Bạn đọc Minh Quân đặt câu hỏi: “Không hiểu sao tâm lý mọi người cứ nghĩ cái gì mắc tiền mới tốt? Nhiều sản phẩm Việt tương tự hàng nước ngoài hay bị ngó lơ”.
Tâm lý “mắc tiền mới tốt”?
Bạn Dương Trường Giang (Tây Ninh) bức xúc: "Mình thấy nhiều bạn trẻ thật quá khích, thậm chí còn chưa cầm sản phẩm trên tay, nhưng đã bỉu môi chê bai hàng Việt và so sánh với giá hàng ngoại”.
“Tôi kể câu chuyện Bphone cho sếp người Nhật của tôi nghe. Ông ta nói, người Việt hãy ủng hộ để cho doanh nghiệp Việt sống đã, sau đó hãy cùng với họ tìm ra giải pháp tốt nhất. Có thể doanh nghiệp quảng cáo hơi quá đà, nhưng nếu họ không có điểm dừng thì họ tự đánh mất chính thôi”, chị Minh Huệ, nhân viên một công ty nước ngoài chia sẻ.
Theo tiến sĩ Huỳnh Thế Du, giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, chúng ta ít có thói quen khuyến khích và ủng hộ. Ông Du cho rằng, chính những “gáo nước lạnh” của dư luận đôi khi đã dập tắt mọi động lực và ý chí của những người làm kinh doanh.
Thạc sĩ (ThS) Bùi Hồng Quân (Sở Lao động - Thương binh và xã hội TP HCM) cho rằng: “Đối với một sản phẩm mới thì tâm lý bình thường của người tiêu dùng là rất tò mò, và mong muốn được khám phá, trải nghiệm. Đặc biệt, nếu nhà sản xuất truyền thông sản phẩm ấy bằng cách khẳng định tính ưu việt của nó, thì việc so sánh với các sản phẩm cùng loại đã có trên thị trường của người tiêu dùng là một tâm lý dễ hiểu”.
Hẳn nhiên, sản phẩm muốn tồn tại phải khẳng định được chất lượng và giá trị của mình, kể cả hàng Việt hay hàng ngoại. Thế nhưng, có những sáng tạo mang tính thử nghiệm hoặc tiên phong của người Việt chưa kịp ra đời đã có nguy cơ chết yểu bởi chính niềm tin.
Tại sao như vậy?
Nhiều doanh nghiệp đã làm ăn kiểu… “ăn xổi ở thì”
TS Huỳnh Thế Du nhìn nhận, có nhiều doanh nghiêp Việt, vẫn kiểu tầm nhìn ngắn hạn, không định hướng theo đường dài mà chọn kiểu kinh doanh “ăn xổi”, “được ngày nào hay ngày ấy”. Sản phẩm của họ ban đầu rất tốt, nhưng được một thời gian ngắn thì chất lượng rất tệ.
Theo PGS.TS Ngô Trí Long, trình độ, năng lực, tư duy quản lý của người Việt không thua kém ai, nhưng biện pháp thực hiện vẫn còn hạn chế.
Trải nghiệm BPhone tại sự kiện ra mắt ngày 26/5 ở Hà Nội. |
Chính sự “thiếu trung thực” của những người làm kinh doanh đã làm cho lòng tin của người tiêu dùng sụt giảm, nhất là với những sản phẩm mới.
Chị Ánh Phượng (quận Thủ Đức, TP HCM) cho biết: “Hàng Việt Nam ngày nay có nhiều sản phẩm mới, rất sáng tạo nhưng chưa được phổ biến, vì hai lý do là giá cả và mẫu mã chưa đa dạng.
Trong một đợt nghiên cứu thị trường sản phẩm của chính mình, chị Phượng cho biết: có hơn 70% người tiêu dùng chọn hàng nước ngoài, vì danh tiếng của sản phẩm và vì thói quen sử dụng các đồ dùng khác của đất nước chế tạo ra sản phẩm đó.
Theo nhiều bạn đọc, người Việt khá chú trọng đến chất lượng và độ bền của sản phẩm.
Niềm tin chính là tiêu chuẩn lựa chọn
PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, yêu cầu tiên quyết đối với các hoạt động trên thương trường chính là niềm tin.
Ông Long khẳng định: “Có niềm tin là có tất cả và mất niềm tin là mất tất cả”. Khi công chúng đã tin tưởng vào sản phẩm của doanh nghiệp, thì chính họ sẽ là nhân tố đẩy mạnh việc tiêu thụ sản phẩm.
ThS tâm lý Bùi Hồng Quân cho biết, sự sáng tạo bao giờ cũng đi liền với sự bản lĩnh. Do vậy, khi nhà sản xuất tung ra sản phẩm mới phải lường trước dư luận trái chiều. Hãy đừng trách cứ người tiêu dùng.
Các nhà sản xuất hãy coi những lời bình phẩm không tốt là dịp để nhìn lại sản phẩm của mình, xem xét lại thị hiếu của người tiêu dùng, để có những cải tiến phù hợp. Sản phẩm có tồn tại và phát triển được hay không phụ thuộc vào việc có đáp ứng được thị hiếu khách hàng.
PGS.TS Ngô Trí Long nói: “Công chúng thật ra không phải ai cũng đua theo trào lưu, nhưng rõ ràng những thương hiệu đã có uy tín sẽ khiến họ cảm thấy yên tâm hơn một sản phẩm chưa khẳng định được chất lượng và giá trị của mình, dù đó là sản phẩm trong hay ngoài nước”.
Theo quan điểm của ông Long, chất lượng sản phẩm, giá cả và chế độ hậu mãi mới là những yếu tố quyết định niềm tin và sự lựa chọn của người tiêu dùng. Cho dù chúng ta có hô hào các khẩu hiệu tới đâu mà sản phẩm làm ra không tốt, giá cả bất hợp lý, dịch vụ hậu mãi kém, thì người tiêu dùng cũng quay lưng.
Để khẳng định được thương hiệu Việt thì sự uy tín phải được các nhà kinh doanh đặt lên hàng đầu, và người tiêu dùng cần thời gian để kiểm định chất lượng sản phẩm và lòng tin vào hàng Việt.