Ông Nguyễn Cảnh Bình là một người làm sách nhiều năm nay (Chủ tịch HĐQT Alpha Books), một người nghiên cứu về kinh tế, chính sách (Phó Chủ tịch Trung tâm Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương VAPEC) đưa ra góc nhìn về bài toán xuất bản sách giáo khoa hiện nay.
Tách NXB Giáo dục khỏi Bộ Giáo dục là điều tất yếu
Nhiều năm qua, chỉ có duy nhất nhà xuất bản (NXB) Giáo Dục làm sách giáo khoa (SGK), điều này dễ dẫn đến những suy luận quanh việc NXB độc quyền làm SGK.
Mới đây, NXB Giáo dục báo 60% doanh thu của họ đến từ SGK và họ lỗ 40 tỷ từ làm SGK; tuy nhiên họ vẫn lãi 150 tỷ đồng/năm. Điều đó cho thấy NXB Giáo dục đang xuất bản nhiều dòng sản phẩm, chủ yếu gồm SGK và những sách tham khảo, và đây có thể là nguồn lãi chính của họ.
NXB Giáo Dục một mình một mảng SGK bao năm qua, nhưng mỗi năm vẫn lỗ hàng chục tỷ đồng. Ảnh: Nguyễn Sương. |
Việc NXB Giáo dục lỗ 40 tỷ nhưng vẫn chiết khấu đến 250 tỷ/năm đặt ra nhiều câu hỏi trong dư luận. Tôi cho rằng bán bất cứ mặt hàng nào cũng phải có chiết khấu bán hàng, tỷ lệ chiết khấu thay đổi theo ngành hàng và bối cảnh. Đối với SGK, chiết khấu cho các đơn vị phân phối là 250 tỷ, tôi không dám chắc đó là cao hay thấp vì không có đối chứng, so sánh. Nhưng việc NXB Giáo Dục xuất bản SGK lỗ, khi không thay đổi mô hình phân phối và không có lựa chọn khác thì chiết khấu bán hàng vẫn có thể cao.
Có thể tìm cách giảm bớt dần tỷ lệ nếu có sản phẩm độc quyền, nhưng thực tế, học sinh hay người mua sách tham khảo vẫn mong muốn có được chiết khấu cao, giảm giá (như độc giả Hà Nội vẫn giữ thói quen đến phố sách Đinh Lễ - Nguyễn Xí mua sách để có chiết khấu cao).
Cũng có những thông tin không chính thức, cho rằng NXB Giáo dục thông qua Bộ Giáo dục đưa sách xuống các trường học, tạo nên một thế độc quyền khép kín cho SGK. Việc đó chưa rõ ràng, nhưng cá nhân tôi cho rằng khi NXB Giáo dục là một bộ phận/doanh nghiệp của Bộ Giáo dục, khi không có những lựa chọn khác và khi có những mối quan hệ nhất định giữa những tổ chức trong ngành thì việc này có thể xảy ra.
Nhưng nhìn xa ra, tôi không nghĩ rằng dài hạn đây là lợi thế không thể thay đổi. Khi xã hội phát triển, khi nhu cầu của học sinh và phụ huynh trở nên phong phú và đa dạng hơn thì sẽ xuất hiện những lợi thế khác với những mô hình kinh doanh kiểu mới.
Chúng ta phải có chính sách công bằng và bình đẳng đối với những đơn vị tham gia làm SGK (trong tương lai) và việc tách NXB Giáo dục khỏi Bộ Giáo dục là điều tất yếu.
Thực tế, hiện nay chính phủ cũng đang cải cách doanh nghiệp và tập đoàn Nhà nước theo hướng này khi tách các tập đoàn khỏi các Bộ chủ quản đưa về Ủy ban Quản lý Vốn để giảm bớt hoặc cắt bỏ sự can thiệp từ các bộ đối với doanh nghiệp. Tôi nghĩ với NXB Giáo dục cũng nên như vậy.
Còn việc hỗ trợ của Nhà nước với SGK phổ thông sẽ phức tạp hơn và có lẽ sẽ có nhiều quan điểm về vấn đề này. Như với Hàn Quốc, nhà nước vẫn hỗ trợ bằng cách bù lỗ hoặc mua SGK phát miễn phí cho học sinh song phải thông qua việc kiểm soát và cạnh tranh bình đẳng.
Tại Hàn Quốc, Bộ Giáo dục Hàn Quốc sẽ cho các NXB (tất cả đều là tư nhân) tự do đấu thầu cung cấp sách giáo khoa cho các trường học. Cứ 3-5 năm/lần, sau khi Bộ giáo dục ban hành khung chương trình thì các NXB trình lên Bộ giáo dục các bản SGK mới của họ (như các sản phẩm mẫu…) để rồi Bộ sẽ quyết định và cùng lúc có nhiều bộ SGK được chọn. Nhưng đến khi về trường phổ thông, hiệu trưởng lại có quyền được chọn bộ SGK nào phù hợp với họ trong số các bộ SGK hợp pháp…
Làm SGK không hề béo bở dễ dàng
Việc đầu tư sản xuất và kinh doanh SGK là một bài toán quá khó, không hề béo bở dễ dàng cho những nhà đầu tư khi nhìn kỹ con số và lợi nhuận cùng với các điều kiện ràng buộc khác về pháp lý.
Mô hình nào cho việc xuất bản SGK lúc này không chỉ còn đơn giản là độc quyền hay không, vì giải pháp đối với SGK đã được đưa ra, đề cập bàn bạc và quyết định từ nhiều năm nay. Đó là cho phép có nhiều bộ SGK. Đây đã trở thành quyết định chính thức của chính phủ và quốc hội từ nhiều năm trước.
Song đến nay, điều này vẫn chưa trở thành hiện thực, một lí do là chương trình khung của SGK gần đây mới được xây dựng xong, chậm hơn so với dự kiến 1-2 năm. Nhưng dù chương trình khung được phê duyệt sớm, đúng hạn thì việc có thêm một vài bộ SGK khác cũng không hề dễ dàng và nhanh chóng.
Ông Nguyễn Cảnh Bình - người làm xuất bản nhiều năm qua, có tìm hiểu về lĩnh vực SGK. |
Là người tìm hiểu về lĩnh vực này và suy nghĩ nhiều về SGK, giáo trình đại học, tôi đã gặp gỡ những NXB làm SGK lớn nhất của Hàn Quốc, của Singapore, từng gặp Chủ tịch Hiệp hội SGK thế giới, tìm hiểu về cách thức xuất bản SGK của Anh, Mỹ, Nhật… tôi thấy việc có được một bộ SGK mới không hề dễ dàng.
Những doanh nghiệp, doanh nhân, nhà đầu tư cần thời gian suy tính, chuẩn bị từ việc sản xuất, nguồn bản thảo, bản quyền đến cách thức phân phối, bán hàng, tìm nguồn vốn…
Sự thật là, khi cho phép có nhiều bộ SGK, đặc biệt là SGK có nguồn gốc hoặc dựa trên biên soạn, tham khảo từ nước ngoài thì cùng với việc nâng cao chất lượng SGK, chắc chắn giá cũng sẽ tăng nhiều so với hiện nay, thậm chí sẽ có bộ SGK giá cao gấp 2-3 lần so với giá SGK của NXB Giáo dục, ít nhất là trong ngắn hạn 3-5 năm tới.
Sẽ có sự phân hóa về SGK, có SGK đắt tiền dành cho các trường tư và học sinh con các gia đình có điều kiện, nhưng phần đông vẫn phải được đáp ứng với SGK giá rẻ, và kèm theo đó khó có thể nâng cao chất lượng.
Chắc chắn chúng ta sẽ có một cơ chế mới cho SGK, như đã từng có đối với lịch block hay như với nhiều ngành khác song giới xuất bản cần thời gian và cả những điều kiện khác về thiết chế và quy định để biến mọi ý tưởng thành hiện thực.
Chắc chắn trong vài năm tới, trẻ em Việt Nam sẽ có một vài lựa chọn về SGK nhưng để mọi việc trở nên tốt đẹp còn cần những điều kiện khác, như mở cửa quy định đối với việc cho phép sự đầu tư từ các tập đoàn hoặc tư nhân, thậm chí cả từ các NXB quốc tế...
Đơn vị xuất bản cần gì khi làm SGK?
Việc NXB Giáo Dục lỗ 40 tỷ về cơ bản không ảnh hưởng đến quyết định gia nhập thị trường của những đơn vị khác nếu họ muốn làm SGK. Nhưng hiện nay, dù quy định ở Việt Nam trong vài năm tới đã cho phép có nhiều bộ SGK thì việc biến ý tưởng đó thành hiện thực cũng không dễ dàng.
Tôi cho rằng cần 3 điều kiện để các đơn vị khác tham gia được thị trường SGK: (1) Tư cách pháp lý. Hiện nay các công ty sách tư nhân chỉ là các đơn vị liên kết phát hành với NXB của nhà nước chứ chưa được gọi là công ty xuất bản sách. Nên nếu vẫn quy định vậy, chúng tôi càng không thể có tư cách để làm SGK.
(2) Vốn lớn. Khác với xuất bản sách thông thường, việc làm SGK mới đòi hỏi vốn lớn nếu thực sự muốn đầu tư nghiêm túc. Từng có một nhóm cá nhân rất nỗ lực làm SGK mới như nhóm Cánh Buồm nhưng ý định tốt chưa đủ nếu không có nguồn lực tài chính; (3) Nhân lực, con người, đội ngũ người viết, nhà khoa học…
Làm SGK không phải một bài toán đơn giản đối với các đơn vị xuất bản. Tranh minh họa: Phượng Nguyễn. |
Khi sang Hàn Quốc, trao đổi với các NXB tư nhân của Hàn Quốc có làm SGK tôi mới thấy sự đầu tư và con người của họ lớn thế nào. NXB tư nhân ở Hàn Quốc (NXB tư nhân lớn nhất làm SGK có doanh số 750 triệu đô la và cần tới 30 năm kinh nghiệm).
Câu chuyện SGK là một bài toán lớn bao gồm nhiều khâu: Khung chương trình, viết và xuất bản SGK, in ấn và phân phối, lựa chọn rồi cuối cùng là sự hỗ trợ hoặc bao cấp... và cần những hoạch định và phân tích kỹ càng hơn.
Tôi tin đó là một hành trình dài nhiều thập niên chứ không chỉ thuần túy dừng ở việc cho phép nhiều bộ SGK mà còn liên quan tới những thiết chế và quy định pháp lý khác nữa.
Cơ chế cho phép hình thành nhiều bộ SGK sẽ mang lại kết quả tích cực nhưng với tôi, điều đó vẫn chưa đủ. Một cơ chế thực sự minh bạch, công bằng, tích cực đòi hỏi nhiều cải cách khác nữa, ví dụ cơ chế phân phối cũng như kiểm soát việc mua SGK của các trường học cũng cần xem xét đến.
Nếu không xây dựng được một cơ chế tổng thể, nguy cơ chuyển dịch sự móc ngoặc từ chỗ này về chỗ kia, từ bên trên xuống bên dưới là có thể xảy ra. Không thể mong chờ một cơ chế hoặc mảng sản xuất và kinh doanh SGK trong sạch khi những mảng tối khác vẫn còn…