Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tại sao những 'mọt sách' luôn thích đọc sách giấy truyền thống?

Khi được hỏi tại sao thích đọc sách giấy hơn sách điện tử, một số người yêu sách ở Malaysia trả lời rằng sách giấy đã mang đến cho họ trải nghiệm tốt hơn.

“Sách giống như những người bạn đồng hành. Vì vậy, tôi có thể nói rằng hầu hết những người yêu sách như tôi, thường có tình cảm gắn bó tình cảm với các cuốn sách giấy. Tôi cũng cảm thấy như mình là người nắm quyền sở hữu những cuốn sách này. Chúng là của tôi, tôi yêu chúng! Tài sản quý giá của tôi! Tôi cũng yêu mùi hương, thiết kế của cuốn sách và cảm nhận khi mình chạm vào nó”, nhà thiết kế hoa Juliana Jamil Thu 39 tuổi, chia sẻ.

Đôi khi, nhiều cuốn sách cũng mang trong mình những giá trị tình cảm. Khi nó là món quà từ bạn bè, gia đình hay những cuốn sách được lưu truyền từ thế hệ trước.

Gioi tre Malaysia tiet lo so thich ve sach anh 1
Giới trẻ Malaysia thích đọc sách giấy vì những cảm xúc tuyệt vời mà chúng mang lại.   Ảnh: The Star. 

Juliana bày tỏ: “Những cuốn sách tôi đọc cũng thể hiện bản sắc, cá tính, cảm xúc và phần nào cho thấy tôi là ai hoặc tôi muốn trở thành người như thế nào. Do đó, tôi rất quan tâm đến những cuốn sách của mình, giống như chúng là một phần trong con người tôi”.

Cô cũng chia sẻ về các thể loại sách cô yêu thích của mình, đó là tiểu thuyết giả tưởng, sách khoa học viễn tưởng, văn học lãng mạn và văn học cổ điển.

“Còn sách điện tử thì không gợi được lên những cảm xúc như vậy. Cảm giác giống như đang sử dụng một dịch vụ số”, Juliana nói. Hai năm trước, cô bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến dạng sách này khi cô từ bỏ công việc văn phòng.

Anna Raj, 29 tuổi, một sinh viên sau đại học, cũng chia sẻ rằng thiết kế và cảm xúc mà những cuốn sách giấy mang lại khiến cô thích đọc loại sách mang tính truyền thống này. “Với những định dạng sách điện tử, tôi nhận thấy mình phải vật lộn để giữ sự tập trung và tốc độ đọc của tôi bị chậm lại”, Anna bày tỏ.

Anna mua trung bình 30 cuốn sách mỗi năm và cô vẫn giữ thói quen mượn sách từ bạn bè và thư viện địa phương từ khi còn nhỏ. “Trong suốt thời thơ ấu và niên thiếu, tôi luôn thích đọc tiểu thuyết, đặc biệt là thể loại giả tưởng. Nhưng gần đây tôi thích những cuốn sách về trải nghiệm thực tế, có liên quan đến nghiên cứu chính trị và các vấn đề thời sự”, cô nói.

Gioi tre Malaysia tiet lo so thich ve sach anh 2
Trẻ em Malaysia được khuyến khích đọc sách.  Ảnh: The Star.

Thừa nhận đã mua rất nhiều sách khi chúng được giảm giá, giám đốc tiếp thị Mike Lam, 28 tuổi, nói rằng anh quan tâm tới việc tiết kiệm được chi phí và những lúc các nhà sách có khuyến mãi, anh thường sẽ mua rất nhiều.

“Đôi khi, tôi mua nhiều sách đến nỗi khiến mẹ than phiền”, Mike cười và chia sẻ. Mike cho biết anh thích mua sách bản cứng để ủng hộ những tác giả yêu thích như: Paulo Coelho, J. K. Rowling và George R. R. Martin.

Anh nói thêm: "Tôi cũng đọc các tác phẩm từ các chính trị gia và các nhân vật nổi tiếng bao gồm: Hillary Clinton và Michelle Obama. Việc theo dõi và lần tìm những nội dung thú vị trên sách giấy thú vị hơn so với sách điện tử”. Mike cho biết việc đọc sách cũng mang đến cơ hội để bản thân tách biệt với màn hình kỹ thuật số - vốn là một phần của cuộc sống hiện đại ngày nay.

Tuy nhiên, một số người cũng tin rằng sách điện tử và các ấn phẩm trực tuyến có lợi ích riêng của nó.

Giám đốc điều hành một công ty về công nghệ thông tin Candice Wong, 34 tuổi, cho biết cô đọc các bài báo trực tuyến từ các trang tạp chí trên Internet trong thời gian rảnh rỗi để thư giãn. “Tôi có thể đọc nó ở bất cứ đâu, miễn là có điện thoại bên mình. Ngoài ra, tôi còn có thể xem các bức ảnh và video trực tuyến. Tuy nhiên, điều đó cũng không ngăn tôi thưởng thức một cuốn sách cũ hay”, Candice cho biết.

“Mọt sách” Anna cho rằng văn hóa đọc ở Malaysia chỉ ở mức trung bình và cần phải làm nhiều điều hơn nữa nếu muốn cải thiện tình trạng này. “Ở các quốc gia phát triển như nước Anh, bạn sẽ thấy mọi người đọc sách ở khắp mọi nơi, đặc biệt là khi đi trên các phương tiện giao thông công cộng”, cô chia sẻ về những điều cô đã quan sát được.

Gioi tre Malaysia tiet lo so thich ve sach anh 3
Nhiều người cho rằng sự phát triển của sách điện tử có thể lấn át sách giấy. Ảnh: AP.

Anna cho biết cô cũng thấy nhiều bạn trẻ mua những cuốn sách giảm giá, nhưng họ không thể đọc chúng thường xuyên, có khi còn không đụng tay tới. Về phần mình, cô tin rằng văn hóa đọc ở Malaysia đang dần thay đổi. Ngày càng có nhiều người bán sách cũ, các ấn phẩm sách cổ trên phương tiện truyền thông xã hội và thị trường trực tuyến.

“Một số người cũng tiến hành các giao dịch trao đổi sách. Vì vậy, việc sở hữu sách dễ dàng hơn, với chi phí rẻ hơn. Chính phủ và các cơ quan văn hóa sẽ cần đầu tư công sức để đưa ra những cách thức hiệu quả nhằm nâng cao văn hóa đọc cho người Malaysia", cô nói thêm.


Minh Hoa

Bạn có thể quan tâm