Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tại sao nhiều người dân TP.HCM chậm nhận được túi an sinh?

Sau quá trình thực hiện, một số đơn vị cung ứng hàng có F0 nên bị ảnh hưởng, đưa gói an sinh xuống không đủ combo. Việc này cũng ảnh hưởng tới tốc độ trao túi an sinh cho dân.

Nhiều người dân phản hồi chậm nhận được túi an sinh và cách sử dụng thuốc điều trị Covid-19 Molnupiravir là vấn đề được báo chí đặt ra tại họp báo chiều 29/8.

Một số đơn vị cung ứng hàng có F0 nên bị ảnh hưởng

Trả lời vấn đề này, ông Phạm Minh Tuấn, Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) TP.HCM, cho biết thực tế, Trung tâm An sinh kết hợp với các nhà tài trợ, đơn vị cung ứng phân phối gói an sinh tới các hộ dân.

Tuy nhiên, một số đơn vị cung ứng hàng có F0 nên bị ảnh hưởng khiến đôi lúc khi trao gói an sinh không đủ combo. Việc này cũng ảnh hưởng tới tốc độ trao túi an sinh cho người dân. Khi được phản ánh, Trung tâm An sinh đã kiểm tra, xử lý.

Trung tâm hiện đã hình thành đội shipper tình nguyện, chia xuống các phường, xã để cùng lực lượng quân sự trao quà cho dân. Trung tâm An sinh cũng triển khai lực lượng SOS để tiếp nhận thông tin phản ánh khẩn cấp qua Tổng đài 1022 và gửi túi an sinh cho hộ dân. Đến nay, trên 6.000 túi quà an sinh đã được trao cho các hộ dân thông qua phản ánh đến Tổng đài 1022.

Về công tác vận động giảm giá trọ cho người thuê, ông Tuấn cho biết thành phố hiện có trên 79.000 chủ nhà trọ với trên 643.000 phòng trọ. Trong kế hoạch, Trung tâm An sinh cố gắng vận động trên 50% chủ nhà trọ tham gia giảm giá trọ cho người thuê.

Một số phòng trọ cho thuê đã chủ động giảm 20%, 50%, 60%, và thậm chí 100% tiền thuê trọ. Thời gian tới, khối dân vận ở cơ sở sẽ tiếp tục vận động để chia sẻ sự khó khăn với người lao động. Tính đến nay, hơn 20.000 chủ nhà trọ đã miễn giảm tiền thuê cho 273.728 phòng với số tiền hơn 158 tỷ đồng.

TP.HCM siet gian cach xa hoi anh 1

Lực lượng chức năng trao thực phẩm và gói an sinh tới tận nhà cho người dân. Ảnh: Quỳnh Danh.

Vì sao TP.HCM không phát thuốc kháng virus Molnupiravir cho tất cả F0?

Cũng trong buổi họp báo, trả lời về cách sử dụng thuốc điều trị Covid-19 Molnupiravir, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho biết TP.HCM hiện có 3 túi thuốc điều trị Covid-19 cho F0. Túi thuốc A gồm 2 loại là hạ sốt và vitamin. Túi B gồm thuốc kháng viêm và kháng đông. Túi C là thuốc Molnupiravir.

Về quy trình, khi phát hiện F0, tổ y tế lưu động tiếp cận lần đầu sẽ phát túi A và B. Túi A dùng trong 7 ngày.

Túi B dùng trong 3 ngày. Kháng viêm và kháng đông là thuốc điều trị sử dụng trong điều kiện đặc biệt. Thuốc này dùng khi có dấu hiệu khó thở, hồi hộp, tim nhanh, thở nhanh, SpO2 dưới 95% thì F0 hoặc người nhà phải gọi cho nhân viên y tế. Trong khi chờ, F0 có thể dùng một liều đầu tiên và phải tiếp tục gọi nhân viên y tế chứ không được tự xử lý.

Túi C là thuốc không phát cho tất cả F0. Nhân viên y tế sẽ giữ và khi tiếp cận được F0, khám, tìm hiểu sơ bộ tình hình của F0. Nếu đúng chỉ định và là F0 có triệu chứng và triệu chứng nhẹ thì được sử dụng thuốc Molnupiravir, tức là F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nặng cũng không được sử dụng.

TP.HCM siet gian cach xa hoi anh 2

TP.HCM có các túi thuốc để phát cho F0 điều trị tại nhà. Ảnh: Phạm Ngôn.

Thuốc này phải được kiểm soát chặt chẽ vì có một số chống chỉ định như phụ nữ mang thai, cho con bú… Ông Tâm nhấn mạnh chỉ nhân viên y tế, đặc biệt là bác sĩ thăm khám, chỉ định mới được sử dụng. Và thuốc này dùng tối đa 5 ngày.

Trước đó, Sở Y tế TP.HCM đã có túi thuốc điều trị Covid-19 cho F0 tại nhà được chia thành 3 gói (A, B, C), sử dụng tùy thuộc vào triệu chứng của bệnh nhân.

Gói A là những thuốc thông dụng gồm thuốc hạ sốt và vitamin nâng cao thể trạng.

Gói B là những thuốc sử dụng hạn chế một số tình huống đặc biệt gồm thuốc kháng viêm và thuốc kháng đông. Thuốc này được chỉ định khi người bệnh có triệu chứng sớm của suy hô hấp như cảm thấy khó thở (nhịp thở khi nghỉ ngơi trên 20 lần mỗi phút hoặc đo SpO2 dưới 95%). F0 có thể tự uống không quá 3 ngày, trong thời gian chờ đợi bác sĩ hỗ trợ.

Thuốc kháng viêm corticoid và kháng đông dạng uống được chỉ định khi người bệnh có triệu chứng sớm của suy hô hấp (cảm thấy khó thở, nhịp thở > 20 lần/phút, SpO2 < 95%) nhưng chưa liên hệ được nhân viên y tế để được hướng dẫn, hỗ trợ.

Thời gian F0 tự uống không quá 3 ngày, trong thời gian này người bệnh cần phải tiếp tục liên hệ bác sĩ để được hỗ trợ, tùy tình trạng sức khỏe của người bệnh, bác sĩ sẽ quyết định cho người bệnh dùng tiếp thuốc này cho đủ 7 ngày.

Gói C là thuốc kháng virus Molnupiravir dùng cho F0 có triệu chứng nhẹ và được kiểm soát đặc biệt. Theo đó, thuốc Molnupiravir uống 2 lần/ngày trong 5 ngày liên tục.

Từ 23/8 đến hết 6/9, TP.HCM thực hiện Chỉ thị 11 về tăng cường các biện pháp giãn cách xã hội theo Nghị quyết 86 của Chính phủ. Phương châm là “xây dựng mỗi phường, xã, thị trấn; mỗi cơ quan, nhà máy, xí nghiệp là một pháo đài chống dịch”.

TP.HCM tiếp tục kiểm soát việc di chuyển của người dân (khung giờ, đối tượng được di chuyển...). Thành phố chuẩn bị 2 triệu túi an sinh, đảm bảo không bỏ sót những trường hợp khó khăn. TP.HCM xét nghiệm diện rộng toàn thành phố, riêng các hộ dân vùng cam, đỏ được xét nghiệm kháng nguyên nhanh mẫu đơn.

Thành phố trải qua 90 ngày giãn cách xã hội theo nhiều mức độ nâng dần kể từ 31/5. Từ 27/4 đến sáng 29/8, địa phương ghi nhận hơn 200.000 ca nhiễm.

Tướng Võ Minh Lương: Quân đội tăng cường thêm nguồn lực cho TP.HCM

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Minh Lương nhận định TP.HCM đã được tăng cường lực lượng chống dịch nhưng điều quan trọng vẫn là sự chấp hành, ủng hộ của người dân.

Thu Hằng - Thư Trần

Bạn có thể quan tâm