Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hãy để bạn đọc có quyền ghét Kiều

Tôn trọng ý kiến đa chiều về nàng Kiều, đọc tác phẩm mà không chịu sự sùng kính, thiêng liêng nào là cách để “Truyện Kiều” có sức sống trong hôm nay.

“Làm thế nào để lớp trẻ hôm nay đọc Truyện Kiều?”, đó là câu hỏi mà nhà báo, MC Phan Đăng đưa ra tại hội thảo Đọc lại Truyện Kiều. Hội thảo do Viện Goethe tổ chức trong hai ngày cuối tuần qua (13 và 14/7 tại Hà Nội), với sự tham gia của các học giả, nhà nghiên cứu, phê bình, những người hoạt động nghệ thuật… Tuy không phải người trình bày tham luận, song câu hỏi của MC chương trình “Ai là triệu phú?” đã nêu ra vấn đề cốt lõi của hội thảo.

Không nghi ngờ gì nữa, tới nay Truyện Kiều là tác phẩm quan trọng nhất của văn học Việt Nam. Vậy, ta còn gì để nói về Kiều, khi đã có quá nhiều công trình nghiên cứu luận bàn về tác phẩm này? Không nhằm vinh danh, nhắc lại những giá trị trong tác phẩm của đại thi hào Nguyễn Du, hội thảo cố gắng khám phá Truyện Kiều bằng những diễn giải đương đại.

Người ngoại quốc nghĩ gì về Kiều?

Đối với ông Wilfried Eckstein - Viện trưởng Viện Goethe Hà Nội - thì Truyện Kiều trở thành phương tiện tiếp cận văn hóa, văn học Việt Nam. Ông cho biết tác phẩm đã được xuất bản tiếng Đức năm 1964 qua bản dịch của vợ chồng Irene và Franz Faber. Những bản chuyển ngữ đã giúp nâng “nàng Kiều” vào hàng ngũ văn học thế giới. Viện trưởng Viện Goethe cho rằng việc chuyển ngữ cũng đưa Nguyễn Du vào “những trụ cột văn học kinh điển thế giới như Cervantes, Chekhov, Shakespeare và Goethe”.

Truyen Kieu gui thong diep gi cho hom nay? anh 1
The Song of Kiều thuộc tủ sách kinh điển của NXB Penguin.

Truyện Kiều thậm chí còn lôi cuốn những độc giả không biết nhiều về Việt Nam. Câu chuyện của một cô gái đã làm rung động nhiều người đọc. Do đó, Truyện Kiều trở thành một phương tiện thấu hiểu văn hóa và thiết lập lại mối quan hệ với Việt Nam”, ông Wilfried Eckstein nói.

Theo một thống kê của GS Nguyễn Văn Hoàn, Truyện Kiều đã được dịch ra 16 thứ tiếng trên thế giới, trong 16 thứ tiếng này, có đến 48 bản dịch khác nhau (tính đến năm 2015). Tác phẩm đã có bản tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hy Lạp, Mông Cổ, Ả rập… Gần đây nhất, NXB danh tiếng Penguin phát hành kiệt tác của Nguyễn Du với tên The Song of Kiều: A New Lament (Timothy Allen dịch tiếng Anh) trong tủ sách tác phẩm kinh điển.

Với Wilfried Eckstein, Truyện Kiều giúp ông hiểu thêm về văn hóa, phong tục, truyền thống Việt Nam. Dưới con mắt một độc giả ngoại quốc, lần đầu đọc tác phẩm, ông quan tâm tới lý trí của Kiều, làm thế nào mà một cô gái sống trong kìm kẹp phong kiến có thể bảo toàn được tính mạng và sống theo ý riêng của mình.

“Tôi đặc biệt chú ý chi tiết Kiều trốn khỏi lầu xanh, cô đã lấy trộm một món đồ bằng vàng, lúc ấy cô đấu tranh tư tưởng gay gắt, và quyết định nếu không ăn trộm thì cuộc đời mình tiếp tục bị giam cầm. Đó là một sự phá cách so vời thời xưa. Kiều đã đấu tranh để lấy lại phẩm giá cho mình”, Wilfried Eckstein nói.

Truyen Kieu gui thong diep gi cho hom nay? anh 2
Irene và Franz Faber - những người dịch Truyện Kiều sang tiếng Đức. 

Một điểm quan trọng mà Wilfried Eckstein rút ra khi đọc Kiều, đó là một lời hứa. “Tác phẩm nói với chúng ta rằng, chỉ thông qua giáo dục, học hành mới tạo ra được danh tính, phẩm hạnh cho mình. Trong mọi hoàn cảnh, Kiều luôn tự cứu mình bằng tài thi ca, đàn hát”, Viện trưởng Viện Goethe nói.

Nhà báo Phan Đăng kể, một người bạn của anh ở Mỹ sau khi đọc xong Truyện Kiều nhận xét rằng cô ấy ghét nhân vật chính. Loạt câu hỏi đã được cô gái Mỹ đưa ra: Tại sao Kiều lại lựa chọn cách trao duyên? Sao cô ấy “bắt” em gái lấy người yêu của mình? Lỡ Thúy Vân không thích Kim Trọng thì sao?

TS Bùi Trân Phượng cho rằng một cô gái trẻ đến từ nền văn hóa khác, thời đại khác hoàn toàn có thể đặt ra những câu hỏi như vậy. Việc khác biệt đó giúp bạn đọc khám phá những khía cạnh, chiều kích của tác phẩm kinh điển. Bà cho rằng tôn trọng quyền được ghét Kiều cũng là cách để tác phẩm trung đại có sức sống. 

Những thông điệp Truyện Kiều gửi tới ngày nay

200 năm qua, kể từ khi Nguyễn Du sáng tác Truyện Kiều, tác phẩm chưa bao giờ ngừng hiện diện trong đời sống văn học nghệ thuật. Không chỉ là nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm nghệ thuật, đi vào đời sống, sinh hoạt dân gian, kiệt tác này được chuyển thể sang nhiều ngôn ngữ khác.

Theo nhà sử học Vũ Đức Liêm (giảng viên Đại học Sư phạm Quốc gia Hà Nội), Truyện Kiều luôn có những giá trị, quan trọng là ở mỗi thời điểm, người ta lại nhìn và nhấn mạnh thông điệp nào.

Khi mới viết ra, Nguyễn Du cho rằng đó là tác phẩm “mua vui”, nhưng Kiều đã trở thành một bảo vật của nền văn hóa Việt. Hai thế kỷ biến động, thăng trầm của thời đại đã tạo ra các cách tiếp nhận Truyện Kiều khác nhau.

Truyen Kieu gui thong diep gi cho hom nay? anh 3
Truyện Kiều phiên bản minh họa của các họa sĩ đương đại năm 2017. 

Truyện Kiều ra đời trong bối cảnh chữ Hán chiếm ưu thế trong hệ thống hành chính, nhưng tác phẩm được viết bằng ngôn ngữ bản địa (Quốc âm), sử dụng chữ viết bản địa hóa (chữ Nôm). Tác phẩm vươn lên thành biểu tượng tinh hoa, giá trị biểu đạt cho văn hóa, ngôn ngữ Việt.

Đầu thế kỷ 20, Truyện Kiều xuất hiện với bản Quốc ngữ. Người ta nhấn mạnh khả năng biểu đạt ngôn ngữ tiếng Việt trong tác phẩm của Nguyễn Du. Năm 1924, Phạm Quỳnh nói văn chương ta chỉ có độc một quyển, Truyện Kiều, vừa là truyện, vừa là thánh thư, kinh thư, phúc âm của cả một dân tộc.

Vậy trong thời đại ngày nay, Truyện Kiều trao truyền lại những thông điệp gì? Nhà nghiên cứu Vũ Đức Liêm cho rằng tác phẩm thể hiện những giá trị cá nhân, đạo đức, quyền của người Việt. Ta có thể tìm thấy trong tác phẩm tự do cá nhân xung đột với ràng buộc đạo đức, tình yêu xung đột với chữ hiếu, phẩm giá con người (trinh tiết, danh dự) xung đột với thương mại hóa và sự lũng đoạn của đồng tiền. Những câu hỏi như bao nhiêu tiền thì mua được phẩm giá, mua được con người?… không chỉ nhức nhối trong ngày nay, mà đã được Nguyễn Du đặt ra từ hai thế kỷ trước.

Từ góc độ nghệ thuật, GS Trần Đình Sử cho rằng Truyện Kiều đầy kịch tính, được cấu tạo như một vở kịch. Điều đó cho phép chuyển thể tác phẩm sang nhiều hình thức nghệ thuật khác ở thời nay.

"Nguyễn Du rất đặc sắc khi tạo ra kịch tính. Thời gian của Truyện Kiều trở nên gấp khúc, chồng chéo. Họa này chưa xong thì tai ương kia lại đến đè bẹp con người, làm cho con người không còn đủ tỉnh táo, sáng suốt để xử lý. Con người bị thay bậc đổi ngôi quá nghiêm trọng trong thoắt chốc", GS Trần Đình Sử phân tích.

Truyen Kieu gui thong diep gi cho hom nay? anh 4
Tạo hình Thúy Kiều - Kim Trọng trong một vở kịch của đạo diễn Anh Tú. 

Trước biến cố, Kiều là cô gái luôn chủ động. Cô là người “đánh đường tìm hoa”, trong đêm khuya đã xăm xăm băng vườn để gặp người thương. Khi gia đình bị vu oan, cô sắp xếp mọi việc, rồi tự bán mình để đổi lấy sự bình yên cho gia đình. Cô cũng là người khuyên Thúc Sinh về thu xếp với vợ cả Hoạn Thư, khuyên Từ Hải ra hàng quy thuận triều đình. Và kết cục, khi về với Kim Trọng, cô cũng là người chủ động lựa chọn không chung giường chiếu.

“Đấu tranh với số phận là cuộc đấu tranh muôn đời của con người. Cho dù thất bại, sự đấu tranh ấy vẫn thể hiện mình là người”, GS Trần Đình Sử nói. Chủ động đấu tranh với số mệnh chính là ví dụ tiêu biểu cho thấy, dù viết trong xã hội phong kiến, Truyện Kiều vẫn có những giá trị bất biến, phù hợp với quan điểm, đạo đức, thẩm mỹ ngày nay.

Tần Tần

Bạn có thể quan tâm