽ đối trừ trách nhiệm giữa các bên, nhưng trách nhiệm chính vẫn thuộc về đơn vị quản lý vận hành", luật sư Tuấn Anh chia sẻ.
Nước ngoài quản lý cao tốc ra sao?
"Dân trí thấp", "vùng trũng giáo dục" hay thậm chí "lũ giết người" là những từ ngữ nhiều người bức xúc thốt ra khi đọc thông tin về 2 vụ ném đá ôtô trên cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.
Tuy nhiên, câu chuyện không chỉ có tại Việt Nam. Trong vòng 2 tháng cuối năm 2017, nước Mỹ chứng kiến cái chết của hai người dân trên cao tốc vì bị thanh thiếu niên ném đá từ cầu vượt.
Các cầu vượt cao tốc tại Ohio (Mỹ) được lắp thêm rào chắn sau khi nhiều người thiệt mạng vì bị ném đá. Ảnh: Google Maps. |
Một trong số đó xảy ra tại cao tốc I-75 (bang Ohio, Mỹ). Marquise Byrd, cha của đứa con trai 2 tuổi, cư dân Warren, Michigan, đã tử vong sau khi 4 thiếu niên thả một bao cát từ trên cầu vượt xuống chiếc ôtô mà anh đang ngồi.
Sau 5 năm, các thủ phạm đã ra tù. Vụ việc chỉ còn trong ký ức của người dân địa phương. Tuy nhiên, những tấm lưới rào được lắp đặt khắp các cầu vượt của đường cao tốc tại Ohio là minh chứng cho sự thay đổi.
Rào chắn cầu vượt là hạng mục đã có từ trước vụ án mạng nhưng cơ quan giao thông vận tải Ohio đã phải cam kết lắp đặt chúng nhiều hơn sau khi bi kịch xảy ra.
Chiếc hàng rào cầu vượt tại Ohio chỉ là ví dụ minh họa cho việc đơn vị quản lý, vận hành đường bộ thể hiện trách nhiệm ngăn ngừa sự cố và nâng cao trải nghiệm cho người dân.
Gần Việt Nam hơn, tại Philippines, một công ty quản lý vận hành cao tốc đã thể hiện việc đối xử với tài xế như khách hàng qua việc công bố "toll holidays" - ưu đãi miễn thu phí cho tất cả phương tiện vào dịp giáng sinh và năm mới.
Trong một tình huống cao tốc bị kẹt xe, công ty này thông báo: "Thật không may là nhiều người lái xe đã bị kẹt xe vào thứ 2 tuần trước. Chúng tôi xin lỗi vì sự bất tiện này".
Theo PGS Trần Chủng, trong tương lai, khi xã hội nhận thức rõ hơn về vai trò của đơn vị quản lý vận hành, các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ này sẽ phải cạnh tranh với nhau gay gắt hơn để được trao quyền phục vụ người dân. Họ cũng có thể bị thay thế nếu liên tiếp để xảy ra các tình huống thiệt hại cho tài xế.
Tại Việt Nam chưa có nhiều tiền lệ về việc Nhà nước trao quyền quản lý, vận hành đường cao tốc cho một công ty O&M chuyên nghiệp. Ví dụ khả dĩ nhất là trường hợp Bộ GTVT bán quyền thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương cho Công ty Yên Khánh của Đinh Ngọc Hệ. Vụ việc được phán quyết là gây thất thoát tài sản Nhà nước, khiến 2 cựu Bộ trưởng GTVT vướng lao lý.
Chuyên gia dự báo trong tương lai, việc quản lý vận hành đường cao tốc sẽ là một nhu cầu lớn khi Nhà nước xây xong loạt cao tốc Bắc - Nam và phê duyệt cơ chế thu phí các tuyến cao tốc do Nhà nước quản lý. Các đơn vị O&M tư nhân có thể tham gia đấu thầu.
Những cuốn sách hay về xã hội
Tủ sách Xã hội giới thiệu những cuốn sách hay và mới về các chủ đề từ thời sự, chính trị, đến giao thông, hạ tầng... Tủ sách đồng thời cung cấp nhiều kiến thức, dữ liệu để độc giả hiểu nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.