Chiều ngày 15/7, khoa Văn học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội tổ chức thuyết trình khoa học “Ảnh hưởng quốc tế của tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh”.
Trước sự chứng kiến của vị khách mời đặc biệt là nhà văn Bảo Ninh - cha đẻ tiểu thuyết - và các giảng viên, nghiên cứu sinh, sinh viên của khoa Văn học, diễn giả Giáo sư, Tiến sĩ Laichen Sun đã dành gần hai giờ đồng hồ để nói về ảnh hưởng quốc tế của tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh. Ông nêu lý do tại sao cuốn tiểu thuyết này lại được cộng đồng quốc tế quan tâm. TS Laichen Sun giảng dạy ở Đại học bang California tại Fullerton, Mỹ, Tổng biên tập Tạp chí Chuỗi dịch thuật nước ngoài ở Đông Nam Á, thành viên Hội đồng quản trị Hiệp hội Châu Á về lịch sử thế giới.
Nhà văn Bảo Ninh. |
Mở đầu phần thuyết trình, Laichen Sun đã trích dẫn một số nhận định về cuốn tiểu thuyết này:
“Ở Việt Nam từ khi xuất bản Nỗi buồn chiến tranh, mọi người không còn mô tả chiến tranh như trước đây nữa”, ông Phạm Xuân Nguyên - cựu Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội nói.
“Trước khi đến Việt Nam, tìm hiểu về Việt Nam, bạn hãy đọc Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh”, Nhà xuất bản Lonely Planet chuyên xuất bản sách hướng dẫn Du lịch có trụ sở ở Melbourne, Australia khuyến nghị.
“Tất cả các trường học trên thế giới nên đọc cuốn tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh”, nhà văn người Anh và đạo diễn từng đoạt giải thưởng Charlie Raman nói.
“Tiểu thuyết vượt lên thời gian và không gian và có ảnh hưởng đến nhiều thế hệ”, Kang Young Ha, một nhà văn nổi tiếng của Hàn Quốc nhận xét.
Laichen Sun cho biết ông đã dành nhiều công sức và thời gian để tìm hiểu tác phẩm Nỗi buồn chiến tranh của nhà văn Bảo Ninh khi nhận lời viết lời giới thiệu cuốn tiểu thuyết dịch xuất bản ở Trung Quốc. Sau khi đọc tác phẩm, ông đã viết lời giới thiệu 97 trang (khoảng 70.000 chữ tiếng Trung). Riêng phần tóm tắt đã là 6.000 chữ.
Laichen Sun cũng cho biết có hàng trăm công trình trên thế giới nghiên cứu cuốn tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh. Đây là tác phẩm lớn đáng để tìm hiểu, không chỉ bởi vai trò của nó trong thúc đẩy hòa bình ở châu Á mà nó còn giúp chúng ta hiểu được giá trị của hòa bình và căm ghét chiến tranh.
Nhà văn Bảo Ninh (bên trái), Giáo sư, Tiến sĩ Laichen Sun (giữa) trong buổi thuyết trình. |
Nhiều vấn đề liên quan đến cuốn tiểu thuyết được Laichen Sun tìm hiểu rất cặn kẽ, ông còn lập các phụ lục với hàng loạt số liệu thống kê về các công trình trích dẫn cuốn tiểu thuyết, các bài phỏng vấn nhà văn Bảo Ninh, những trường đại học, trung học sử dụng tiểu thuyết, các thứ tiếng dịch tác phẩm…
Ông cho biết cuốn tiểu thuyết dịch ra 15 thứ tiếng, 18 phiên bản (mỗi thứ tiếng Nhật, tiếng Hàn và tiếng Trung có hai phiên bản), tiếng Anh, Hà Lan, Đan Mạch, Thụy Điển, Pháp, Đức, Ba Tư, Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ba Lan, Thái Lan. Phần lớn các bản dịch là chuyển ngữ lại từ bản tiếng Anh, cho dù chưa thực sự chính xác nhưng nó vẫn chiếm được sự quan tâm lớn lao của quốc tế.
"Nỗi buồn chiến tranh của nhà văn Bảo Ninh góp phần làm cho Việt Nam nổi tiếng. Đây là cuốn tiểu thuyết tiếng Việt được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất thế giới, tác phẩm văn học nổi tiếng nhất của Việt Nam từ trước tới giờ. Một trong những tác phẩm văn học lớn nhất trên thế giới. Một tác phẩm về chiến tranh nổi tiếng nhất thế kỷ XX", GS Laichen Sun dành nhiều lời ca ngợi.
Cuốn tiểu thuyết còn vượt qua khỏi lãnh địa văn chương sang các lĩnh vực khác như tâm thần học, tâm lý học, giới sử học và các khoa học khác cũng rất quan tâm.
Tác phẩm này còn được giảng dạy rộng rãi trong các đại học ở Mỹ và một số nước, được xếp cùng nhiều tác phẩm danh giá khác và có vị trí trang trọng trong không gian trường học Mỹ. Không những thế tiểu thuyết còn ảnh hưởng đến không ít các học giả và là nguồn cảm hứng cho nhiều nhà văn quốc tế.
Laichen Sun cho biết sau khi đọc Nỗi buồn chiến tranh ông rất xúc động và tác phẩm này đã làm thay đổi cách dạy lịch sử của ông. Trong hơn 10 năm dạy học, trong các tiết học, ông luôn yêu cầu sinh viên đọc tác phẩm này để hiểu hơn về lịch sử Việt Nam, về sự tàn phá của chiến tranh, sự khủng khiếp của chiến tranh, căm ghét chiến tranh và nuôi dưỡng tình yêu hòa bình.
Nhà văn Bảo Ninh cho biết nhờ bài thuyết trình của Giáo sư Laichen Sun mà ông biết tiểu thuyết của mình được sự quan tâm của quốc tế. Nhưng ông cũng băn khoăn khi thực trạng của văn học Việt Nam trầm lắng. Bởi nhiều tác phẩm chưa được dịch sang các ngôn ngữ khác. Ông đề nghị giáo sư với uy tín của mình nên quảng bá, giới thiệu nhiều tác phẩm văn học của Việt Nam ra quốc tế.
Tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” được dịch ra nhiều thứ tiếng. |
Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh xuất bản lần đầu vào năm 1990 với tiêu đề do các biên tập viên xuất bản lựa chọn: Thân phận của tình yêu. Một năm sau đó cuốn sách đầu tay này của nhà văn Bảo Ninh được tái bản với tiêu đề của chính tác giả: Nỗi buồn chiến tranh.
Sự ra đời của cuốn tiểu thuyết đặt dấu mốc quan trọng, mở ra một lối viết khác, cách nhìn khác về chiến tranh. Nếu như trước đây, chiến tranh thường được tái hiện từ cái nhìn của cộng đồng, con người thường được khai thác từ phương diện xã hội, được nhìn từ góc độ của cái đẹp, cái anh hùng, và kết cấu tiểu thuyết thường được xây dựng theo chiều tuyến tính, thì đến Nỗi buồn chiến tranh, người ta bắt gặp một lối viết hoàn toàn mới: Cá nhân hoá hư cấu, xây dựng nhân vật trên phương diện tâm lý cá nhân, tái hiện cuộc chiến từ góc độ chủ yếu là bi kịch, với kết cấu tiểu thuyết theo mô hình dòng ý thức, tiểu thuyết ở bên trong tiểu thuyết.
Sự đổi mới trong cả cách nhìn và lối viết ấy khiến cho chiến tranh và con người bước ra từ cuộc chiến hiện lên với tính hiện thực, phức tạp, đa chiều, nhiều ám ảnh. Đó là một tiểu thuyết giúp con người bước vào hành trình đi tìm chân lý: Chiến tranh là nỗi buồn, là điều khủng khiếp, nhưng chính sự sẻ chia nỗi buồn ấy là gia tài quý báu mang lại sức mạnh vĩ đại để những người lính vượt qua nó, và hoà bình chính là điều quý giá nhất của nhân loại.
Tiểu thuyết này cũng kiến tạo một hành trình đi tìm một lối viết mới về chiến tranh và khơi nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm sau này.