Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người Việt gò bó trong tư duy, thiếu sức tưởng tượng?

"Tri thức mà thiếu sức tưởng tượng dễ biến thành tri thức chết, tri thức không có tiềm năng phát triển", GS Hoàng Tụy nêu vấn đề từ năm 1999.

GS Hoàng Tụy (1927-2019) là một nhà khoa học hàng đầu Việt Nam trong thế kỷ 20. Cuốn sách Xin được nói thẳng tập hợp những bài viết của ông thể hiện tấm lòng thiết tha muốn phát triển khoa học, giáo dục nước nhà. Được sự đồng ý của Omega Plus - đơn vị nắm bản quyền sách - Zing.vn trích đăng bài viết "Thiếu sức tưởng tượng, trí thức không có tiềm năng phát triển" (viết năm 1999).

Điều gây ấn tượng cho tôi trong những chuyến công tác ở nước ngoài mấy năm gần đây là tại nhiều đại học ở phương Tây, một câu nói nổi tiếng của Einstein: “Trí tưởng tượng còn quan trọng hơn tri thức” được coi như một khẩu hiệu, một phương châm đào tạo.

Người dân Việt Nam thông minh, hiếu học, chuộng tri thức như ai cũng biết (tuy gần đây cái động cơ và phương pháp tìm đến và sử dụng tri thức đã bị méo mó khá nhiều), nhưng còn nghèo trí tưởng tượng. Nói ra điều đó có thể xúc phạm tự ái của nhiều người.

Tri thuc Viet thieu tri tuong tuong? anh 1
Sách Xin được nói thẳng. Ảnh: Omega Plus

Nhưng ai còn nghi ngờ xin hãy bình tĩnh đảo mắt nhìn qua một lượt các kiểu nhà biệt thự mới mọc lên ở thành phố trong thời mở cửa, và dạo qua các cửa hiệu, các chợ đầy ắp hàng Trung Quốc, hàng Thái Lan đang nghiễm nhiên chiếm lĩnh thị trường.

Từ quần áo, đồ chơi trẻ em, đồ dùng văn phòng, cho đến xe đạp, quạt máy… nhiều hàng nội của Việt Nam không cạnh tranh nổi vì thua kém cả mẫu mã, hình dáng, chủng loại, giá cả, và nhiều khi cả chất lượng, công dụng.

Thật ra đã từ lâu, chúng ta quá quen sao chép, ít chịu khó nghĩ ra ý tưởng mới. Nhìn lại từ cái bàn, cái ghế, cái giường, cho đến cây bút, cái cặp sách thời bao cấp mới thấy rõ sao mà ta bảo thủ đến vậy, có thể nói 50 năm không hề thay đổi. Cả đến cách dạy cách học ở nhà trường. Thời tôi đi học, tôi đã học toán như thế nào thì bây giờ các cháu học sinh phổ thông cũng học gần y như thế, chỉ có khác là lớp chuyên rất nhiều và học thêm, luyện thi vô tội vạ.

Đương nhiên ở đây có vấn đề hoàn cảnh và cơ chế, bởi vì cũng những con người ấy, hay cha anh họ, lại có đầu óc tưởng tượng phong phú biết bao trong cuộc chiến đấu chống xâm lược.

Có lẽ do hoàn cảnh lịch sử bị ảnh hưởng lối học từ chương khoa cử, ông bà ta bị gò bó quá nhiều trong tư duy, cho nên so với nhiều dân tộc khác chúng ta ít có những nhà tư tưởng lớn, những triết gia tầm cỡ, ít có những công trình kiến trúc đồ sộ dựa trên sức tưởng tượng phóng khoáng diệu kỳ.

Ngay cả những tác phẩm văn học hay nhất cũng chủ yếu làm say đắm lòng ta bởi văn chương mượt mà trau chuốt, gợi cho ta những tình cảm ưu ái thiết tha, giúp cho ta hiểu rõ hơn nhân tình thế thái, chứ ít có những pho truyện lớn, với tình tiết phức tạp, ý tưởng kỳ lạ, độc đáo, lôi cuốn ta vào những thế giới vừa thực vừa hư, vượt ra khỏi các giới hạn thực tại tầm thường. Văn học Việt Nam không có các loại tiểu thuyết như Tam Quốc, Thủy Hử, Hồng Lâu Mộng, hay các truyện của Alexandre Dumas, Victor Hugo, Lev Tolstoy, Fyodor M. Dostoevsky… Điều đó ít nhiều cũng nói lên nhược điểm của chúng ta.

Tri thuc Viet thieu tri tuong tuong? anh 2
GS Hoàng Tụy cùng các học trò. Ảnh: GS Trần Văn Nhung

Đương nhiên tri thức là cực kỳ quan trọng, thời nay còn quan trọng hơn bất cứ thời nào trong lịch sử. Ý nghĩa thời sự của câu nói của Einstein khi chúng ta chuẩn bị bước vào thế kỷ 19 là hơn bất cứ thời nào trong lịch sử, tri thức mà thiếu sức tưởng tượng dễ biến thành tri thức chết, tri thức không có tiềm năng phát triển. “Biết” và “hiểu” là rất cần để làm theo, đi theo, chứ hoàn toàn chưa đủ để sáng tạo, khám phá.

Thời nay hơn bao giờ hết, những tác phẩm không hồn, không cá tính, những sản phẩm không mang theo dấu ấn gì đặc biệt, nhàm chán như bao nhiêu thứ lặp đi lặp lại hàng ngày trong cuộc sống bằng phẳng, thì bất kể đó là ý tưởng, dịch vụ hay vật phẩm tiêu dùng, cũng đều không có sức hút và do đó không có sức cạnh tranh.

Mọi người đều biết muốn tiến lên giàu mạnh phải không ngừng nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế. Ước mong một ngày nào đó trí tuệ Việt Nam sẽ chứng minh được cho thế giới rằng sức tưởng tượng sáng tạo của người Việt Nam trong xây dựng cũng chẳng kém trong chiến đấu.



Trích sách "Xin được nói thẳng"

Bạn có thể quan tâm