Ảnh: Freepik. |
Câu trả lời cho câu hỏi này có thể nằm trong nghiên cứu của nhà tâm lý học người Ấn Độ tên là Dev Singh, hiện làm việc tại Đại học Texas ở Austin. Ông quan sát thấy cơ thể phụ nữ, không giống như đàn ông, trải qua hai lần thay đổi đáng chú ý giữa tuổi dậy thì và trung niên. Mười tuổi, một cô bé có dáng người không khác với dáng người cô có ở tuổi 40.
Sau đó, đột nhiên các con số về số đo quan trọng của cô bị thay đổi: Tỉ lệ số đo vòng eo so với vòng ngực và hông của cô giảm đi nhanh chóng. Sau tuổi 30, nó lại tăng lên khi ngực cô mất đi sự săn chắc và vòng eo mất đi sự thon thả. Tỉ lệ của vòng eo so với ngực và hông không chỉ là những con số quan trọng mà còn là đặc điểm mà thời trang luôn nhấn mạnh đến.
Áo lót, áo nịt ngực, vòng làm phồng váy, khung lót áo và váy phồng tồn tại để làm cho vòng eo trông nhỏ hơn so với ngực và mông. Áo ngực, miếng ghép độn ngực, miếng đệm vai (làm cho vòng eo trông nhỏ hơn) và thắt lưng bó sát ngày nay cũng có nhiệm vụ tương tự.
Singh nhận thấy rằng mặc dù cân nặng của các cô gái Playboy đã thay đổi, có một đặc điểm thì không: tỉ lệ giữa vòng eo và vòng hông của họ. Hãy nhớ lại Bobbi Low tại Đại học Michigan cho rằng mỡ ở ngực và mông nhằm chứng tỏ xương hông rộng và lượng mô vú cao, trong khi vòng eo gầy chỉ ra rằng những đặc điểm đó không thể là do mỡ gây ra.
Lý thuyết của Singh hơi khác biệt nhưng cũng tương đồng một cách thú vị. Ông lập luận rằng, đàn ông sẽ thấy phụ nữ với gần như cân nặng nào cũng hấp dẫn miễn là vòng eo của cô ấy nhỏ hơn nhiều so với hông.
Nếu thấy điều này nghe có vẻ ngớ ngẩn, hãy xem xét kết quả thí nghiệm của Singh. Đầu tiên, ông cho những người đàn ông xem bốn phiên bản của cùng một bức ảnh về phần giữa cơ thể của một phụ nữ trẻ mặc quần short. Mỗi bức ảnh được thay đổi chút ít tỉ lệ eo-hông: 0:6; 0:7; 0:8 và 0:9. Lần nào cũng vậy, họ đã chọn phiên bản hấp dẫn nhất là phiên bản có tỉ lệ eo-hông nhỏ nhất. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên, nhưng ông đã thấy một sự nhất quán đáng chú ý giữa các đối tượng nghiên cứu của mình.
Tiếp theo, ông cho các đối tượng nghiên cứu xem một loạt các hình vẽ phụ nữ, thay đổi theo cân nặng và theo tỉ lệ eo-hông. Ông thấy rằng một người phụ nữ nặng cân với tỉ lệ eo-hông thấp được ưa thích hơn một phụ nữ gầy với tỉ lệ eo-hông cao. Hình mẫu lý tưởng là người có tỉ lệ eo-hông nhỏ nhất chứ không phải là người có thân hình gầy nhất.
Mối quan tâm của Singh là về chứng chán ăn, những kẻ bắt nạt và phụ nữ bị ám ảnh bởi việc giảm cân ngay cả khi họ gầy. Ông tin rằng vì việc ăn kiêng của phụ nữ gầy không có tác dụng gì đối với tỉ lệ eo-hông - nếu có thì nó làm cho tỉ lệ này lớn hơn vì hông bị thu nhỏ lại - họ bất hạnh vì không bao giờ cảm thấy mình hấp dẫn hơn.
Tại sao tỉ lệ eo-hông lại quan trọng? Singh quan sát thấy rằng sự phân phối chất béo “gynoid”, loại mỡ tích tụ nhiều hơn ở hông, ít hơn ở thân trên, rất cần thiết cho những thay đổi nội tiết tố liên quan đến khả năng sinh sản ở nữ giới. Sự phân bố chất béo “android”, mỡ tích tụ ở bụng và ít hơn ở hông, liên quan đến các triệu chứng bệnh tật ở nam giới như bệnh tim, thậm chí cả ở phụ nữ.
Nhưng cái nào là nguyên nhân và cái nào là kết quả? Theo tôi, có nhiều khả năng là ảnh hưởng của nó đến cả hình dáng và hormone đều do sự chọn lọc hữu tính của các thế hệ nam giới hơn là do sở thích của nam giới về hình dáng bởi vì đó là cách duy nhất các hormone có thể bị buộc phải làm việc.
Khoảng thời gian tương đối ngắn mà phụ nữ có thân hình đồng hồ cát, giả sử từ 15 đến 30 tuổi, là một hiện tượng chọn lọc hữu tính. Nó là do sự cạnh tranh để thu hút đàn ông hơn bất kỳ nhu cầu sinh học nào khác. Đàn ông đã vô thức đóng vai trò là người gây giống có chọn lọc của phụ nữ.
Low đưa ra một lý do khả dĩ cho sự ưa thích tỉ lệ eo-hông thấp của nam giới - chọn phụ nữ hông rộng có khả năng sinh nở cao hơn.
Hầu hết loài vượn sinh ra những con non có bộ não đã phát triển được một nửa. Não của các em bé sơ sinh đã phát triển một phần ba ở thời điểm được sinh ra và chúng ở trong bụng mẹ trong khoảng thời gian ít hơn nhiều so với động vật có vú bình thường, so với tuổi thọ của con người. Lý do rất rõ ràng: Nếu cái lỗ trong khung xương chậu mà qua đó chúng ta được sinh ra (âm đạo) tương đối lớn hơn, các bà mẹ của chúng ta sẽ không thể đi lại được.
Chiều rộng của hông con người đạt đến một giới hạn nhất định và không thể lớn hơn được nữa. Khi bộ não tiếp tục phát triển lớn hơn, sinh sớm hơn là lựa chọn duy nhất của loài người. Hãy tưởng tượng áp lực tiến hóa của quá trình này lên kích thước hông của phụ nữ. Người đàn ông luôn luôn khôn ngoan khi chọn người phụ nữ có hông lớn nhất mà anh ta có thể tìm thấy, thế hệ này qua thế hệ khác, trong hàng triệu năm.
Tại một thời điểm nhất định, kích thước vùng hông không lớn hơn được nữa nhưng đàn ông vẫn có sở thích này, vì vậy phụ nữ có vòng eo thon thả trông có vẻ có hông lớn hơn nên được ưa thích hơn.
Tôi không biết mình có tin câu chuyện này hay không. Tôi không thể tìm thấy lỗ hổng logic nào trong đó (mặc dù trong lần đọc đầu tiên dường như có rất nhiều), cũng như tôi không thể hoàn toàn cho rằng nó phù hợp để lý giải niềm đam mê sự mảnh mai của đàn ông.
Tôi cũng có một nghi ngờ dai dẳng về các giả định của chúng ta rằng xu hướng ngưỡng mộ sự mảnh mai đã thay đổi. Giả sử các giả định của chúng ta là sai, như trong câu chuyện của nhà vua và con cá vàng. Giả sử đàn ông luôn thích phụ nữ mảnh mai hơn phụ nữ mập mạp vì sự mảnh mai có nghĩa là trẻ trung và trinh tiết.
Rốt cuộc, như mọi công ty mỹ phẩm và bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ đều biết, tuổi trẻ luôn là chìa khóa đáng tin cậy nhất của cái đẹp. Có lẽ đàn ông không coi sự mảnh mai là dấu hiệu của địa vị hoặc khả năng sinh sản mà là của tuổi trẻ.