Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

BRANDVOICE

Tái sinh rừng - chuyện chẳng của riêng ai

Diện tích rừng dần thu hẹp, tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu ngày một lớn khiến công cuộc tăng độ phủ rừng trở nên cấp thiết và đòi hỏi trách nhiệm của mỗi người.

Tầm quan trọng của việc trồng và bảo vệ rừng được ví như hơi thở, cần tranh thủ từng phút giây. Hiểu điều đó, nhiều doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân chung tay góp sắc xanh vì lá phổi của Trái Đất.

Theo Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO), rừng đảm nhận 5 vai trò chính gồm: Nuôi dưỡng đất; lưu trữ carbon, trả lại oxy cho sinh giới cũng như giảm hiệu ứng nhà kính; cung cấp thực phẩm lành mạnh cho hàng triệu người, nguồn sinh kế của khoảng 1,6 tỷ người; điều tiết nước; nơi ở của khoảng 80% giống loài sống trên cạn với hơn 60.000 loài cây. Rừng chứa đựng cả kho báu của Trái Đất.

Thế nhưng, kho báu ấy dần bị đe doạ khi thế giới mất đi 10 triệu ha rừng mỗi năm - tương đương diện tích của Iceland, bằng 12-20% lượng khí thải nhà kính toàn cầu góp phần gây ra biến đổi khí hậu. Ngày nay, hơn 1 triệu trong 8 triệu loài động, thực vật trên hành tinh đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Gần 2 tỷ ha diện tích đất - lớn hơn Nam Mỹ - bị suy thoái.

Tại Việt Nam, năm 2021, cả nước trồng được 277.830 ha rừng, tỷ lệ che phủ đạt 42,02%, tăng 0,01% - tương ứng 3.300 ha so với năm 2020. Ở chiều ngược lại, cả nước phát hiện 2.653 vụ vi phạm quy định về bảo vệ rừng, giảm 13% so với năm 2020. Diện tích rừng thiệt hại là 1.229 ha, tăng 527 ha. Con số thiệt hại giảm so với những năm trước, song mỗi năm vẫn có hàng nghìn ha biến mất.

Tổ chức FAO nhận định quản lý rừng bền vững kết hợp sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên từ rừng là cách tốt nhất chống lại biến đổi khí hậu, đóng góp vào sự thịnh vượng, hạnh phúc của thế hệ hiện tại và tương lai. Bảo vệ, tăng diện tích rừng trở thành vấn đề cấp thiết, tương tự nhu cầu thở, ăn uống hàng ngày của mỗi người. Và hành trình gian nan ấy không chỉ phụ thuộc vào một đối tượng nào, mà cần sự chung tay của từng cá nhân, tổ chức.

Sau khi tốt nghiệp ngành lâm nghiệp, ông Lê Thanh Sang về Cần Giờ, gắn bó với rừng đến nay đã hơn 12 năm. Ông kể sau chiến tranh, cánh rừng nguyên sinh bị tàn phá hoàn toàn, trở thành khu đất trống, có thể nhìn thẳng sang Vũng Tàu vì không có bất kỳ cây xanh nào che chắn. Người dân và đơn vị quản lý phải ra sức trồng, khôi phục rừng.

Công cuộc “tái sinh” rừng Cần Giờ không đơn giản bởi hơn 60% diện tích trồng đước - giống cây phù hợp môi trường đất ngập mặn. Đơn vị chuyên trách phải xuống tận rừng ngập mặn đất mũi Cà Mau - nơi có điều kiện thổ nhưỡng tương tự - lấy trụ mầm và vận chuyển bằng đường biển trong một tháng. Quá trình vận chuyển gian nan là thế, song không phải tất cả đều sống sót.

Phải đến giai đoạn 1978-1990, Cần Giờ mới đủ nguồn lực về giống để chuyển qua giai đoạn bảo vệ rừng. Quỹ đạo tái sinh rừng dần ổn định, nhưng đường xá và phương tiện di chuyển nhiều khó khăn. Ông Sang nhớ mãi anh em mất đến 2 ngày nếu muốn từ rừng về thăm nhà.

Bao mồ hôi, công sức của những người góp phần tái sinh rừng được đền đáp khi năm 2000, UNESCO công nhận rừng ngập mặn của huyện Cần Giờ là Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới. Cũng từ đó, TP.HCM tự hào là nơi đầu tiên trên cả nước có khu dự trữ sinh quyển ngay trong thành phố.

Khu dự trữ hiện là nhà của 157 loại thực vật thuộc 76 họ; trong đó có 35 loại cây rừng ngập mặn thuộc 24 họ, 36 chi. Các loài cây chủ yếu ở rừng ngập mặn Cần Giờ là bần trắng, mắm trắng, đước đôi, ổi, trang, đứng… Cùng với đó, hệ động vật thủy sinh không xương sống có trên 700 loài, hệ cá trên 130 loài. Khu hệ thú có 19 loài, 13 họ, 7 bộ, nổi bật là mèo rừng, khỉ đuôi dài, cầy vòi đốm, nhím…

Những năm gần đây, ông Sang đón ngày một nhiều đoàn khách đến tham quan, muốn tìm về nơi trong lành, yên tĩnh. Nhu cầu ban đầu dừng ở du lịch, gần gũi thiên nhiên, nghiên cứu, sau đó phát triển dần lên thành mong muốn góp mầm xanh, tăng độ phủ rừng.

Dấu hiệu tích cực này cũng được bà Đỗ Thị Thanh Huyền, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia, ghi nhận. Bà chia sẻ nhiều doanh nghiệp tìm đến trung tâm với hy vọng giúp nhân viên trải nghiệm hệ sinh thái rừng, kết hợp nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, hạn chế phần nào hậu quả của tình trạng biến đổi khí hậu. Trồng rừng không còn chỉ là trào lưu, mà từng bước trở thành một phần ý thức, trách nhiệm.

5h30 sáng tháng 6, ông Nguyễn Văn Dũng (58 tuổi, TP.HCM) có mặt trước tòa nhà Bitexco tại trung tâm quận 1, TP.HCM, để hòa vào đoàn gần 30 đồng nghiệp khác tham gia trồng cây rừng ngập mặn Cần Giờ. Gắn bó từ khi công ty mới thành lập, hơn 7 năm qua, ông Dũng chưa khi nào thôi hào hứng trước những hoạt động tập thể. Thế nhưng, lần này có phần khác hơn - lần đầu ông được tận tay trồng cây gây rừng.

“Năm nào công ty cũng tổ chức cho nhân viên dã ngoại, vui chơi hoặc tham gia các cuộc thi… Dù vậy, đây là năm đầu tiên có hoạt động trồng cây. Khi phòng nhân sự ngỏ lời, tôi đồng ý ngay”, ông Dũng chia sẻ.

Là đội trưởng, ông luôn ý thức làm gương để anh em noi theo. Biết thông tin 3-4 ngày trước sự kiện, nam tài xế sắp xếp công việc, phân bổ đơn cho đồng đội để đảm bảo hàng hóa vẫn đến tay khách kịp thời. Tác phong hoàn thành sớm công việc được nam tài xế đưa vào cả hoạt động trồng cây. Cũng vì vậy, dù đã U60, ông Dũng vẫn hoàn thành chỉ tiêu trồng 10 cây trước toàn đoàn.

“Mệt nhưng vui. Tôi hy vọng có thêm nhiều đợt trồng cây để anh em có thể thay phiên nhau tham gia”, ông hào hứng.

Không phải thành tích trồng nhanh hay nhiều, điều ông Dũng tự hào nhất là hoạt động của công ty sẽ lan tỏa đến những cá nhân, doanh nghiệp khác. Không chỉ 30 mà 3.000, 30.000 nhân viên toàn công ty sẽ được truyền cảm hứng, ý thức bảo vệ môi trường thời gian tới.

Chung cảm nhận và mong ước như ông Dũng, gần 30 thành viên khác của đoàn bày tỏ có cơ hội đóng góp phần nhỏ bé cho thiên nhiên, môi trường. Họ cũng khẳng định sẽ kêu gọi thêm đồng nghiệp trong chuyến trồng cây lần sau.

Hơn 300 cây cóc trắng mà ông Dũng và đồng nghiệp trồng tại Cần Giờ đợt này nằm trong 1.000 cây do chương trình “Góp sức nhỏ, xây rừng lớn” đóng góp. Chương trình được Zing News phối hợp Công ty cổ phần Giao Hàng Tiết Kiệm, Trung tâm Bảo tồn Tự nhiên Gaia tổ chức nhằm nâng cao ý thức bảo vệ rừng và lan tỏa cảm hứng trồng cây, giảm tác động tiêu cực của biến đối khí hậu đến đời sống kinh tế, xã hội.

Trồng rừng kết hợp tham quan hệ sinh thái Khu Dự trữ Sinh quyền cần Giờ tiếp thêm kiến thức, tình yêu thiên nhiên đến người tham gia. Từng mầm cây nhỏ bén rễ xuống đất hôm nay có thể góp sắc xanh tạo nên cánh rừng lớn vào ngày mai, thêm hy vọng về tương lai tốt đẹp hơn.

Zing News cùng Công ty cổ phần Giao Hàng Tiết Kiệm (GHTK) đồng hành trong chương trình “Góp sức nhỏ, xây rừng lớn” đóng góp 1.000 cây xanh tại Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cần Giờ.

GHTK là công ty công nghệ hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực bưu chính với ưu thế tốc độ, mạng lưới khắp toàn quốc và có thế mạnh trong việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới cho hoạt động của mình.

Để biết thêm thông tin về chương trình “Góp sức nhỏ, xây rừng lớn”, độc giả truy cập tại đây. Tham khảo thông tin về GHTK và các hoạt động đóng góp cho cộng đồng tại website giaohangtietkiem.vn.

An Di - Phan Châu Giang

Ảnh: Quỳnh Danh - Duy Hiệu
Đồ họa: Khôi Khôi

Bạn có thể quan tâm