Cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên chống lại thực dân Pháp năm 1917 xuất phát từ sự liên lạc giữa Đội Cấn, tức Trịnh Văn Cấn, chỉ huy lực lượng binh sĩ yêu nước ở Trại lính khố xanh ở tỉnh lị Thái Nguyên và nhà cách mạng Lương Ngọc Quyến (hiệu Lập Nham), đứng đầu lực lượng tù chính trị trong Nhà lao Thái Nguyên.
Làm cách nào để hai người đứng đầu này trao đổi được với nhau mà mưu tính cuộc khởi nghĩa? Lương Ngọc Quyến bị kết án là tù trọng phạm, bị cùm chân trong xà lim, bị đối xử ác nghiệt đến nỗi tê bại què chân, không đi được, mà kẻ giữ ngục lại là người Pháp. Đội Cấn là đội trưởng đội khố xanh ở bên trại lính lại không có quyền hành gì với đề lao. Hai bên đều cách biệt hẳn nhau và đều ở dưới con mắt luôn luôn xem xét rình mò của thực dân Pháp.
"Hy sinh mà có lợi cho nước nhà, em đây chẳng tiếc thân"
Trong tác phẩm Lương Ngọc Quyến (NXB Hồng Đức, 2014), xuất bản lần đầu năm 1946, tác giả Đào Trinh Nhất (1900-1951) tiết lộ một mắt xích quan trọng thực hiện nhiệm vụ kết nối liên lạc giữa hai vị đứng đầu khởi nghĩa này. Đó là một hiệp nữ “một người đàn bà khôn ngoan, can đảm, chịu hy sinh tất cả thân thế gia đình cho việc cách mạng, ta phải cần biết”.
Sách Lương Ngọc Quyến thuộc tủ sách Góc nhìn Sử Việt. |
Đào Trinh Nhất, nhà văn, nhà báo giữa thế kỷ 20, ông được giới cầm bút đánh giá là người có “cách làm việc nghiêm túc, thận trọng và là người đã biết dùng ngòi bút nghệ thuật làm sống lại nhiều tài liệu đã mai một”
Trong tác phẩm, Đào Trinh Nhất cho biết câu chuyện về hiệp nữ được cụ nghè Tập xuyên Ngô Đức Kế viết trong tập Thái Nguyên thất nhật quang phục. Trong thời gian bị đầy đi Côn Đảo, cụ đã được những nghĩa sĩ Thái Nguyên cũng bị đi đày tại đây kể cho nghe tường tận chuyện này và gọi người phụ nữ ấy là hiệp nữ.
Ở trong ngục Thái Nguyên hồi bấy giờ, có nhiều tù chính trị. Lương Ngọc Quyến què liệt bị giam cầm đêm ngày, còn các người khác vẫn phải đi ra ngoài làm việc tuy án nặng hay nhẹ.
Trong số tù phạm có hai anh em ruột là Cả Thấu và Hai Vịnh cùng là chiến sĩ cách mạng và là con ông Cử làng Vân Cốc, tỉnh Sơn Tây tên là Phùng Văn Nhuận, một tướng lĩnh văn thân chống Pháp ngay từ lúc nền đô hộ mới xây trên miền Trung và Bắc.
Ông bị thực dân Pháp bắt và đưa ra xử chém giữa làng. Trước lúc chết, ông còn dặn lại con cháu mai sau phải giết giặc trả thù cho cha. Sau khi ông chết, cửa nhà bị tịch thu, vợ con phải phiêu bạt.
Lớn lên Cả Thấu và Hai Vịnh đều đi theo Đề Thám. Sau khi Đề Thám thất bại, bị giết, hai anh em họ Phùng ra sức thu gom tàn lực kháng chiến rồi bị bắt. Người Pháp kết án tù khổ sai đày lên Thái Nguyên. Từ lúc hai anh em họ Phùng phát vãng lên đây, cô em gái của họ thường lên thăm nom cấp dưỡng cho hai anh. Lúc đó, cô mới ngoài 20 tuổi, vẻ người xinh xắn, có duyên, ăn nói lanh lợi, dễ cảm mến.
Đội Cấn tuy đi theo Pháp nhưng lại bất bình với chế độ thực dân, có lòng yêu nước. Thường ngày ông vẫn ôm lòng ái mộ những chính trị phạm ở đề lao, ông thường tìm cách để thông tin và tặng thuốc men quà bánh. Nhất là nghe rõ ông Lập Nham có khí tiết, có học thức quân sự giỏi nên càng kính mến. Vì thế hai người vẫn trao đổi thanh khí cho nhau. Nhưng sau, nhờ có cô em chiến sĩ họ Phùng làm nội ứng, tin tức trao đổi mau lẹ.
Dần dà, thầy Đội Cấn có cảm tình với cô thôn nữ Sơn Tây họ Phùng. Cả Thấu và Hai Vịnh thấy thế liền nghĩ ra kế thỏa hiệp, nói thật cho cô biết đại sự đang mưu tính giữa các đồng chí trong đề lao và bên trại lính. Rồi đem nghĩa lớn thù nhà nạn nước ra thuyết phục em, yêu cầu cô nên hy sinh giúp đỡ cho đại sự chóng thành.
Nghĩa là cô thuận lấy Đội Cấn, để làm người liên lạc giữa ông ta với anh em chính trị phạm trong đề lao, như thế mới được kín đáo chắc chắn. Đồng thời, cô khôn khéo lựa lời khích lệ giục giã Đội Cấn làm sao cho việc khởi sự càng sớm, càng hay; kẻo để dây dưa lâu ngày không khỏi tai vách mạch rừng.
Cô suy nghĩ rồi trả lời ngay một cách quả quyết, vui vẻ: Quả như hy sinh mà có lợi cho việc nước thù nhà, em đây chẳng dám tiếc thân. Nhưng nhà chúng ta còn có mẹ già một mình em sớm thăm tối viếng. Em cần sắp đặt chỗ ấy cho yên ổn đã, trước khi vâng theo lời dạy của hai anh.
Mắt xích quan trọng trong khởi nghĩa Thái Nguyên
Tức thời, cô lên đường về Sơn Tây thu xếp việc nhà và hỏi ý kiến bà Nhuận. Bà nghe nói đến đâu, nét mặt tỏ vui sướng đến đấy, như đã tới lúc cho bà cất được gánh nặng tinh thần. Bà khuyên các con nên làm vì việc nước thù nhà. Thấy con gái lo sợ mẹ già phải liên lụy, bà nói đã có cách tự thoát.
Cách tự thoát của bà là cách nghĩa liệt như các bậc mẹ dũng sĩ, tự hủy mình trước, để cho con yên tâm làm việc, khỏi lo nghĩ cửa nhà. Ngay đêm hôm đó, bà đã thắt cổ tự tận, để khuyến khích các con làm cách mạng, không còn phải bận bịu ngoảnh lại phía sau nữa.
Sau khi chôn cất mẹ già, hiệp nữ lên thẳng Thái Nguyên, trở thành người vợ yêu dấu mong mỏi của thầy đội khố xanh họ Trịnh.
Khởi nghĩa Thái Nguyên là cuộc liên minh giữa hai lực lượng chính gồm binh sĩ yêu nước lính khố xanh và lực lượng tù chính trị. Ảnh minh họa |
Để mỗi ngày có hai lần ra vào đề lao, cô xoay sở bao thầu cơm lính, đem những thư từ tin tức của các chính trị phạm nhất là của ông Lập Nham mà ông Đội Cấn vẫn kính mến hỏi ý kiến mỗi khi gặp việc khó khăn, khích lệ ông Đội Cấn đã ôm ấp chí lớn, thì nên mau cử sự đi, kẻo lỡ cơ hội.
Thấy cô là người tâm cơ, lại biết chữ ít nhiều, cho nên Đội Cấn càng tin yêu, không ngần ngại phó thác mọi việc bí mật.
Một ngày cô đem chuyện xa tình gần, thù nước nợ nhà tỉ tê khuyên hơn là thúc giục chồng, hết sức khẩn khoản. Hơn nữa cô lại khéo léo làm cho cố kết tấm lòng cộng sự của Đội Giá, Cai Xuyên là bạn đồng tâm mưu đồ khởi nghĩa với Đội Cấn.
Mùa hạ, năm Đinh Tị (1917), hai lần Đội Cấn toan khởi sự, nhưng giờ chót lại hạ lệnh hoãn. Rồi đến đêm 13/7, lá cờ cách mệnh treo cao trên thành Thái Nguyên.
Chỉ tiếc rằng về sau không có ai biết cuộc đời hiệp nữ kết cuộc ra sao. Có người nói sau khi Quang phục bại trận phải bỏ thành Thái Nguyên rút vào núi rừng, cô đi theo sát cánh Đại đô đốc họ Trịnh, rồi bỏ mình ở trận Tam Đảo. Khoảng cuối tháng 8/1917, cả hai người anh của cô cũng chết ở trong trận này.